SARS-CoV-2 chậm biến chủng, đem lại hy vọng về vắc-xin phòng ngừa lâu dài

09/07/2020 - 07:26

PNO - Kể từ khi xuất hiện, SARS-CoV-2 đã trải qua hơn hai chục thay đổi di truyền, khiến nhiều người lo sợ về một biến chủng thậm chí còn nguy hiểm hơn.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Mỹ nói rằng số đột biến không khác nhiều so với mẫu vi-rút ban đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc, và cũng không gây bệnh nghiêm trọng hơn.

Tiến sĩ Peter Thielen - nhà sinh học phân tử tại Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Johns Hopkins - phát biểu: “Vi-rút có rất ít thay đổi di truyền kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019. Do đó, việc điều chế vắc-xin và phương pháp trị liệu sẽ đơn giản hơn nhiều so với các loại 
vi-rút thay đổi nhanh chóng”. 

SARS-CoV-2 là một loại vi-rút RNA. Các vi-rút RNA, chẳng hạn như cúm, thường biến đổi nhanh; còn vi-rút DNA, bao gồm herpes và thủy đậu, tương đối ổn định. Cúm mùa tại Mỹ đột biến hằng năm, đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu phải cập nhật vắc-xin liên tục để bảo vệ dân cư chống lại các chủng phổ biến nhất.

Hiện tại, các nghiên cứu vắc-xin chống COVID-19 tập trung vào protein “gai bám” - phần bên ngoài mà vi-rút sử dụng để xâm nhập vào tế bào người. Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins, trong hơn 20.000 mẫu thí nghiệm được giải trình tự trên khắp thế giới, không có thay đổi nào ở mã di truyền cho protein “gai bám”.

Vì vậy, tiến sĩ Thielen nhận định: “Loại vắc-xin ngăn chặn khả năng lây nhiễm tế bào dựa trên protein “gai bám” sẽ có hiệu quả cao, vì vi-rút không còn khả năng tạo ra bệnh để lây lan”.

 Ngọc Hạ (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI