Sắt son lời hẹn “sẽ đợi anh về”

30/04/2024 - 06:10

PNO - Thời kháng chiến, nhiều đôi trẻ yêu nhau phải gác lại tình cảm riêng tư để làm tròn trách nhiệm với Tổ quốc và hẹn cùng nhau nên vợ thành chồng khi đất nước thống nhất. Khi người yêu hy sinh, có những phụ nữ đã quyết định không lập gia đình, ở vậy để thờ cúng người yêu, giữ vẹn lời thề.

Tấm ảnh duy nhất chụp chung với chồng được bà Nguyễn Thị Lương gìn giữ như báu vật
Tấm ảnh duy nhất chụp chung với chồng được bà Nguyễn Thị Lương gìn giữ như báu vật

"Hay là anh ấy đã hy sinh?"

Tháng Tư, lời hứa “Em hãy chờ anh. Hòa bình lập lại, anh sẽ trở về, cùng em xây dựng hạnh phúc” của mối tình đầu lại ùa về khiến bà Nguyễn Thị Thanh Mai - 77 tuổi, ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - không kìm được nước mắt. Bà nói, cũng vì cái gật đầu năm ấy mà thanh xuân của bà chẳng có gì ngoài nỗi nhớ, kỷ niệm và bây giờ là sự cô đơn. Nhưng bà vẫn yêu ông và chưa từng hối tiếc. Thời gian bên nhau không lâu nhưng những ký ức đẹp đã ghim chặt vào lòng bà với nụ cười hiền lành, cái nắm tay rất ấm và lời hứa hẹn đinh ninh.

Tròn 20 tuổi (1967), bà Mai gia nhập đội nữ dân quân. Cùng lúc này, một đơn vị bộ đội dừng chân ở quê bà luyện tập để bổ sung vào chiến trường miền Nam. Trong số này, người lính trẻ Phạm Khắc Vũ - sinh năm 1945, quê tỉnh Hà Nam - sớm có tình cảm đặc biệt với bà, chăm lo cho bà từ những điều nhỏ nhặt nhất như xách hộ xô nước tưới rau, chẻ củi.

Khi tình yêu mới chớm nở, đơn vị của Phạm Khắc Vũ được lệnh lên đường vào Nam. Bà Mai lặng lẽ khâu lại quần áo cho người yêu, người lính trẻ cũng tỉ mỉ làm chiếc nhẫn khắc hình trái tim và một chiếc lược tặng cho bà kèm lời hẹn ước cùng nhau xây dựng hạnh phúc khi đất nước thống nhất.

Người yêu ra chiến trường, bà Mai cũng rời quê ra Bắc theo học một lớp về giao thông. Ngày đất nước thống nhất, bà về tỉnh Nghệ An làm việc, hồi hộp bấm đốt ngón tay chờ ngày người yêu quay lại. Thế nhưng, đợi mãi, đợi mãi, người lính trẻ ấy vẫn không về. “Không lẽ anh ấy đã quên lời hẹn ước, hay đã hy sinh…”. Những suy nghĩ đó cứ luẩn quẩn trong đầu. Bà Mai đi tìm lại những cựu binh từng đóng quân ở quê mình năm xưa để dò hỏi thông tin, nhưng không kết quả.

Mãi đến năm 2008, bà Mai mới biết người mình thương đã hy sinh, đang được chôn cất ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cảm xúc trong bà lúc đó lẫn lộn: vui vì đã tìm thấy chồng chưa cưới nhưng buồn vì cách biệt âm dương. Kể từ đó, bà xem ông là chồng mình. Bà tìm đến quê ông, mong được thắp nhang lên bàn thờ cha mẹ và bàn thờ của người yêu. Rồi bà xin phép người thân của ông đưa di ảnh ông về nhà để lo hương khói mỗi ngày.

Một lòng chờ đợi

Suốt mấy chục năm, bà đi khắp các chiến trường từ Quảng Trị, Tây Nguyên, dọc bìa rừng Trường Sơn cho đến các nghĩa trang ở miền Nam. Mãi đến giữa năm 2010, bà mới tìm thấy mộ liệt sĩ Đặng Xuân Thọ ở tỉnh Tiền Giang và đưa về huyện Nghi Xuân yên nghỉ.

Bà Phùng Thị Huệ kể, rất nhiều lần nằm mơ thấy liệt sĩ Đặng Xuân Thọ hiện về, nắm tay và bảo: “Em đừng buồn. Mình không có con nhưng còn có cháu”. Lúc đầu, bà cũng không nghĩ gì nhiều, cho đến đầu năm 2023. Lúc đó, bà bị tai biến, được các cháu đưa vào bệnh viện cấp cứu, ân cần chăm sóc.

“Chi phí điều trị đợt đó tốn kém lắm, may có các cháu mỗi đứa cho 10 triệu đồng nên tôi mới thoát cửa tử. Trải qua lần đó, tôi biết ông ấy vẫn luôn dõi theo và phù hộ cho tôi” - bà nói.

Thắp nén nhang lên bàn thờ, bà Phùng Thị Huệ - 74 tuổi, ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - bùi ngùi: “Ông ấy là mối tình đầu, cũng là mối tình cuối của tôi”. Nhắc đến người chồng chưa kịp cưới, đôi mắt bà lại đỏ hoe.

Năm 18 tuổi (1968), người con gái xứ biển này gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, phục vụ ở chiến trường Bình Trị Thiên. Tại đây, bà quen rồi phải lòng chàng trai cùng quê huyện Nghi Xuân là Đặng Xuân Thọ. Tình yêu của họ lớn dần trong bom đạn. Sau 4 năm tham gia chiến đấu, bà Huệ phải xuất ngũ do bị thương, ông Thọ cũng rời chiến trường, đi học ở Trường trung học Hàng hải (TP Hải Phòng). Từ đó, họ bắt đầu yêu xa. 1 năm sau, nhà ông Thọ bị trúng bom Mỹ, mẹ và em trai tử nạn, ông xin gác lại việc học, xung phong vào Nam tiếp tục chiến đấu.

Ngước nhìn bức hình đen trắng trên bàn thờ, bà Huệ kể, ông Thọ từng ngỏ lời kết hôn với bà trước khi vào chiến trường nhưng bà bảo: “Nhà anh bị bom phá tan rồi, cưới xong thì em ở đâu? Anh cứ yên tâm lên đường, dù 5 năm, 10 năm, 20 năm hay cả cuộc đời, em vẫn đợi”. Bà đâu ngờ, đó là lần cuối cùng được nhìn thấy người chồng tương lai. Ông Thọ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường trong một trận đánh vào căn cứ của địch đầu năm 1973.

Phải sống cảnh đơn độc khi về già nhưng bà Phùng Thị Huệ không hối hận về quyết định “ở vậy” của mình
Phải sống cảnh đơn độc khi về già nhưng bà Phùng Thị Huệ không hối hận về quyết định “ở vậy” của mình

Gia đình nóng ruột giục bà Huệ đi lấy chồng bởi “con gái có thì”, nhưng bà khước từ mọi lời cầu hôn của những người đàn ông khác. “Thời đó, tôi có nhiều người đến tán tỉnh lắm, họ viết cả thơ tình gửi cho tôi suốt. Nhưng tôi không nhận lời ai bởi đã yêu và hứa sẽ chờ đợi anh” - bà Huệ nhớ lại. Nói đến đây, nước mắt bà giàn giụa. Bà khóc vì thấy có lỗi với cha mẹ mình. Để vẹn lời hứa, bà nhiều lần cãi cha mẹ, không chịu lấy chồng theo sự sắp đặt khiến cha bà nhiều lần nổi cáu, ném cả chén đĩa.

Rồi thanh xuân cũng qua, bà Huệ xin cha mẹ ra ở riêng, lập bàn thờ lo hương khói cho người chồng chưa cưới. Hằng ngày, bà làm lụng, chắt chiu từng đồng kiếm được để làm lộ phí đi tìm hài cốt người yêu. “Đặng Xuân Thọ, hy sinh ngày 26/1/1973 tại mặt trận phía Nam…”. Giấy báo tử chỉ vỏn vẹn mấy dòng, không rõ địa chỉ cụ thể nhưng bà vẫn quyết lên đường, tìm đến các chiến trường xưa.

“Đời em chỉ 1 lần cưới chồng”

Đó là lời khẳng định của bà Nguyễn Thị Lương - nay đã 77 tuổi, ở phường Đội Cung, TP Vinh, tỉnh Nghệ An - khi nghe chồng căn dặn trước lúc vào chiến trường miền Nam: “Nếu 10 năm nữa anh không về, em đừng đợi mà hãy đi lấy chồng”.

Cầm tấm ảnh đen trắng chụp chung duy nhất với chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền, bà Lương kể: “Chúng tôi yêu nhanh, kết hôn nhanh, thời gian sống với nhau đúng nghĩa vợ chồng chỉ tính bằng ngày”. Đôi vợ chồng trẻ không có nhà riêng, sống trong nhà tập thể của cơ quan nên cuộc sống ngày ấy không khác gì cặp đôi yêu nhau, chỉ thỉnh thoảng mới tranh thủ thời gian hẹn nhau đi chơi để gặp nhau.

Cũng nhờ những lần gặp nhau đếm trên đầu ngón tay ấy, 2 người có “hạt giống hạnh phúc” là 1 cô con gái. Họ bắt đầu mơ về một mái nhà hạnh phúc, cùng chở con đi gửi nhà trẻ rồi tới xí nghiệp làm việc, chiều về cả nhà quây quần bên mâm cơm. Thế nhưng, chiến tranh đã phá tan giấc mơ bình dị ấy. Ông Kiền nhập ngũ khi bà Lương mang bầu được 4 tháng, mãi đến khi con gái được 3 tháng tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà, gặp vợ con.

Cuối năm 1971, đơn vị của ông Kiền được lệnh vào chiến trường miền Nam. Tranh thủ thời gian đơn vị tạm dừng chân gần nhà, ông Kiền xin về thăm vợ con. Đó là lần cuối cùng bà nhìn thấy chồng bằng da, bằng thịt. Đất nước cần, ông phải gác lại hạnh phúc riêng để lên đường, hứa sẽ bù đắp cho vợ con sau khi đất nước thống nhất. Nhưng chiến trường khốc liệt, chẳng biết ngày mai ra sao, ông nói nghẹn trong cổ họng, rằng chỉ cần chờ mình 10 năm. Nhưng bà nắm tay, nhìn thẳng vào ông mà nói: “Đời em chỉ 1 lần cưới chồng”.

Nhưng rồi, chồng bà hy sinh ngày 29/4/1975, ngay trước ngày đất nước thống nhất. Người vợ trẻ như hóa đá khi cầm trên tay tờ giấy báo tử của chồng. Giữ lời hứa với chồng, bà Lương ở vậy nuôi con, chu toàn bổn phận của người con dâu. Khi nỗi đau dần nguôi ngoai, người thân động viên bà đi bước nữa để có người nương tựa tuổi già, bà từ chối khéo. “Vợ chồng con gái tôi sống rất hiếu thuận, 2 cháu ngoại nay cũng đã lập gia đình, có công việc ổn định. Vậy là tôi đã làm đúng lời căn dặn nuôi con thay anh. Tôi cũng đã giữ vẹn lời hứa chỉ 1 lần cưới chồng” - bà Lương nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI