Bộ phim mang đậm ý nghĩa gia đình và giá trị thời cuộc
Tháng 3 vừa qua, một sự kiện nằm trong khuôn khổ LHP Tribeca đã làm sôi sục các fan hâm mộ. Đó là buổi chiếu marathon dài hơn 7 giờ - hai bộ phim Bố Già và Bố Già phần 2 - nhân dịp 45 năm ra đời của kiệt tác điện ảnh The Godfather (1972 – 2017), với tâm điểm là cuộc đoàn tụ giữa đạo diễn Francis Ford Coppola và các ngôi sao ngày xưa trong khán phòng Radio City Music Hall ở New York City đầy ắp 6.000 khán giả đã bán hết vé từ trước…
...45 năm, đó là một cột mốc thời gian quá dài để người ta có thể nhớ một thứ gì đó đặc biệt, huống gì đấy là một bộ phim. Đặc biệt phim ở Hollywood nhiều mênh mông như biển cả, sóng sau xô sóng trước… phim hay này nối tiếp phim hay khác. Nhưng gần nửa thế kỷ rồi, mà The Godfather vẫn thách thức với thời gian để trở thành một trong những bộ phim được yêu thích nhất mọi thời.
|
Cuộc gặp gỡ sau 45 năm. Michael Corleone (diễn viên Al Pacino, thứ 4 từ trái qua) nay chân đã run, tóc đã bạc. |
Đó thật sự là kỳ tích với một bộ phim thể loại mafia gangster. Nó không chỉ thu hút những ai chưa từng đọc tiểu thuyết, những người đã trưởng thành, mà kể cả những thanh thiếu niên sinh sau đẻ muộn bộ phim cả vài thập niên. Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama, lẫn đương nhiệm Donald Trump, cũng đều yêu thích bộ phim The Godfather.
Sự hấp dẫn trị giá tỷ đô la của thương hiệu đã dẫn đến một câu hỏi then chốt: Vì sao thế giới bước sang đầu thế kỷ 20, mà câu chuyện của dòng họ Corleone vẫn tiếp tục hấp dẫn không chỉ với người gốc Ý ở mọi quốc tịch? Câu trả lời đơn giản, đó là do khán giả đồng cảm với sự ấm áp gia đình của dòng họ này trên màn ảnh, mặc dù đó là tập đoàn tội phạm.
45 năm sau ngày bộ phim ra mắt, số người hiếm hoi không thích nó cũng phải nhận ra rằng tác giả Mario Puzo và nhà biên kịch/đạo diễn Coppola đã thực sự xuất sắc khi phỉ báng về sự điên rồ, vinh quang và thất bại của giấc mơ Mỹ, mà đại diện được chọn trong việc khám phá giấc mơ đó là người Mỹ gốc Ý. Cả Puzo lẫn Coppola đã rất tài tình trong việc Mỹ hoá văn hoá Mỹ.
|
Vito Corleone và Al Pacino - 2 Bố Già trong 2 phần phim |
The Godfather còn thực sự thành công trong việc định nghĩa lại ý nghĩa của việc là người Mỹ, Ý hay bất kỳ dân tộc nào ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Gia tộc Corleone chiến đấu chống lại những vấn đề mà toàn bộ dân chúng Mỹ ngày nay vẫn đang chiến đấu: tiền bạc, quyền lực, quyền kiểm soát, tham vọng và địa vị xã hội. Bố Già Don Corleone bằng cách nào đó, đã có thể hiểu được những hành động phi lý của các ngân hàng, phía sau cuộc khủng hoảng tài chính thế kỷ 21 của nước Mỹ.
Bộ phim từng bị mọi đạo diễn lớn từ chối
"Tôi vẫn tìm thấy ở bộ phim rất nhiều cảm xúc. Dù giờ đã quên mất khá nhiều về lúc thực hiện nó ", đạo diễn Coppola, người cũng ngồi ở khán phòng cùng xem lại cả hai phần phim, lần đầu tiên trong nhiều năm.
"Cả hai phim này vẫn có thể làm được ở hiện tại, nhưng sẽ không có các hãng phim lớn nào tham gia. Bộ phim đầu tiên được thực hiện với giá khoảng 6,5 triệu USD. Phần 2 được thực hiện với giá 11 – 12 triệu USD. Ngày nay, các hãng lớn sẽ không bao giờ bật đèn xanh cho một phim kiểu như vậy", Coppola nhận định thực tế, sau một thời gian ngắn chạm vào guồng máy khủng khiếp của ngành công nghiệp điện ảnh hiện nay.
Khi Paramount mua lại quyền chuyển thể The Godfather từ tiểu thuyết gia Mario Puzo, không ai, kể cả tác giả, có bất cứ ý niệm mơ hồ nào về bộ phim sau này. Đến khi cuốn tiểu thuyết càng trở nên nổi tiếng lừng lẫy, thì studio đã nhận ra tiềm năng và quyết định tăng ngân sách cho bộ phim, và mọi đạo diễn đáng kính ở Hollywood đều được mời làm việc.
|
Thần thái của Al Pacino trong The Godfather II |
Vào thời điểm đó, phim gangster không được các đạo diễn lớn ưa thích, nhiều người còn phản đối vì cho rằng tôn vinh Mafia là vô đạo đức. Vì vậy, vào lúc mà Coppola được chọn làm đạo diễn, cũng có nghĩa là hầu như tất cả các đạo diễn lớn ở Hollywood đã từ chối nó. Tuy nhiên, ban đầu ngay cả quan điểm của Coppola với bộ phim cũng không khác gì các đạo diễn khác!
Theo cuốn sách Francis Ford Coppola Interviews, thậm chí Coppola còn không đọc hết cuốn tiểu thuyết của Puzo. Ông gọi bạo lực và tình dục trong đó là "thứ rẻ tiền". May mắn thay, lúc ấy Coppola đã bị phá sản và tuyệt vọng. Công ty phim độc lập American Zoetrope của ông, đang vướng với hãng Warner Bros một khoản nợ là 600.000 đô-la, và đối tác của ông, đạo diễn lừng danh George Lucas, đã gây áp lực cho Coppola phải nhận lời đạo diễn The Godfather. "Phải tiếp tục thôi, Francis," Lucas nói, "Chúng ta thực sự cần tiền. Anh có mất gì đâu?".
Vì vậy, khi Coppola được đưa trở lại ghế đạo diễn một vài tháng sau, ông đã chấp nhận và làm việc với Mario Puzo để điều chỉnh kịch bản. "Sau đó, tôi hiểu rõ hơn về cuốn sách: Câu chuyện về gia đình, người cha và những người con trai. Các câu hỏi về quyền lực và sự kế thừa. Và tôi nghĩ rằng đó là một câu chuyện tuyệt vời, thậm chí nếu bạn có thể cắt đứt tất cả những thứ khác (bạo lực và tình dục)".
Vĩ thanh “Bố già” Marlon Brando…
|
Marlon Brando |
… Giây phút tuyệt vời nhất ngay sau buổi chiếu hai bộ phim dài hơn 7 giờ, là khoảnh khắc đoàn tụ giữa đạo diễn Coppola với các diễn viên thượng thặng từng giữ những vai quan trọng nhất trong cả hai phim The Godfather và The Godfather Part 2: Al Pacino (Michael Corleone), Robert DeNiro (Bố Già Corleone hồi trẻ), Robert Duvall (cố vấn Tom Hagen), James Caan (Sonny Corleone), Talia Shire (Connie Corleone), Diane Keaton (Kay Adams)…
Nhưng trang trọng và xúc động nhất là bức ảnh phóng to của huyền thoại quá cố Marlon Brando – “Bố già” Vito Corleone – được phóng to treo ở sân khấu trong một bố trí hệt như phòng khách. Đạo diễn Coppola cũng không quên tôn vinh Marlon Brando.
"Brando là người thích ứng biến" - Coppola nói, và rằng Brando đã đưa ra rất nhiều chi tiết khiến nhân vật Vito Corleone trở nên sống động. "Tôi đã tâm sự với ông ấy vào thời điểm đó rằng, tôi không biết làm thế nào để quay cảnh Bố Già trước khi chết. Làm sao để quay cảnh Bố Già chơi đùa với đứa cháu nội cho nhìn cho thật tự nhiên?" Brando nói, "Đây là cách tôi chơi với bọn trẻ…”, “Ông lấy vỏ cam, rồi cắt nó thành những miếng giống như hàm răng của quái vật, rồi thử nhét chúng vào miệng mình."
"Tôi vừa định nghĩ, “Thật là một ý tưởng lố bịch… thì một ý tưởng chợt thoáng qua, khiến tôi liên tưởng: Đúng rồi! Bố Già chết như một con quái vật!" Coppola tiếp tục. "Từ khi tôi nhìn thấy ông ấy đeo hàm răng quái vật bằng vỏ cam, tôi biết mình không thể quay cảnh đó theo cách nào khác nữa".
Đạo diễn Bá Vũ