Sắp xếp lại hệ thống cung ứng xăng dầu

08/11/2022 - 06:01

PNO - Ngay trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội, thị trường xăng dầu biến động, nhiều cây xăng ở TP.Hà Nội, TPHCM treo biển “hết hàng” hoặc cung ứng nhỏ giọt, gây bức xúc cho người dân. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị các bộ, ngành và Chính phủ có những giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng này dù xăng dầu không phải là nhóm nội dung chính được đưa vào phiên chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng vào cuộc, chấn chỉnh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu.

Cuối tuần qua, Bộ Công thương đã đồng thuận với phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về. Theo đó, trong phiên điều hành ngày 11/11 tới, những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xăng dầu. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cụ thể các doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn và bảo lãnh thanh toán. Bộ Công thương cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh xăng dầu.

Tình trạng thiếu xăng tái diễn nhiều đang gây lo lắng cho người dân
Tình trạng thiếu xăng tái diễn nhiều đang gây lo lắng cho người dân

Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận có tình trạng cấp phép tràn lan cho các doanh nghiệp đầu mối, gây ra tình trạng rối rắm trong quản lý. Theo ông, trong thời gian tới, bộ sẽ sắp xếp lại hệ thống cung ứng xăng dầu để giảm các tầng nấc, giúp cho việc quản lý thuận tiện và góp phần giảm chi phí xăng dầu khi đến tay người mua lẻ. 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) phân tích, hiện tình hình xăng dầu trong nước gặp khó khăn chủ yếu không phải do nguồn cung thế giới. Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp cũng chỉ ra, sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nên không phụ thuộc vào biến động thế giới nhiều. Theo ông, khó khăn gần đây chủ yếu là cơ chế điều hành, trong đó trực tiếp là việc tính chi phí cấu thành vào giá bán và cơ chế phân bổ chi phí giữa nhà nhập khẩu - nhà phân phối - bán lẻ.

“Nếu cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công thương và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, đưa ra cơ chế rõ ràng, phân định chi phí, chiết khấu hợp lý… thì có thể giải quyết được vấn đề ách tách” - đại biểu Quốc hội nói. Do đó, ông cho rằng, giải pháp điều chỉnh giá chi phí phát sinh trong kỳ điều hành ngày 11/11 tới đây - như Bộ trưởng Bộ Công thương đã nêu là hợp lý và buộc phải giải quyết được vấn đề này. 

Về vấn đề lo ngại giá xăng dầu có thể tăng với cách tính mới này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, cần phải chấp nhận theo giá thị trường. Nếu giá lên quá cao, Nhà nước sẽ có các biện pháp khác để xử lý như giảm thuế, phí để bình ổn. 

Huyền Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI