Sau 3 năm, đàn bò xóa nghèo giảm đi một nửa

07/05/2023 - 07:00

PNO - Sau gần 3 năm được hỗ trợ con giống và chuồng trại, hơn 300 con bò của người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An chẳng những không tăng đàn mà còn giảm đi phân nửa, số còn lại đứng trước nguy cơ bị bán rẻ.

Bí tiền là nhìn vào đàn bò

Mặt trời chiếu thẳng vào chuồng bò, ông Lo Văn Khánh - ở bản Văng Môn - vội lùa 4 con bò ra trú mát dưới căn nhà sàn. Giữa năm 2020, hộ ông Khánh cùng nhiều hộ khác trong bản nhận bò do Nhà nước hỗ trợ để thoát nghèo. Sau gần 3 năm, những con bò này hầu như không lớn thêm. 

Ông Khánh nói: “Không hiểu sao bò lâu đẻ quá. Tính ra, 3 năm qua, gia đình tôi chưa thu được đồng nào. Trước đây, chúng tôi thả bò thoải mái trong rừng, lâu lâu vào kiểm tra thôi. Giờ thì ngày nào cũng phải mất công chăm sóc, đi cắt cỏ cho chúng”. Theo ông, mùa nắng, người dân lại lo bò gầy yếu bởi không có nguồn thức ăn. Nhiều lúc bí bách, nhìn vào đàn bò, ông cũng tính bán lấy tiền để trang trải cuộc sống nhưng rồi lại thôi.

 

Nhiều chuồng bò bị người dân tháo dỡ mái che, khung sắt bán lấy tiền
Nhiều chuồng bò bị người dân tháo dỡ mái che, khung sắt bán lấy tiền

Kế nhà ông Khánh, nhiều chuồng bò của những hộ khác um tùm cỏ dại bởi đàn bò đã bị chết do dịch bệnh hoặc bị gia chủ bán rẻ. Những chuồng bò có kinh phí đầu tư hàng trăm triệu đồng/chuồng nay bị bỏ hoang, thậm chí nhiều người còn tháo dỡ mái che, khung sắt trong chuồng mang bán. 

Ông Lo Văn Hoàn cho biết, do kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình đã bán bò, lấy tiền xài. Phần lớn những hộ bán bò dự án nay đã chuyển đi nơi khác hoặc đi làm thuê ở xa. Ông than: “Mùa khô, cỏ không mọc nổi nên chúng tôi phải lên rừng cắt lá cây, chặt chuối nhưng cũng không đủ cho bò ăn. Nước cho bò uống thì tụi tôi phải đi xuống suối xách từng xô, nhọc lắm”.

Chỉ tay vào con trâu mới mua hơn 15 triệu đồng, ông Lo Văn Tuấn nói: “Tui cũng muốn giữ bò, nhưng sợ nó chết nên phải bán thôi”. Ông thừa nhận, khi mới tiếp nhận về nuôi, 4 con bò mà gia đình ông được hỗ trợ khá đẹp, nhưng càng nuôi càng gầy: “Gia đình khác không mua cám nên bò ốm là đúng. Nhưng nhà tui mua cám ngô, bẻ ngô non về tẩm bổ, kêu thú y tiêm thuốc mà bò chẳng những không lớn, lại còn gầy thêm”. 

Vài tháng trước, 2 trong 4 con bò của gia đình ông Tuấn gầy đến trơ xương, có con đứng không vững nên vợ chồng ông phải tức tốc gọi thương lái đến bán. Sau một buổi ngã giá, ông Tuấn mới bán được 2 con bò này với giá 10 triệu đồng, bằng 1/3 giá bò khi dự án xóa nghèo bàn giao.

Năm 2020, triển khai đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội dân tộc Ơ Đu (UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư), bản Văng Môn có 77 hộ được hỗ trợ 304 con bò giống. Nhưng đến nay, có 44 con bò đã chết do dịch bệnh và gầy yếu, 114 con bị người dân bán rẻ, nhiều con được các hộ đưa tới lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để chăn thả. 

Ngoài bán rẻ bò, một số hộ dân còn tháo dỡ chuồng bò đem bán, bán luôn cả những vật dụng được tặng kèm để nuôi bò như bình chứa nước, máy cắt cỏ. 

Chính quyền chưa nghĩ ra cách xử lý

Bà Lo Thị Lan - Trưởng bản Văng Môn - cho biết, việc người dân bán tháo bò dự án chỉ mới diễn ra gần đây. Do người dân bán trộm giữa đêm nên chính quyền địa phương không biết để can thiệp. Người dân bản này vốn quen chăn nuôi trâu bò thả rông trong rừng, nên khi nhận bò dự án về nuôi nhốt trong chuồng, phần do không quen, phần do thiếu thức ăn nên bò chậm phát triển. 

 

Để người dân Ơ Đu “giữ chân” được đàn bò là vấn đề nan giải
Để người dân Ơ Đu “giữ chân” được đàn bò là vấn đề nan giải

Bà nói: “Trước khi bàn giao bò, người dân cũng đã được cán bộ tập huấn cách chăn nuôi, phòng bệnh, ủ cỏ… nhưng nhiều người nghe mà không hiểu, không nắm được kiến thức”. Bà cho hay, số bò dự án này được mua từ miền xuôi, khi đưa lên vùng cao nuôi thì không hợp thời tiết. Thời gian đầu, khi còn được Nhà nước hỗ trợ thêm cám, đàn bò vẫn ổn. Hết cám, dân nghèo không có tiền mua, nguồn thức ăn thiếu nên bò ốm yếu dần.

Ông Kha Văn Lập - Bí thư Đảng ủy xã Nga My - cho biết, dự án đã khai hoang gần 9ha đất, giao cho người dân trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò, nhưng do thiếu nguồn nước tưới nên mùa khô, cỏ thường không phát triển. Để giải quyết, chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân mua thêm rơm rạ về dự trữ. “Chúng tôi cũng đề nghị thú y huyện hỗ trợ, thụ tinh cho bò nếu người dân có nhu cầu. Phải tìm mọi cách để người dân giữ được đàn bò, phát triển kinh tế” - ông nói.

Ông Vy Mỹ Sơn - Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An - thông tin, khi nhận bò, người dân bản Văng Môn đã ký cam kết không bán bò, nhưng dần dà, họ nghĩ đàn bò là tài sản của mình nên có quyền bán. Có rất nhiều lý do bán bò: khó khăn quá cũng bán, làm nhà cũng bán, ông bố mất, con không nuôi được cũng bán…

Ông nói: “Quan trọng nhất là ý thức của người dân. Họp dân, chúng tôi cũng đã phân tích nuôi bò là phát triển kinh tế gia đình mình, nuôi sống gia đình mình chứ không phải nuôi cho ai”. Theo ông, việc người dân bán bò dự án là sai nhưng rất khó xử lý và ông cũng chưa nghĩ ra cách gì.

Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực tế, đề nghị thú y hỗ trợ tiêm phòng cho những con bò quá gầy yếu. Để giải quyết tình trạng thiếu thức ăn cho bò, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An dự tính sẽ cho phát triển thêm những cánh đồng cỏ mới ở bản Văng Môn, đầu tư hệ thống tưới tiêu cho đồng cỏ, hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ, kỹ thuật ủ chua cỏ để dự trữ cho mùa khô nhằm “giữ chân” đàn bò, giúp người Ơ Đu thoát nghèo. 

 

Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định phê duyệt đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016-2025 tại bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh) thuộc huyện Tương Dương với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người Ơ Đu. Dự án này do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 120 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, do ở bản Đửa không có người Ơ Đu nên bị loại khỏi đề án. Năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã xây 67 chuồng trại cho 77 hộ ở bản Văng Môn và hỗ trợ mỗi hộ 3-4 con bò giống, tổng tiền hơn 17 tỉ đồng (bình quân 15 triệu đồng/con).

Phan Ngọc
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI