|
Những người phụ nữ thắp nến bên ngoài khách sạn Cung điện Taj Mahal để tưởng nhớ các nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố ở thành phố Mumbai năm 2008. |
Tối muộn ngày thứ Tư đó, cựu diễn viên vừa chuyển sang làm đầu bếp có hẹn với chồng, cha mẹ và bạn bè ở khách sạn Cung điện Taj Mahal - biểu tượng của Mumbai.
Khách sạn lúc đó rất đông, nhà hàng mà mọi người định đến ăn đang cuống lên để phục vụ khách. Người phục vụ xin lỗi họ rối rít và cả nhóm đành đi lên Heritage Suite ở tầng hai để chờ bàn.
Cách không xa khách sạn, 10 tay súng liên quan tới nhóm khủng bố Hồi giáo Lashkar-e-Tayyiba vừa lặng lẽ cập bến gần Cổng thành Ấn Độ môn. Chúng trộm vài xe hơi, trong đó có cả một xe tải nhỏ của cảnh sát, rồi chia thành khoảng 3 nhóm nhỏ.
Đến khoảng 11g tối, một trong những nhóm nhỏ đó đi vào khách sạn Cung điện Taj Mahal.
"Chúng tôi nghe thấy nhiều tiếng động lớn, tiếp tân gọi điện báo cho chúng tôi biết là có sự cố đang xảy ra. Chỉ khi bật TV lên chúng tôi mới biết mình đang ở giữa một cuộc tấn công khủng bố", Raichand nhớ lại.
Đó là một phần của cuộc tấn công khủng bố bạo lực và chết nhiều người nhất từng xảy ra trên đất Ấn Độ. Tổng cộng hơn 164 người đã mất mạng khắp thành phố, trong đó có 31 người ở khách sạn Cung điện Taj Mahal.
|
Các lực lượng vũ trang Ấn Độ triển khai bên ngoài khách sạn Cung điện Taj Mahal trong vụ tấn công khủng bố. |
Khách phải tự bảo vệ tính mạng
Trên tầng thượng của khách sạn, Bob Nicholls, 54 tuổi, đang ăn tối với các đồng nghiệp tại nhà hàng Souk. Cố vấn an ninh người Nam Phi và đội 5 người của ông đến Mumbai để đàm phán các thỏa thuận an ninh cho giải đấu cricket Champions League Twenty20 sắp diễn ra.
"Lúc đó chúng tôi sắp ăn xong và một trong những đồng nghiệp của tôi định đi vệ sinh thì một nhân viên chặn lại... Họ bảo rằng ở tầng dưới đang có đấu súng giữa hai băng đảng đối địch. Để an toàn, họ muốn chúng tôi ở lại trong nhà hàng", ông Nicholls kể lại.
Khi bắt đầu hiểu rõ hơn chuyện gì đang xảy ra lúc đó, ông Nicholls quyết định phải hành động.
“Có vẻ như những tên khủng bố đang tiến dần lên các tầng trên của khách sạn. Tôi quan sát thấy một mặt của nhà hàng là tường kính hoàn toàn. Tôi gọi đội của mình lại và nói 'Nghe này, nếu bọn chúng lên được đến đây thì chúng ta sẽ gặp rắc rối cả đấy'. Tôi nhận lấy vai trò dẫn dắt và bảo mọi người nhận định tình hình xung quanh để lên kế hoạch hợp lý".
Có trong tay dao và bộ đàm của nhà bếp, ông Nicholls và đội của mình tìm ra một phòng họp mà họ tính toán là có thể đảm bảo an toàn.
"Chúng tôi đi xuyên qua bếp vào phòng họp này. Đến đó chúng tôi mới biết là đang có khoảng 150 người đang dự hội thảo trong phòng", Nicholls nói.
"Chúng tôi chặn các cửa, chặn cả thang máy ở tầng của mình để không ai đi lên được. Tôi để người của tôi đóng bên ngoài, chúng tôi thấy rất tự tin. Chúng có lên được trên này thì cũng chẳng ngờ đang có một đám người Nam Phi hung dữ đang chờ đợi mình với dao chặt thịt đâu".
Ước tính có khoảng 450 người đang có mặt trong khách sạn vào thời điểm xảy ra vụ tấn công – và một phần ba trong đó đang nằm trong tay Nicholls.
|
Khách Ấn Độ và người nước ngoài chạy ra khỏi khách sạn Cung điện Taj Mahal ngay khi có tin tấn công khủng bố. |
“Mỗi người nghĩ một chuyện”
Phòng họp này là phòng Rendezvous Banquet Hall, nơi doanh nhân Dilip Mehta, 65 tuổi, đang dự một tiệc tối. Ông Mehta còn nhớ rất rõ buổi tối hôm đó.
"Vào khoảng 9g45 tối, chúng tôi định ra thang máy đi xuống thì an ninh khách sạn chặn chúng tôi lại và bảo rằng ở tầng trệt đang có một cuộc chiến giữa các băng nhóm. Chúng tôi khá lo lắng không biết chuyện gì xảy ra cho đến khi xem qua TV và biết rằng có tấn công khủng bố", ông Mehta, giám đốc điều hành một công ty tàu biển kể lại.
"Một số người bình tĩnh, một số khác thì đã ngất hoặc hoảng loạn chui xuống gầm bàn. Tiếng bom nổ, tiếng súng và lửa bao trùm khu vực khiến ai nấy sợ hãi. Mỗi người lúc đó nghĩ một chuyện khác nhau. Tôi vô cùng lo lắng về mẹ, hai đứa con gái và vợ mình, họ đều đang khóc", ông Mehta kể về cảm giác sau khi gọi điện về nhà.
Trong suốt 9 tiếng sau đó, cả nhóm người chỉ có thể chờ đợi trong bóng tối trong căn phòng khóa chặt cửa. Cứ 20 phút, Nicholls và nhóm của mình lại cập nhật thông tin cho mọi người bên trong để họ bình tĩnh.
Dưới đó vài tầng, Raichand và gia đình cô vẫn đang ở trong phòng chờ.
"Chúng tôi nghe thấy mọi thứ, chúng tôi nghe thấy người ta chạy qua chạy lại. Có những lúc chúng tôi chỉ biết cầu nguyện ông trời, nhưng không ai bị hoảng loạn".
"Tôi chỉ nghĩ ai sẽ nuôi con cho tôi khi mà cả gia đình đều đang ở đây. Cái chết khó tránh khỏi nhưng nếu con tôi chỉ còn côi cút một thân một mình thì tội nó quá", Raichand nói về cậu con trai mới 1 tuổi mà tối đó cô để ở nhà với người vú em.
|
Khách sạn Cung điện Taj Mahal, được xây dựng đầu thế kỷ 20, bị cháy khá nặng trong cuộc tấn công. |
"Nếu chỉ là bọn khủng bố thì còn đánh lại được, nhưng lửa lại là chuyện khác"
Khi tình hình ở khách sạn Cung điện Taj Mahal trở nên căng thẳng, nhiều kế hoạch đã được đưa ra để thoát thân.
Sau một tiếng nổ lớn, ông Nicholls nhìn thấy lửa và khói bốc lên từ một khu vực khác của tòa nhà.
"Tôi lo là không biết bọn chúng có định cho nổ tung cả tòa nhà không. Nếu lửa cháy lan sang phía chúng tôi thì chẳng ai có thể thoát được. Nếu chỉ là bọn khủng bố thì may ra chúng tôi còn đánh lại được nhưng cháy lại là một vấn đề hoàn toàn khác", Nicholls nói.
Với 150 người đang trông cậy vào mình, ông biết là chuyện rời khỏi khách sạn sẽ không dễ dàng.
"Tôi nói với mọi người là chúng tôi sẽ đi xuống cầu thang một cách thật lặng lẽ. Nhưng với khoảng 150 người trên cầu thang, đã chết là chết chắc. Hai người của tôi đi trước để dò đường, hai người nữa đi sau cùng. Chúng tôi xuống từng tầng một, kiểm tra kỹ tầng đó rồi đưa hết mọi người xuống. Rồi làm hệt như vậy với tầng tiếp theo. Phải mất một lúc mới đưa được tất cả mọi người xuống. Đến 3-4 giờ sáng thì chúng tôi ra được khỏi khách sạn", ông Nicholls nói.
"Họ bảo chúng tôi bỏ hết giày ra để không gây tiếng động, biết đâu vẫn có vài tên khủng bố quanh đó nghe thấy. Không ai được nói câu nào", ông Mehta nhớ lại.
Vài tiếng đồng hồ sau đó, khoảng 7g30 sáng, Raichand và gia đình cô được lính cứu hỏa đưa ra ngoài bằng thang. Cả thành phố vẫn còn bị bao vây trong 3 ngày tiếp theo.
"Không ai ngủ được. Chúng tôi theo dõi từng bản tin. Chúng tôi vẫn còn nhìn thấy lửa cháy bên phía khách sạn. Chúng tôi đã chứng kiến tất cả", Raichand nói.
|
Nhân viên và khách khứa của khách sạn Cung điện Taj Mahal được lính cứu hỏa cứu ra ngoài khi lửa bao trùm các tầng trên cùng của tòa nhà. |
"Sinh nhật nào tôi cũng trở lại đó"
Đối với nhiều người may mắn thoát nạn, vài tuần cho đến vài tháng sau đó tâm trạng của họ vẫn còn rất tồi tệ.
"Suốt 6 tháng sau đó tôi vẫn còn vô cùng sợ hãi. Tôi hay thức giấc lúc 3g sáng, và nằm bẹp trên giường. Tôi còn gặp ác mộng và tưởng tượng ra đủ thứ. Tôi không còn là bản thân mình nữa", ông Mehta nói.
Do đặc điểm nghề nghiệp, ông Nicholls tìm đến cách giải quyết thực tế hơn. Ngay sau khi về nhà ở Johannesburg, ông đã sắp xếp cho bản thân và những người trong nhóm các cuộc nói chuyện với cố vấn tâm lý.
"Lúc đó đúng là chúng tôi đã chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Có những thời điểm không thể chắc chắn điều gì khi chúng tôi nhận ra có một căn phòng chật kín người mà chúng tôi phải đưa ra quyết định để bảo vệ họ", Nicholls nhớ lại.
"Chúng tôi kiếm sống bằng việc đảm bảo an ninh. Vì thế lúc đó chẳng phải chúng tôi quyết định làm anh hùng đâu, hoàn toàn là bản năng thôi".
Nhưng thời gian trôi qua đã chữa lành vết thương, ông Mehta nói. Những biến cố cách đây một thập kỷ giúp ông có cái nhìn khác hẳn về cuộc sống.
"Mục tiêu của tôi bây giờ là tri ân. Hẳn phải có lý do để tôi vẫn còn được sống. Cuộc sống của tôi đã thay đổi 360°", ông nói.
Raichand cũng quyết định đối mặt với nỗi sợ.
"Suốt 4-5 năm sau đó, tôi không thể nào đón sinh nhật. Nhưng bây giờ, tôi đã dũng cảm hơn và năm nào cũng quay lại khách sạn Cung điện Taj Mahal để mừng sinh nhật”.
Đại An (theo CNN)