Sau án mạng, mọi thứ vẫn bình thường ở phố Tây?

26/06/2017 - 13:36

PNO - Phố Bùi Viện sẽ trở thành phố đi bộ thứ hai ở TP.HCM từ ngày 15/7. “Phố Tây” trở thành “phố đi bộ” - với tất cả những kỳ vọng về tiềm năng du lịch, cơ hội kinh doanh, sự an toàn của khách du lịch.

Đang được kỳ vọng với những đổi thay sắp sửa, đêm 21/6, đường Bùi Viện lại trở thành “hiện trường án mạng” khi một du khách người Mỹ bị đâm chết ngay trên phố. “Chuyển động ngược chiều” này, như tín hiệu của một thực tại đang cần được chạm đến, cần được thay đổi; trước khi con phố mang vào mình bất kỳ một diện mạo mới nào.

Sau an mang, moi thu van binh thuong o pho Tay?
Khu phố Tây Bùi Viện càng về khuya càng đông đúc và huyên náo.

“Nghèo khổ và yếu đuối”?

22 giờ, từ chính giữa cung đường đông đúc nhất phố Tây, tôi rẽ vào hẻm 116 Bùi Viện. Con hẻm đột ngột hẹp lại sau đoạn gấp khúc. Nhà cửa san sát, lồi lõm với một gam màu sờn cũ. “Phố Tây” chỉ còn lại trong một thứ tạp âm kỳ quặc, inh tai. Ở một “phần đường chết” được tạo ra bên cạnh một ngôi nhà nhô hẳn ra phía trước, một gian bếp đang đỏ lửa. Bên này đường là bếp, bên kia đường đặt một chiếc tủ gia vị, người phụ nữ chạy qua chạy lại như con thoi. Hẻm vắng tanh. 

Thấy tôi đeo máy chụp hình, chị nói ngay: “Cưng đừng chụp chị! Có ai muốn nấu ngoài đường đâu, nhưng lỡ bị bắt thì chị hết đường làm ăn đó”. Tôi “dạ”. Chị vừa quần quật vừa nói tiếp: “Chỗ ngủ còn không có nói gì chỗ nấu ăn. Ở đây người ta phải lấy hẻm làm bếp, lấy hẻm làm nhà xe, rồi lấy hẻm làm chỗ giữ xe cho khách vậy đó”. 

Lúc ấy, phố Tây ngoài kia đang vào độ tấp nập nhất. Tôi đi xuyên qua căn bếp. Con hẻm lại nối dài bằng một đoạn đường chỉ vừa lọt một người đi bộ, luồn lách giữa hai hàng xe máy đậu dài suốt hẻm. Thỉnh thoảng, từ những khung cửa kia lại có một người bước ra, tất tả đi mua gì đó rồi nhanh chóng trở về, chìm vào một gian nhà chật chội. Những tất tả “lạc điệu” với cái “bề mặt ăn chơi” của khu phố kia, lại chính là dòng chảy đời thường len sâu trong vùng dân cư chằng chịt hẻm ngõ, đang nuôi lấy sự sống của “khu phố mang tên những vị khách” này.

Sau an mang, moi thu van binh thuong o pho Tay?
Mọi ca sĩ đường phố đều không gây được chú ý với người trẻ ở phố Tây.

“Cách đây mấy chục năm mà tự giới thiệu mình là dân ngã tư Quốc Tế thì ai cũng rùng mình”, anh Trịnh Văn Nhu (hẻm 116 Bùi Viện) kể. Ngã tư Quốc Tế là giao lộ Bùi Viện - Đề Thám, điểm bắt đầu phố Tây. Với nhiều người Sài Gòn, nơi này gắn với nỗi ám ảnh về tệ nạn, về khu nhà chen chúc, tạm bợ và nạn ma túy. 

Căn nhà của anh Nhu là một “tổ ấm” điển hình của người dân phố này: rộng chừng 27m2, có tuổi đời chừng 60 năm, và là chỗ ở của… 16 người. Được bố vợ anh cất lên khi vừa di cư từ Bắc vào, căn nhà khi ấy là nơi cư ngụ của một gia đình lao động có bốn cô con gái. Ngày anh Nhu về làm rể, ngôi nhà có thêm môt thành viên. Cứ thế, những cô em vợ cưới chồng, sinh con, đẻ cháu, vẫn kiên trì tá túc trong căn nhà vốn đã chật chội với một gia đình sáu người.  

Một buổi chiều trở về sau một ngày chạy xe ôm ế ẩm, lại nghe tiếng khóc ngằn ngặt của đứa cháu sơ sinh từ trên gác vọng xuống, anh Võ Văn Ninh (hẻm 104 Bùi Viện) vô vọng nhìn sang những căn nhà hàng xóm, rồi trấn an vợ: “Người ta chen chúc vậy vẫn sống được, mình cũng sẽ sống được”. Đến lúc đứa con gái thứ hai được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh, cần rất nhiều tiền để con được mổ nhưng càng bế tắc, anh Ninh lại... nhìn sang hàng xóm.

Độ ấy, ma túy lan tràn khắp ngõ hẻm khu phố Tây. Những gia đình suy sụp hay vỡ nợ đều “đứng dậy” được, nhiều người bán hàng rong trên vỉa hè thoát cảnh chật vật là “nhờ”… bán ma túy. Mạng lưới dày đặc, xóm giềng “giàu kinh nghiệm”, chuyện “bước vào đường dây”… dễ như chơi. Nghe chồng nói ý muốn thử bán ma túy, vợ Ninh mất ngủ, khóc suốt đêm. Chuyện sai trái đó chẳng tính tới thì thôi, một khi đã nghĩ đến, lại thấy giằng co dữ dội giữa nỗi sợ hãi tù tội và bản năng sinh tồn. Đận ấy rồi cũng qua, được vợ khuyên ngăn, anh Ninh từ bỏ.

Sau an mang, moi thu van binh thuong o pho Tay?
Nhóm trẻ em bán hàng rong ở phố Tây chạy theo xin tiền du khách.

Dự định bán ma túy vĩnh viễn là một bí mật, nhưng anh đã trót mang vào mình trải nghiệm của một người đàn ông “suýt sa ngã”: “Cả nguồn hàng lẫn khách hàng đều có sẵn, đường sá thì thông nhau, kiểu gì cũng trốn được. Dân nghèo thì yếu đuối, làm sao trụ vững được trước một món hời như vậy?”.

Liệu mấy chữ “nghèo” và “yếu đuối” trong mạch nói của người đàn ông lam lũ kia có thực là “đặc điểm dân cư” ở đây, và là nguồn cơn của mọi vấn đề nơi này? 

Giấc mơ và nỗi ám ảnh

Khi phố Tây vẫn được nhắc đến với những “thuộc tính”: “tự phát”, “nhếch nhác”, “tạm bợ”; thì câu chuyện cải tạo nó vẫn được luận bàn song song trong những cuộc họp của các cấp chính quyền TP.HCM. Nhưng, con phố và những luận bàn về nó vẫn… như hai đường thẳng song song; cho tới khi TP công bố công trình cải tạo phố Tây thành phố đi bộ từ ngày 15/7/2017.

Theo đó, toàn bộ 850m chiều dài vỉa hè đường Bùi Viện từ mũi thuyền đường Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo đến đường Cống Quỳnh sẽ được sửa chữa và cấm các phương tiện lưu thông vào hai đêm cuối tuần. Nhà hàng, khách sạn sẽ được sắp xếp lại, vỉa hè được tổ chức thông thoáng hơn, không gian nghệ thuật, ẩm thực được mở ra để thu hút khách.

Đặc biệt, sở Du lịch sẽ mở lớp huấn luyện các chủ cửa hàng kỹ năng giao tiếp với du khách. Những phác thảo hướng về việc nâng tầm văn hóa ấy như đã “giải” được toàn bộ bài toán “văn minh, hội nhập và thu hút khách” cho một “khu phố du lịch”. Nhưng, ngay khi đã trở thành khu phố du lịch, Bùi Viện vẫn là một “khu - phố - đang - sống”. Văn hóa thực tại hay văn hóa được kỳ vọng của nó cũng đều chỉ có sức sống, khi nó được phả ra từ chính đời sống dân cư trong khu vực.

Sau an mang, moi thu van binh thuong o pho Tay?
Khu vực phố Tây là nơi tập trung đông nhất du khách nước ngoài đến TP.HCM.

Cuộc trò chuyện về phố Tây còn lan man, anh Biền - chủ quán bia tôi đang ngồi - đột ngột im lặng. Anh thúc thúc tay tôi, khẽ hất mặt về hướng con hẻm ngay bên cạnh, nói qua kẽ răng: “Đó đó, nó bắt khách đó”. Tôi nhìn theo hướng anh vừa ra hiệu. Một trong ba người phụ nữ đang ngồi như hóng mát ở đầu hẻm vừa “kết nối” được với một người đàn ông dáo dác ngang đó. Cầm tiền từ anh này xong, chị hất mặt về phía hòn đá ở sát mép đường. Người đàn ông lại giở hòn đá lên, cầm lấy cái gì đó trước khi quay đi. Thương vụ kết thúc. Anh chủ quán bia như vẫn đang bình thản làm việc của mình, vừa nói với tôi: “Cứ đến đêm là nó đem hàng trắng ra tới mặt tiền bán vậy đó. Ngày bữa gì em ơi!”.

Rời quán anh Biền, tôi được người bạn lớn lên ở phố Tây dắt đi vòng qua phố Phạm Ngũ Lão. Khi ấy chừng 10 giờ tối. Đoạn không có công ty du lịch, vỉa hè khá yên tĩnh. Trước một nhà hàng vắng khách, một vài du khách Đức đang ngồi đối diện một đứa trẻ chừng bảy tuổi, người Việt. Bốn thanh niên người nước ngoài ngồi trên tam cấp lắc lư, vẻ mặt như đang cổ vũ thằng bé người bản xứ.

Dưới vỉa hè, đứa trẻ cúi mặt, rồi ra chừng mất thăng bằng. Dáng điệu lem luốc, rách rưới của đứa trẻ thôi thúc tôi lại gần. Thấy tôi, một cô gái lên tiếng: “Xin đừng, không có chuyện gì đâu!”. Ngay lúc đó, tôi thấy đứa trẻ phà ra một làn khói. Người bạn đi cùng nhanh chóng kéo tôi đi tiếp ngay sau câu giải thích lạnh lùng: “Nó đang hút cỏ”. 

Tất cả những lời “thuyết minh” kia đều rất bình thản. Chuyện một người phụ nữ bán ma túy giữa phố. Chuyện một đứa trẻ Việt cô đơn hút cỏ giữa sự cổ vũ của một đám người xa lạ ngay trên vỉa hè của xứ sở nó. Tất cả đều bình thường ở phố Tây? Người bạn tôi giải thích: “Một lần hút cỏ cũng không hại sức khỏe lắm, mà đổi lại, thằng bé sẽ được cho tiền. Cứ xem như nó đang kiếm tiền, giống như đứa trẻ đang ngậm dầu phun lửa kia vậy”.

Quả thực, “kiếm tiền” là động cơ của mọi chuyển động ở nơi này. Từ sự chiều khách của những người làm dịch vụ chân chính, hoạt động phi pháp của người đàn bà bán ma túy, cho đến sự phục tùng trong cô độc của đứa trẻ đường phố kia… đều để kiếm tiền. Nếu bỏ qua góc độ pháp lý mà nhìn từ logic hành xử của con người nói chung thì ba hình ảnh ấy lại trùng khít kỳ lạ. Họ đều hành động theo logic của đồng tiền. Riêng với “lẽ sống” đó, họ không đáng trách.

Kiếm tiền để sống cũng là điều bình thường. Nhưng việc lấy “lẽ kiếm tiền” chi phối mọi hoạt động sống, hay hành xử với khách, thì nhất định xa lạ với du lịch. Nhưng đó đang là thực tại ở phố Tây. Được lý giải bằng “đói nghèo” và “yếu đuối”, tinh thần sống kia đang lặng lẽ chi phối đời sống nơi này. Ngay với sự đổi thay sắp sửa của phố Tây, dù đã được chính quyền thông tin trực tiếp trong cuộc họp, các hộ kinh doanh vẫn nơm nớp, sợ “mất phần mua bán”.

Được - mất, còn - hết trong “miếng bánh” hữu hạn này đã bao phen dạy người ta bản năng vẫy vùng, tự vệ. Rồi trong lúc chưa bị “siết chặt”, những động thái kiếm tiền sẽ càng tích cực hơn, riết róng hơn. Tất cả những câu chuyện văn hóa đang được kỳ vọng trong sự thay đổi kia, đều chính đáng là thế, nhưng lại cũng xa lạ và cao vời là thế. 

Trong phần định hướng về hoạt động của phố đi bộ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến từng nhắc nhở chính quyền quận 1 “theo dõi, túc trực để xử lý các tình huống phát sinh; linh hoạt việc tạm ngừng văn hóa nghệ thuật trong phố đi bộ khi người dân có tang gia, đau ốm...”. Phần lưu tâm ấy cũng an ủi phần nào những vị “chủ nhà” trong “khu phố mang tên những vị khách”. Còn lại, tất cả những thay đổi bề mặt kia đó có “tái cấu trúc” được logic hành xử của cư dân xứ này? Về phía dân cư, họ có nghĩ được đến văn hóa, đến “diện mạo chung”; khi vẫn phải lao đao, vẫy vùng với cuộc sống còn riêng lẻ?

Rồi, ngoài những hình ảnh khác lạ của cơ sở hạ tầng, giấc mơ ta kỳ vọng ở phố Tây có thành hiện thực? Hay là, mọi thứ vẫn bình thường ở phố Tây…

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI