Sát địa bàn để xử lý nhanh nhất khi trẻ bị xâm hại

02/06/2022 - 06:57

PNO - Báo Phụ Nữ TPHCM số ra ngày 30/5 có đăng bài “Trẻ bị xâm hại, bạo hành: Bao giờ thôi nhức nhối?”. Sau bài báo, đã có nhiều ý kiến góp ý về công tác bảo vệ trẻ em

 

Nâng cao trình độ, kỹ năng của cán bộ phụ trách công tác trẻ em

Việc phòng ngừa cho trẻ trước nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục phải mang tính hệ thống, liên tục, trong đó việc nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ phụ trách là biện pháp hàng đầu. Ở các địa phương, đội ngũ này thường xuyên biến động, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đề xuất UBND thành phố kiến nghị Trung ương xem xét cơ chế đặc thù cho TPHCM trong việc bố trí đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp phường, xã phụ trách công tác trẻ em ở địa phương cho phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới, qua đó tạo sự yên tâm công tác và động lực phấn đấu cho đội ngũ này. 

TPHCM tuy có điều kiện kinh tế phát triển hơn các địa phương khác nhưng cũng đón nhận một lượng không nhỏ trẻ em theo cha mẹ từ các tỉnh đến làm ăn, sinh sống. Việc nhận được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương sẽ góp phần giúp TPHCM có điều kiện giải quyết hiệu quả hơn nữa những vấn đề liên quan đến trẻ em.

Trước mắt, do nhân sự thay đổi liên tục, chúng tôi ban hành sổ tay công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các địa phương để khi cán bộ nghỉ thì chuyển giao sổ tay này cho người mới. Chúng tôi cũng lập sổ theo dõi trẻ em trong gia đình. Nếu các địa phương làm tốt việc này, sẽ giúp giảm tải công việc cho cán bộ phụ trách công tác trẻ em rất nhiều. Với hình thức này, cán bộ mới dù chưa được đào tạo cũng có thể đọc sổ, nắm và triển khai hiệu quả công việc. Chúng tôi cũng cung cấp danh bạ điện thoại đường dây nóng, các đơn vị liên quan để có thể liên kết, xử lý nhanh nhất các trường hợp trẻ bị xâm hại. 

Sở đang xây dựng một văn bản quy định rõ các tiêu chí tuyển chọn đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em, để lực lượng này là cánh tay nối dài của địa phương. Để chuẩn hóa chuyên môn, nhân sự, Nghị quyết 06/2020 của HĐND TPHCM về quy định chức danh, bố trí số lượng và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn cũng gợi ý mời những người nghỉ hưu có chuyên môn tham gia. Các địa phương nên nghiên cứu nghị quyết này để có một lực lượng tốt hơn.

(Bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM)

Nên có mức thù lao cho cộng tác viên làm công tác trẻ em

Từ năm 2021 đến nay, TP.Thủ Đức xảy ra bảy vụ trẻ bị xâm hại, trong đó có một vụ xâm hại tình dục, bốn vụ dâm ô, hai vụ giao cấu; 12 vụ trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó có hai trẻ chết cháy, năm trẻ chết đuối, bốn trẻ bị tai nạn giao thông, một trẻ rơi từ tầng 28. 

Tới đây, phòng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về công tác trẻ em, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em... 

Chúng tôi kiến nghị, cấp thành phố ban hành tài liệu đa dạng hơn về công tác trẻ em để UBND các phường truyền thông trong cộng đồng dân cư được thuận lợi hơn; ban hành mức thù lao đối với cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em.

(Bà Đoàn Thị Tú Linh - Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Thủ Đức)

Trẻ em nghèo chưa được quan tâm đúng mức
Tại Việt Nam, các chính sách an sinh xã hội và bảo vệ trẻ em, tạo cơ hội cho một bộ phận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được theo đuổi việc học qua nhiều mô hình như phổ cập tình thương (cấp tiểu học, trung học cơ sở), trung tâm giáo dục thường xuyên (cấp trung học cơ sở), các trường dạy nghề (cấp trung học phổ thông). Tuy nhiên, nhiều trường tình thương vẫn còn gặp khó khăn về tài chính, nhân lực nên chất lượng dạy, học còn hạn chế.

Mặt khác, không phải đứa trẻ nào có hoàn cảnh đặc biệt cũng dễ dàng được phụ huynh cho đi học. Cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn phải theo đuổi, đeo bám kiên nhẫn, kết nối nhiều dịch vụ để giúp trẻ được đến trường. Có một số trường hợp, chúng tôi phải đeo đuổi gần tám năm. Thế nhưng lúc này, ở độ tuổi 10 - 14, việc phải học chung với các em nhỏ khiến trẻ thấy xấu hổ, không muốn đi học.

Hai năm qua, dịch COVID-19 hoành hành khiến việc đến trường của cộng đồng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt càng bấp bênh. Một số trường phổ cập tình thương không dạy online, gia đình các em không có thiết bị để học qua mạng, các em mất kết nối với nhân viên xã hội… Nhiều gia đình khó khăn hơn sau dịch bệnh cũng muốn các em nghỉ học để phụ giúp gia đình.

Do đó, để giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, cần có một mạng lưới kết nối các bên liên quan để cung cấp các dịch vụ chất lượng, phù hợp với nhu cầu của trẻ. Một số trường hợp cần sự hỗ trợ của chính quyền với các biện pháp như chế tài nếu cha mẹ sử dụng trẻ em như một công cụ kiếm tiền hoặc cản trở việc các cơ sở xã hội giúp các em đến trường. https://www.phunuonline.com.vn/tre-bi-xam-hai-bao-hanh-bao-gio-thoi-nhuc-nhoi-a1464834.html
Bà Lê Thị Ngân - Giám đốc cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn (TPHCM)


Tuyết Dân  (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI