Sát thủ ẩn trong vòi nước

13/11/2024 - 06:17

PNO - Việc tăng cường giám sát, đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt ở các chung cư, khu dân cư là rất cấp thiết.

Lõi lọc nước trước khi thay (bên trái) và sau khi lắp vào bộ lọc vài ngày (bên phải) của một hộ trong chung cư Picity High Park có màu khác hẳn nhau - Ảnh: Vũ Quyền
Lõi lọc nước trước khi thay (bên trái) và sau khi lắp vào bộ lọc vài ngày (bên phải) của một hộ trong chung cư Picity High Park có màu khác hẳn nhau - Ảnh: Vũ Quyền

Cách đây khoảng 4 năm, khi dọn về sống trong một căn hộ ở quận 7, TPHCM, tôi đặt vấn đề công khai kết quả nội kiểm chất lượng nước hằng tháng lên bảng thông tin để cư dân theo dõi. Sau kiến nghị của tôi, nhiều người xì xào, bàn tán. Có người còn cho rằng, đây là yêu cầu hơi thái quá. Nhưng sau khi nghe tôi viện dẫn Thông tư 41/2018/TT-BYT về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt” của Bộ Y tế - trong đó có quy định về trách nhiệm nội kiểm nước định kỳ hằng tháng - nhiều người mới biết và đồng tình.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2022, có ít nhất 1,7 tỉ người trên toàn cầu sử dụng nguồn nước uống bị nhiễm khuẩn. Nước nhiễm khuẩn gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người. Ước tính, bệnh tiêu chảy do uống phải nước nhiễm khuẩn gây ra khoảng 505.000 ca tử vong mỗi năm.

Ở Việt Nam, vào tháng 9/2024, có 59 người ở chung cư Golden City 3 (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) bị đau bụng, nôn, tụt huyết áp, phải nhập viện cấp cứu. Kiểm nghiệm mẫu nước tại bể chứa của chung cư này cho kết quả: nhiều chỉ số vi sinh vật vượt chuẩn do bể bị nứt khiến nước bẩn ngấm vào.

Nguồn nước sinh hoạt hằng ngày luôn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Vi khuẩn là những sát thủ vô hình có thể gây hại sức khỏe, tính mạng người dùng. Do đó, các quy chuẩn về nước sinh hoạt ở Việt Nam được đặt ra khá khắt khe. Các nhà máy cung cấp nước luôn chú trọng quản lý, giám sát chất lượng nguồn nước, nhưng chất lượng nước còn phụ thuộc bể chứa và đường ống dẫn nội bộ ở khu dân cư, chung cư.

Không ít ban quản trị, ban quản lý chung cư bỏ qua việc nội kiểm chất lượng nước hằng tháng. Đường ống, bể chứa nước ở nhiều chung cư không được duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ nên đóng cặn, có xác côn trùng, vi sinh vật chết, dẫn đến chất lượng nước kém, mầm bệnh thâm nhập. Do đó, để đảm bảo chất lượng nguồn nước ở các chung cư, cần nâng cao trách nhiệm của ban quản trị, ban quản lý.

Hiện nay, việc chứa nước ở chung cư chủ yếu theo hình thức bể ngầm và bể trên mái. Quy chuẩn việc xây dựng các bể chứa này được quy định rõ trong Thông tư số 03/2021 của Bộ Xây dựng nhưng việc kiểm tra, giám sát các bể nước này có phần bị buông lỏng. Như trong vụ ngộ độc ở chung cư Golden City 3, sau khi 59 cư dân có dấu hiệu bị ngộ độc, cơ quan chức năng mới kiểm tra và phát hiện bể chứa bị nứt.

Hay như ở TPHCM, sau đợt kiểm tra vào tháng 9 và 10/2024, cơ quan chức năng ở các địa phương ghi nhận nhiều bể chứa nước không có mái che và yêu cầu bổ sung. Để khắc phục tình trạng này, quá trình thẩm định, phê duyệt và nghiệm thu các công trình chứa nước cần được thực hiện bài bản, nghiêm túc và cần có cơ chế để các đơn vị cung cấp nước sạch tham gia vào việc nghiệm thu, giám sát các công trình này.

Cuối cùng, cần có cơ chế để nâng cao vai trò giám sát của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương trong việc giám sát chất lượng nước ở chung cư. Cần bổ sung chế tài xử phạt nặng các ban quản trị, ban quản lý không công khai kết quả nội kiểm nước hằng tháng, đồng thời nên có quy định yêu cầu các đơn vị này phải định kỳ báo cáo kết quả nội kiểm cho trung tâm y tế các địa phương. Cùng với nội kiểm, tần suất ngoại kiểm nước sinh hoạt ở chung cư cũng cần tăng lên ít nhất 2 lần/năm để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt ở chung cư không phải là mối đe dọa cho người dân.

Nước là nguồn sống nhưng khi bị nhiễm bẩn lại là mối đe dọa. Việc tăng cường giám sát, đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt ở các chung cư, khu dân cư là rất cấp thiết. Đừng để những sát thủ thầm lặng trong vòi nước gây ra những thảm kịch.

Vũ Ngọc Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI