Vướng mắc về cơ chế và việc sắp xếp cán bộ dôi dư vẫn là vấn đề được đặc biệt quan tâm tại chương trình giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 diễn ra chiều 15/12.
|
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, sau sắp xếp, nhiều nơi lượng công việc tăng rất nhiều nhưng chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức vẫn không thay đổi, gây áp lực lên đội ngũ. |
Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP đã tiến hành sắp xếp lại 19 phường để thành lập 9 phường mới (giảm 10 phường), hiện trên địa bàn có 312 đơn vị hành chính cấp xã gồm 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn. Cùng với việc chủ động sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP. Thủ Đức nhằm tạo cực tăng trưởng phát triển kinh tế phía Đông TP, sau sắp xếp, TPHCM có 16 quận, 5 huyện và 1 TP.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, điều dễ nhận thấy nhất khi thực hiện sắp xếp là bộ máy tinh gọn hơn, cũng là dịp để rà soát, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp cũng nảy sinh một số vấn đề, như nhiều đơn vị hành chính dôi dư cán bộ nhưng không có chính sách giải quyết đặc thù mà chỉ thực hiện theo quy định hiện hành (điều chuyển, nghỉ hưu hoặc tinh giảm biên chế). Điều đó đã tác động đến tâm lý, quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức cũng như hiệu quả trong quản lý, thực hiện công việc. Đơn vị hành chính mới có quy mô dân số và diện tích lớn hơn rất nhiều, thủ tục hành chính tăng gấp đôi, gấp ba nhưng chỉ được giữ lại 2/3 cán bộ, lương - thưởng - phụ cấp vẫn như cũ, khiến công tác quản lý nhà nước ở các địa phương gặp nhiều khó khăn.
|
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cần tiến hành đồng bộ ở các khâu lớn nhỏ, ngay cả việc đổi địa danh hành chính, giải quyết thủ tục cho người dân phải tiến hành sao cho thuận tiện nhất. |
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho rằng cần phải rà soát những đầu việc nào mà TP có thể chủ động được thì nhanh chóng xử lý, còn cái nào vướng cơ chế, chủ trương, cần tổng hợp đầy đủ, cụ thể để xin cơ chế và phải “đeo bám quyết liệt, lâu dài”. “Sắp xếp đơn vị hành chính phải đi liền với hạ tầng giao thông, phát triển đồng bộ ở tất cả các khâu. Có TP. Thủ Đức mà đường vành đai 2, vành đai 3 không khép kín được thì cũng không phát triển được. Bộ máy quản lý nhà nước cũng phải tương xứng chứ một TP như Thủ Đức có quy mô gần 1,2 triệu dân với 34 phường mà vẫn như cấp quận, huyện thì không thể làm được”, ông Cao Thanh Bình nói.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM cũng đề cập vấn đề quan tâm tới tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, nhất là ở TP. Thủ Đức vẫn còn “tâm tư nhiều”. Đồng thời đề nghị các cơ sở rà soát, đảm bảo chuẩn hóa chất lượng cán bộ sau khi tái sắp xếp.
Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Phó ban Pháp chế HĐND TPHCM, thì TPHCM còn 644 cán bộ dôi dư cần sắp xếp trong 5 năm (2021 – 2025) và cần đánh giá, sắp xếp sao cho không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. “Tư tưởng cán bộ phải an thì mới có thể làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng cần phải đánh giá hiệu quả hoạt động sau khi sắp xếp có đảm bảo tốt hơn hay không…”, ông Đạt lưu ý.
|
ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị TPHCM sớm thúc đẩy xây dựng Luật đô thị đặc biệt với những cơ chế giải quyết được các vấn đề căn cơ của TPHCM để tiếp tục phát triển. |
ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nêu thực trạng khi đo lường các chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính thì xếp hạng của TPHCM cải thiện rất chậm dù phấn đấu nhiều. Trong đó có nguyên nhân là sắp xếp bộ máy hành chính, nhân lực không phù hợp tình hình thực tiễn TPHCM. Ông Trần Hoàng Ngân cũng đề xuất giải pháp là kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian TPHCM thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù (dự kiến kết thúc năm 2022); cùng việc thúc đẩy việc xây dựng Luật Đô thị đặc biệt (với những cơ chế đặc thù giải quyết những vấn đề căn cơ cho TPHCM, tương tự Luật Thủ đô cho Thủ đô Hà Nội).
Nêu lại bất cập hiện nay ở TPHCM và luôn được các đại biểu mang ra mổ xẻ là “chiếc áo quá chật” cho nhiều địa phương - đơn vị hành chính 15.000 dân với 100.000 dân có biên chế như nhau là điều bất hợp lý, ĐBQH Trần Hoàng Ngân gợi mở một số xã, phường đông dân nếu không xin được cơ chế riêng thì nên tính phương án tách ra để thuận lợi cho quản lý…
Tam Bình