Sát lễ “hấp hôn” bà vẫn ghen tuông hờn giận ông

04/07/2022 - 11:20

PNO - Thiệp mời đám cưới “Hồng ngọc” đã phát rồi, tiệc đã đặt rồi, kịch bản đã giao cho người dẫn chương trình rồi, chỉ vướng mỗi chuyện cô dâu - chú rể đột nhiên “chiến tranh lạnh”.

Mới tuần trước, ông bà còn vui vẻ với nhau, cùng rôm rả bàn bạc, thống nhất “chơi lớn” nhân kỷ niệm chẵn 40 năm ngày cưới mà giờ lặng lẽ, im im, mỗi người một góc, lâu lâu lại thở dài.

Lễ kỷ niệm ngày cưới cho 10 cặp vợ chồng tại P.Phước Bình, TP.Thủ Đức nhân ngày Gia đình VN 28/6
Lễ kỷ niệm ngày cưới cho nhiều cặp vợ chồng tại P.Phước Bình, TP.Thủ Đức, TPHCM nhân ngày Gia đình VN 28/6

 

Chị Hai chọc ghẹo: “Ba má nói chuyện đi chứ! Ba má có đọc báo thấy người ta nói im lặng cũng là bạo hành gia đình không?”. Ông liếc xéo về phía bà nói: “Tại bả chứ đâu phải tại tao”. Bà "hứ" rồi le te dời ra ban công ngồi thêu áo gối.

Thằng “cháu ngoại đích tôn” với ba mớ nghiệp vụ điều tra của một sinh viên cảnh sát vừa khui ra được nguyên nhân khiến “chiến tranh” bùng nổ. Đầu đuôi thế nào không rõ, nhưng khúc giữa là ông ngoại nhắn tin cho ai đó mà mắt mũi lèm nhèm thế nào lại nhắn nhầm vào điện thoại của bà ngoại. Nội dung khá kích thích trí tưởng tượng: “Anh không về được, em đừng buồn”.

Biết bà giận nhưng ông không rõ nguyên nhân cho đến khi được thằng cháu ngoại mách lẻo. Phong cách của bà vốn đằm thắm, nhân hậu, ngọt ngào nay bỗng chuyển sang chế độ “chặt mặt ngầu”.

Nhìn bộ dạng bà như vậy, ông đâu dám mở lời, lại nhờ nhịp cầu “chuyển ngữ” là thằng cháu ngoại. Ông phân bua là nhắn cho người bạn, báo bận không về quê họp lớp được.

Bà trải hơn nửa đời người, tóc đã hai màu đen bạc, quyết không để “trai lừa”. Bà hỏi vặn: “Bạn gì mà gọi bằng em ngọt xớt”. Ông lại giải trình: “Do cô đó học chung nhưng nhỏ tuổi hơn nên gọi em xưng anh…”.

Bà càng tức anh ách: “Rồi còn chuyện quan tâm cảm xúc buồn vui của người ta thì sao?”. Tất nhiên “thư đi tin lại” cũng chỉ thông qua thằng cháu. Trong nhiệm vụ thiêng liêng này, thằng cháu hoàn toàn đơn độc vì ông bà cấm nó rò rỉ thông tin.

Chưa lặp lại được hòa bình mà ngày tổ chức “hấp hôn” đã cận kề, thằng cháu cứ nhấp nhổm. Tới lúc nó phải đi phượt hai ngày cùng nhóm bạn theo kế hoạch định sẵn nên bỏ mặc cô dâu chú rể tự điều đình. Trong thinh lặng, mỗi người cũng tự tìm cơ hội kết nối nhưng rồi không dễ vượt qua cái tôi già ngắc cứng khừ theo cái tuổi của mình.

Ông bà không thèm ăn chung mâm dù lúc cao điểm COVID-19 năm rồi, ông bà vẫn “chan chan gắp gắp” cho nhau trong khi mọi thành viên khác đều khuyến cáo phải bới tô, ngồi cách nhau hai mét. Tập thể dục buổi sáng thì đợi ông đi về, bà mới bắt đầu đi. Ông nán lại ở công viên, cố tình chờ, bà vẫn nhất quyết ém quân.

Dù vậy, bà vẫn nhắc nhỏ chị Hai nhớ nấu đồ ăn cho nhừ nhừ vì ông không còn răng. Nêm nếm lạt lạt lại để ông đừng lên huyết áp. Bà rất ít giận nhưng mỗi lần bà giận là ông thiệt thòi vì bà là bếp trưởng lý tưởng mà ông luôn “tôn thờ”.

Thằng cháu đi phượt về, hỏi ông đã xin lỗi bà chưa, ông trố mắt: “Tao có lỗi gì mà phải xin?”. Thằng cháu ôm đầu chịu thua.

“Còn bà ngoại sao đẹp quá mà giận dai quá? Ngày đám cưới tới sát nút rồi, ông bà không huề nhau, không tay trong tay lên sân khấu, chẳng lẽ con dắt bạn gái con lên à?”. Bà nghe thằng cháu nói, bật cười không kịp quay mặt giấu ông.

Buổi sáng, buổi "deadline" của chuyện giận hờn, khi bà ngồi ăn bánh mì chấm bò kho, ông mon men lại ngồi chung bàn. Vớ lấy ổ bánh mì đang dang dở của bà, ông nói cộc lốc: “Móc ruột ăn hết rồi còn bên ngoài cứng ngắt sao người ta ăn?”. Bà bất ngờ, tròn xoe mắt, nói: “Mắc mớ gì. Ông lấy ổ khác mà ăn chứ!”. Ông chuyển giọng mùi: “Thôi kệ. Ráng gặm. Ăn chung vợ mình mới thấy ngon!”.

Cả nhà sướng ngất với pha “vuốt giận” phút 89 của ông. Ông tài quá, hèn chi ông giữ được “hoàng hậu của lòng” mấy chục năm nay.

Tô Diệu Hiền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI