Sau 5 năm, tôi mới thương quý nhà chồng

24/03/2021 - 10:12

PNO - Tôi thường xuyên bị "trục trặc" tình cảm với nhà chồng, dù cố gắng thế nào.

Cách đây 5 năm, tôi vừa nhận lời cầu hôn của chồng vừa "hoang mang" vì nếp sống nhà chồng và nhà tôi không có gì ăn nhập với nhau.

Nhà tôi có ba mẹ con, nhà chồng tôi cha mẹ con cái cộng lại đến mười mấy người. Nhà tôi luôn yên tĩnh, nhà chồng lúc nào cũng náo nhiệt. Nhà tôi mọi lễ nghi như cưới hỏi, giỗ kỵ đều đơn giản, nhà chồng thường rình rang.

Nhà tôi mọi người tôn trọng không gian riêng của nhau, nhà chồng phòng ai cũng có thể là phòng của mình...

Nhà chồng luôn đông đúc ồn ào - Ảnh minh họa
Nhà chồng luôn đông đúc ồn ào - Ảnh minh họa

Mỗi lần về nhà chồng là một trận mệt nhọc, uể oải đối với tôi. Chúng tôi về ngày tết, thấy cả nhà chồng ngập ngụa với chuyện bếp núc, chén bát vì cúng cơm ông bà từ Ba mươi đến Mùng bốn tết. Hết cúng là coi như hết tết vì chỉ khoảng mùng năm vợ chồng tôi lại lục đục thu xếp vào lại Sài Gòn, vì vậy, với tôi về tết là "cực hình".

Tương tự, ngày giỗ, chúng tôi phải về trước một ngày để chuẩn bị, đại gia đình tập trung ăn nhậu từ tối hôm trước sang đến hôm sau và khi nhà có cưới hỏi thì mọi người còn ăn nhậu "kịch liệt" hơn, hết ba ngày.

Trong những ngày tụ tập đông đúc, mẹ con tôi không có không gian riêng, có khi lẻn vào phòng ru thật lâu con gái mới ngủ thì đứa cháu đột nhiên tông cửa phòng gọi" "Mợ ơi, mợ ơi" làm con giật mình.

Tôi không biết làm cách nào để mình thấy dễ chịu hơn mà cũng không dám ta thán với chồng. Có lúc tôi nghĩ mình sẽ ra "tối hậu thư" với chồng là sẽ không về nhà nội nữa.

Nhưng tình thế đã thay đổi sau mùa tết này, khi mà vì COVID-19, tôi có dịp ở nhà chồng lâu hơn. Tôi không chỉ để ý đến cơn khó chịu của mình như mọi khi mà còn thấy cả những quan tâm của mẹ và anh chị chồng dành cho mình.

Họ không bắt buộc tôi phải làm việc nhà và rất vô tư nói tôi nên vào chơi với con, chẳng qua tôi ngại nên xông vào làm cùng rồi than mệt.

Những tối trước ngày cúng, đại gia đình có dịp ngồi lại với nhau, lai rai vài chai bia, kể lại những kỷ niệm hồi xưa rồi cười ầm ầm, có khi rủ nhau đánh bài đến nửa khuya.

Tối trước đám cưới càng vui, cả nhà ai cũng giành kể chuyện vui, nhân vật chính là người sắp trở thành cô dâu hay chú rể chắc chắn bị "dìm hàng" đến không dám nhìn ai.

Phải yêu thương nhau lắm những người trong nhà mới nhớ nhiều kỷ niệm cùng nhau và tạo được bầu không khí gia đình rộn ràng trong tiếng cười nói giòn tan như vậy. Họ khiến tôi từ một đứa thường thờ ơ với những câu chuyện của họ trở thành đứa hay hóng nghe lúc nào không hay.  

Gia đình đông đảo nên lúc nào cũng "rần rần". Bếp núc phụ nữ mỗi người một tay, dọn dẹp nhà cửa đàn ông mỗi người một tay nên việc nhà được giải quyết nhanh gọn. Đám giỗ ai cũng hăng hái đóng góp tiền cúng ông bà bất kể con trai hay con gái. Nhà có hỷ sự như cưới hỏi, thôi nôi, đầy tháng... ai cũng nhanh nhẹn tặng tiền, tặng quà.

Mới đây, ba chồng tôi bệnh nặng phải nằm viện mới thấy hết sự đáng yêu của nhà chồng. Ngay tức khắc cả nhà tập trung, người lo cơm nước, người lo tiền bạc, người mua bánh trái, người kể chuyện vui động viên tinh thần ba...

Nhà chồng tôi mỗi khi nhà có chuyện, dù chuyện buồn hay vui, mọi người đều sẽ chung tay, ai làm được gì thì làm và không nhòm ngó người khác. Con cháu, dâu rể đông đúc, tạo được nếp ấy trong gia đình không phải dễ.

Trước đó là những lần đi về gấp gáp, giờ thong thả tôi mới hiểu hết nhà chồng, đằng sau cái ồn ào bỗ bã là chân tình mọi người dành cho nhau, đằng sau những lần tông cửa xông vào phòng mà không gõ cửa là sự quan tâm: "Mợ mệt không, con bồng em phụ cho", hoặc "Con bé có bệnh không mà sao khóc dữ vậy con", hay người chị em bạn dâu đưa cho tôi ly nước dừa...

Những người "nhà quê" biết hỏi thăm vợ chồng tôi dịch bệnh công ty làm ăn có được không, họ có tiền để dành phụ giúp gì được không. Những người nhà quê mà ba năm trước hay tin tôi sinh con kéo đến thăm chật nhà làm tôi phát khiếp, nay nếu tôi sinh đứa nữa, nếu họ không tới tôi sẽ rất buồn.  

Nếp sống mà tôi từng cho là "quê mùa" ấy đã hết lần này đến lần khác nhen cho tôi một ngọn lửa ấm mà trước đó tôi chẳng để ý. Giờ đây, mỗi lần tạm biệt họ để về lại Sài Gòn, chưa đi tôi đã nhớ. Tôi trở thành người nhiệt tình rủ rê chồng về quê mỗi khi nhà chồng có hiếu hỷ hoặc đơn giản chỉ để thăm mọi người.

                                                                                                                                An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI