Sau bão, những ngọn đèn dầu sẽ nở hoa

02/11/2020 - 12:00

PNO - Những đứa trẻ lớn lên từ vùng hứng bão lũ luôn có chung một phần ký ức. Khi vô tình so sánh thời tiết ở thành phố và quê nhà, chúng tôi sẽ dành cho nhau sự đồng cảm người vùng khác khó có thể hiểu được.

Hôm đó, lúc nối được liên lạc với mẹ, tôi nghe từ đầu bên kia, mẹ nói: “Nhà không hề chi nghe con”. Lúc đó, tôi mới thấy lòng nhẹ nhõm. Tuổi nhỏ mơ chân trời lạ, chọn học một trường đại học xa nhà, chúng tôi đâu biết từ đó là xa mãi. Tôi và bạn bè chỉ có thể ngồi trong văn phòng, vừa làm việc vừa dõi mắt nhìn ứng dụng dự báo bão Windy. 

Trên vệ tinh, cứ mỗi lúc tâm của cơn bão Molave lại xoáy gần hơn về phía quê nhà. Ở chỗ làm, cơn bão lòng nổi gió tơi bời, suy nghĩ bị xé thành hai nửa, một nửa vẫn tỉnh táo đặt ở cuộc họp với sếp, nửa kia rối bời lo cho người thân thương. Bão tới rồi, ở nhà có bình yên không?  

Thương lắm những mái nhà neo người chỉ có đàn bà, người già và trẻ nhỏ. Có người mẹ một mình đã quen, trước ngày bão nổi tự xoay xở mang bao cát chèn mái nhà. Con gái gọi điện về dỗ dành: “Thôi má bỏ đi, qua nhà hàng xóm tránh tạm”. Người mẹ bình thản: “Có cái nhà mà để mất thì lấy chi ở con?”. 

Có đứa con nóng lòng đòi đặt vé máy bay đón ba mẹ vào TP.HCM tránh bão. Qua màn hình điện thoại chỉ thấy ba mẹ lắc đầu nguầy nguậy, nói: “Nhà đây mà bỏ đi mô con?”. Mấy đứa con vừa bất lực vừa thương cái suy nghĩ dù bão to cỡ chi đi nữa cũng phải giữ lấy cái nhà. Làm sao để ba mẹ hiểu được, với con cái, mái nhà chỉ thực sự là nhà khi có ba mẹ ở đó, và bình an? 

Những người đàn bà miền Trung không hề muốn rời căn nhà của mình - Ảnh: Minh Thanh
Những người đàn bà miền Trung không hề muốn rời căn nhà của mình - Ảnh: Minh Thanh

Bạn bè nhắn tin vào nhóm chat than thở: “Sao mà ba tao cố chấp quá!”, “Sao mà má tao liều lĩnh thiệt!”. Đám con xa quê chúng tôi sau mấy cuộc điện thoại hết dỗ ngọt đến hù dọa, cũng đành dịu giọng dặn dò ba mẹ chú ý an toàn, còn người còn của. 

Chiều về ngang qua ngôi chùa ở quận 4, tôi ghé vào thành khẩn mong cầu nhà mình bình an, quê mình yên ổn, cũng là để tự trấn an khỏi những ký ức của cơn bão năm cũ và viễn tưởng hãi hùng của cơn bão năm nay.

Những đứa trẻ lớn lên từ vùng hứng bão lũ luôn có chung một phần ký ức. Khi vô tình so sánh thời tiết ở thành phố và quê nhà, chúng tôi sẽ dành cho nhau sự đồng cảm người vùng khác khó có thể hiểu được. 

Trong câu chuyện đó, có cả nhà - đôi khi từ “cả nhà“ đó chỉ có hai má con - bám vào sợi dây buộc với đòn tay để giữ lấy mái tôn đang bị gió giở lên từng nhịp, cả người bị kéo hẫng lên khỏi mặt đất. Ba tôi còn dặn: “Nếu mái nhà bay thì buông dây, chui nhanh vào gầm bàn gần đó nghe con”. Tôi vừa níu sợi dây vừa chăm chăm nhìn cái bàn, chuẩn bị bằng tất cả bản năng để chạy về phía đó.

Nhà tôi trong cơn bão năm cũ vẫn giữ được nóc, nhưng nhà bạn chỉ còn đống đổ nát. Sau bão, tôi nhìn bạn đi nhặt nhạnh lại sách vở, dụng cụ học tập. Giữa chừng, bạn ôm cuốn sách giáo khoa ướt sũng nước mưa, bật khóc. Cảnh tượng đó neo lại trong tôi một nỗi buồn thương, cho chúng tôi và những đứa trẻ sống trong vùng bão lũ. Chúng tôi cũng giống như những cái cây oằn mình xơ xác, khi bão tan, mưa tạnh, mặt trời lên lại vươn dậy thẳng thớm, dù buồn đau cỡ nào đi nữa.

Năm nay, chúng tôi ở ngoài cơn bão chỉ có thể mường tượng cảnh người thân đang cố giữ cánh cửa bị gió thổi bật ra, đang níu đòn tay, đang run sợ nghe từng cơn gió rít. Yên ổn ở đây, nhưng không bao giờ yên lòng, nóng hơ cái ruột vì chỉ nghe tiếng tút dài báo mất tín hiệu điện thoại. Tôi nhìn mãi vào vòng xoáy bão trên màn hình ứng dụng dự báo Windy, phập phồng chờ đợi cơn bão qua đi, đường liên lạc nối lại để nghe được tin nhà.  

Hồi nhỏ bà nội nói: “Nếu tim đèn cháy nở hoa thì đó là điềm an vui”
Hồi nhỏ bà nội tôi nói: “Nếu tim đèn cháy nở hoa thì đó là điềm an vui” - Ảnh minh hoạ

Bão tan, đứa em ở quê gửi cho bức hình chụp ngọn đèn dầu, nhắc chuyện hồi nhỏ bà nội nói: “Nếu tim đèn cháy nở hoa thì đó là điềm an vui”. Dù truyền thuyết chỉ để vỗ về trẻ con thôi, nhưng vẫn mong cầu ngọn đèn dầu ở mỗi mái nhà nơi thôn quê đều nở nhiều hoa.

Điện thoại báo tin nhắn từ đứa bạn ở quê: “Sau bão trời đẹp, không mưa, tối có trăng, thậm chí trời đầy sao. Nhưng nước đã lên rồi”. 

Võ Lê Tú Anh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI