Sau 20 năm 3 em bé ống nghiệm đầu tiên chào đời, y học Việt Nam chạm cột mốc mới

30/04/2018 - 07:00

PNO - Đúng ngày này của 20 năm trước (30/4/1998), cả nước đã vỡ òa khi lần đầu tiên 3 em bé thụ tinh trong ống nghiệm chào đời tại TP.HCM. Thành công này tiếp nối thành công khác đã đưa y học Việt Nam gần hơn với thế giới.

Sau 20 nam 3 em be ong nghiem dau tien chao doi, y hoc Viet Nam cham cot moc moi
3 em bé thụ tinh trong ống nghiệm chào đời đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Sau 20 năm chào đời, cả 3 em bé này giờ đã là sinh viên các trường đại học, trong đó một em từng xuất hiện trong chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” và hiện đang học ở Nhật sau khi giành học bổng toàn phần của Đại học Quốc tế Tokyo. Đó là em Phạm Tường Lan Thy. Còn hai em Mai Quốc Bảo và Lưu Tuyết Trân đang học tại Việt Nam.

Sau 20 nam 3 em be ong nghiem dau tien chao doi, y hoc Viet Nam cham cot moc moi
Phạm Tường Lan Thy lấy tên vợ chồng bác sĩ Hồ Mạnh Tường và Vương Thị Ngọc Lan làm tên lót.

Điều trị hiếm muộn thành công không chỉ đánh dấu ngành y Việt Nam tiến thêm một bước mà nó còn “giải thoát” nỗi mong con của nhiều bà mẹ hiếm muộn, vô sinh; sự níu kéo tình thân cho các cặp vợ chồng đang dần bước tới hôn nhân đổ vỡ. Sau đó, kỹ thuật này trở thành một phương pháp điều trị hiếm muộn phổ biến ở Việt Nam.

Để có cái nhìn toàn cảnh về lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm sau 20 năm, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Hồ Mạnh Tường – nguyên Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ, một trong những thành viên chủ chốt của êkip thực hiện 3 ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam.

Sau 20 nam 3 em be ong nghiem dau tien chao doi, y hoc Viet Nam cham cot moc moi
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường đang tư vấn cho vợ chồng lâu năm chưa có con

* Kể từ lần đầu tiên 3 em bé chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, đến nay sau 20 năm, lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam có gì thay đổi không, thưa bác sĩ?

- 20 năm đủ để một con người trưởng thành và cũng đủ cho lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm Việt Nam vươn ra khỏi khu vực Đông Nam Á. Nếu như năm 1997, lần đầu tiên bác sĩ Việt Nam được các chuyên gia Pháp đến Bệnh viện Từ Dũ để hỗ trợ, chuyển giao công nghệ thực hiện quá trình thụ tinh trong ống nghiệm thì đến nay, tới lượt Việt Nam đã đào tạo ngược lại cho bác sĩ, kỹ thuật viên ở nhiều nước trên thế giới.

Việt Nam đào tạo nhiều nhất cho các nước đến từ Inđônêxia, Malaysia, Philippine; kế tiếp là Singapore, Thái Lan, Lào... và có cả Úc, Ấn Độ.

Đặc biệt, ngày càng nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn ở các nước đến Việt Nam chữa trị. Và hầu hết các hội nghị khoa học về hiếm muộn ở khu vực Đông Nam Á đều mời các bác sĩ Việt Nam báo cáo.

Các đề tài nghiên cứu về hiếm muộn của nước ta cũng cao nhất khu vực. Hiện Việt Nam có gần 20 bài báo cáo đăng trên các tạp chí y khoa thế giới.

Sau 20 nam 3 em be ong nghiem dau tien chao doi, y hoc Viet Nam cham cot moc moi
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ bế một "em bé ống nghiệm" đầu tiên chào đời.

* Có lẽ tay nghề của bác sĩ Việt Nam vượt trội nên các nước cử bác sĩ đến học  tập hay còn một lý do nào khác không bác sĩ?

- Việt Nam đi sau thế giới cả 20 năm thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng chúng ta đã phát huy tốt nhất có thể. Hiện nay, tất cả những kỹ thuật thế giới làm được thì Việt Nam đã làm được.

Thậm chí những kỹ thuật khó mà ít nước làm được nhưng Việt Nam vẫn phát triển tốt như: điều trị vô sinh nam do không có tinh trùng hoặc rất ít tinh trùng bằng vi phẫu.

Hay kỹ thuật nuôi trứng non trong ống nghiệm (IVM) được xem là một giải pháp điều trị vô sinh an toàn, tiết kiệm chi phí, tăng thêm cơ hội làm mẹ cho những phụ nữ đa nang buồng trứng. Kỹ thuật IVM rất khó thực hiện, mới chỉ có 5-7 quốc gia thành công với kỹ thuật này và Việt Nam là một trong những nước làm tốt nhất. 

Sau 20 nam 3 em be ong nghiem dau tien chao doi, y hoc Viet Nam cham cot moc moi
Những em bé ống nghiệm đầu tiên chào đời đều có trọng lượng sơ sinh khá tốt. Ảnh tư liệu.

Và mới đây nhất, Việt Nam đã báo cáo công trình nghiên cứu tỷ lệ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm từ việc rã đông phôi/noãn đông lạnh sau một thời gian dài có tỷ lệ thành công tương đương với chuyển phôi tươi.

Tỷ lệ phôi/noãn sau đông lạnh sống sót đến 99-100%, điều này giúp cho những gia đình có số phôi/noãn dư từ lần thực hiện thụ tinh ống trong nghiệm trước đó có thể để dành bằng cách trữ đông về sau sử dụng lại.

Công trình này được công bố trên tạp chí  y khoa uy tín hàng đầu của thế giới “The New England Journal of Medicine (NEJM)”. Và khi tạp chí này đăng tải, nhiều tạp chí khoa học thế giới đã dẫn lại bài báo cáo này. Vì thế giới cũng chưa có dữ liệu nghiên cứu về đề tài này.

Sau 20 nam 3 em be ong nghiem dau tien chao doi, y hoc Viet Nam cham cot moc moi

* Theo bác sĩ, chi phí thực hiện tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam hiện nay có quá cao khi nhiều gia đình phải chật vật điều trị, thậm chí bán cả tài sản?

- Chi phí điều trị ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Một ca thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm có chi phí trung bình từ 3.000 – 3.5000 USD (khoảng 60 – 70 triệu đồng), giá này thấp hơn cả Campuchia, với chi phí 6.000 – 6.500 USD.

Sở dĩ chi phí điều trị ở Việt Nam rẻ là do các bác sĩ cố gắng “phác đồ hóa Việt Nam”, tức là dùng phác đồ điều trị hiếm muộn của thế giới để ứng dụng vô tình hình thực tế ở Việt Nam, với chi phí thấp nhất như: công bác sĩ, thay thế các loại thuốc có giá thành rẻ...

Bác sĩ đã tiết kiệm từng khâu để có giá rất Việt Nam. Đơn cử như ở Úc, chi phí riêng cho bác sĩ đã vào khoảng 2.000 USD. Thế nhưng, theo tôi, chi phí này ở Việt Nam vẫn còn cao khi nhiều gia đình không thể tiếp cận.

Sau 20 nam 3 em be ong nghiem dau tien chao doi, y hoc Viet Nam cham cot moc moi
Em Lưu Tuyết Trân lúc còn nhỏ. Ảnh tư liệu.

* Với lợi thế là một trong những nước thành công ở lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm, theo bác sĩ Việt Nam có nên xây dựng nhiều trung tâm điều trị hiếm muộn để thu hút các nước trong khu vực và thế giới?

- Hiện mỗi năm, Việt Nam có từ 8.000 – 10.000 trẻ chào đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Đến nay, Việt Nam có khoảng 40.000 – 50.000 trẻ sinh ra từ kỹ thuật này. Thế nhưng, ngay cả trong nước, chúng ta cũng chưa đáp ứng nổi. Hiện cả nước mới có 28 trung tâm hỗ trợ sinh sản chính thức được cấp phép, khiến các trung tâm luôn quá tải, dù đã nỗ lực giải quyết.

Trong khi tại Singapore, dân số chỉ có 4 triệu người nhưng đến 12 trung tâm, chỉ tính riêng thành phố Bangkok của Thái Lan hơn 10 triệu dân có hơn 40 trung tâm.

Sau 20 nam 3 em be ong nghiem dau tien chao doi, y hoc Viet Nam cham cot moc moi
Ngày 30/4/2018, em Lưu Tuyết Trân tròn 20 tuổi. 

* Là một bác sĩ  giúp kết nối nhiều gia đình tìm lại được hạnh phúc khi đứng sát bờ vực tan vỡ, anh có lời khuyên gì cho những phụ nữ vẫn chưa có con sau nhiều năm tìm kiếm?

- Văn hóa người Việt coi trọng chuyện có con và 10% - 20% số trường hợp đến điều trị hiếm muộn có ý định ly hôn nếu điều trị không thành công, và thường rơi vào những phụ nữ trên 35 tuổi khi khả năng có con tự nhiên gần như khép lại.

Do đó, những phụ nữ khi thấy chưa có con sau khi lập gia đình cần đến ngay bác sĩ hiếm muộn thăm khám. Và việc tìm con sẽ có nhiều thử thách... nên cần chị em phải kiên nhẫn. Hạnh phúc sẽ đến một ngày không xa.

* Xin cảm ơn bác sĩ

Văn Thanh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI