Sau 40 năm, vẫn còn một khoảng cách không... gần

16/08/2019 - 06:48

PNO - Để người dân không bị thiệt thòi nhiều hơn nữa, đó chính là cái kết cuộc tất yếu, là mục tiêu tối thượng của bất kỳ một chính quyền, một chính đảng nào ra đời, tồn tại và phát triển.

Để doanh nghiệp “giữ giùm” 1.800 tỷ đồng ngân sách, “Thanh tra Chính phủ xác định thành phố sai và chúng tôi cũng thấy”. 

Trong việc ban hành hai quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư với tổng kinh phí hơn 38.000 tỷ đồng, thành phố đã sai khi không có thẩm quyền để ban hành; việc tạm ứng 26.000 tỷ đồng từ ngân sách mà không tất toán hằng năm là vi phạm Luật Ngân sách, “Thanh tra Chính phủ xác định TP.HCM sai về nguyên tắc”. 

Đó là một phần trong “cuộc kiểm thảo” của lãnh đạo UBND TP.HCM, mà người đại diện là Phó chủ tịch Võ Văn Hoan chiều 14/8, tại cuộc họp báo nhằm thông tin kế hoạch thực hiện kết luận 1037 của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Đặc biệt, lằn ranh “nhạy cảm” tại khu đất 4,39ha đã được xác định. Không tính đúng 4,3ha, để không lấn vào ranh nhà đất, người dân sẽ bị thiệt. “Chúng tôi không căn cứ mặt tiền đường mà lấy tim 3 con đường làm chuẩn để xác định, không để người dân bị thiệt” - xác nhận của Phó chủ tịch Võ Văn Hoan. 

“Để người dân không bị thiệt”, chính xác trong trường hợp này là để người dân không bị thiệt thòi nhiều hơn nữa, đó chính là cái kết cuộc tất yếu, là mục tiêu tối thượng của bất kỳ một chính quyền, một chính đảng nào ra đời, tồn tại và phát triển.

Cách đây tròn 40 năm, trong giai đoạn 1976-1979, Bí thư Thành ủy TP.HCM (năm 1975-1976 và 1981-1986) Nguyễn Văn Linh đã gọi đây là thời kỳ “khủng hoảng trưởng thành của thành phố” mà nếu không rút ra 5 bài học kinh nghiệm, ông gọi là 5 vi phạm của Đảng bộ thành phố thì đã không có được thành quả 10 năm sau ngày Sài Gòn được giải phóng. Một trong năm vi phạm ấy, lại là vi phạm nghiêm trọng nhất, theo ông “là chúng ta chưa xác định thật rõ hai mục tiêu của hoạt động kinh tế thành phố: mở rộng và nâng cao sản xuất và cải thiện đời sống cho nhân dân”. 

Sau 40 nam, van con mot khoang cach khong... gan

Cái tên Khu đô thị mới Thủ Thiêm mang theo không ít tiềm năng, khát vọng về một “thành phố” trong thành-phố-ngã-ba-đường, một đặc thù của Sài Gòn - TP.HCM

Đối chiếu cái sai của thành phố - hôm nay, qua câu chuyện Thủ Thiêm với cái vi phạm thứ năm - hôm qua ấy để thấy, sau 40 năm, từ mục tiêu, ý chí, trách nhiệm của Đảng bộ TP.HCM đến phương thức, vận hành, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố và mức độ thụ hưởng của người dân, trong một bộ phận vẫn là khoảng cách không… gần. 

Khi đặt tên Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tôi tin tự nó đã nhận lãnh, đặt để không ít tiềm năng, khát vọng về một “thành phố” trong thành-phố-ngã-ba-đường, một đặc thù của Sài Gòn - TP.HCM, theo kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái. Thế nhưng, từ “nội sinh” là điều kiện sinh thái thổ nhưỡng, năng lực quy hoạch, quản lý, trách nhiệm kiểm tra, điều hành cho đến “ngoại sinh” là tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực, là áp lực của tốc độ phát triển “đầu tàu”… đều không được chuẩn bị đầy đủ, chưa được trang bị thấu đáo, trong đó yếu tố con người, đã bị khinh suất, chủ quan và… bỏ quên! 

Một con người - lãnh đạo đã không kịp thời, sâu sát để lắng nghe đầy đủ, lắng nghe đến tận cùng cái âm thanh nhỏ bé nhất, để ít nhất không dằng dặc 10 năm khiếu nại oan ức, khổ sở. 

Một con người - quản trị đã không tận tụy, trách nhiệm, từ quản lý đến giám sát chuyên môn để không phải tự mình “giăng bẫy” và “rơi bẫy”, tự mình ra đề bài… sai, dẫn tới lời giải trật lất mà hậu họa là số lãi vay, là khoản nợ ngân sách khổng lồ đang treo lơ lửng. 

Để sau cùng, dù chỉ là một trong tỷ lệ 99% mặt bằng đã được giải phóng nhưng là 300 con người còn lại trong cả vạn con người đã thực hiện cuộc di dời, hay thậm chí ít ỏi hơn thế, thì vẫn phải cần đến cái gật đầu cuối cùng. Bởi đó là lương tri của nhà cầm quyền, không thể khác.

Trong con số 38.000 tỷ đồng ban đầu đi vay ngân hàng để bồi thường, hỗ trợ tái định cư, khi ngân sách có điều kiện, thành phố đã tạm ứng 26.000 tỷ đồng, trong đó là 10.000 tỷ đồng lãi suất. Giờ thì thành phố đang kiến nghị Trung ương xem xét, không tính lãi suất phần tiền tạm ứng này. 

Đọc đến đây, tôi chợt nhớ hình ảnh 18g ngày cuối năm 2018, lãnh đạo thành phố này vẫn còn hồi hộp vì đang chờ con số… thu ngân sách có đủ chỉ tiêu của Trung ương giao. Thời may, không những đủ mà còn vượt, đạt 100,03% dự toán ngân sách. 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đúc kết: tính từ dưới lên thì thành phố thu ngân sách bằng 45 tỉnh, mỗi ngày thành phố phải thu trên 1.200 tỷ đồng. 

Và giờ thì thành phố này đang chờ Trung ương xem xét. 

Và giờ thì tôi, hay như bao người dân thành phố này, từ Q.Gò Vấp lại chờ phà An Phú Đông để băng qua sông, 44 năm rồi, mảnh đất kiên trung ấy còn chưa bắc nổi một cây cầu… 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI