|
TPHCM sẽ hoàn thành sáp nhập quận, phường cuối năm 2024 - Ảnh: Hữu Chánh |
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, từ nay tới năm 2025, dự kiến có 52 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.037 cấp xã trên cả nước thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.
Cụ thể là theo báo cáo, từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành - Bộ Nội vụ tổng hợp, trong năm 2024 sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã.
Gần đây dư luân lại xôn xao cách đặt tên cho các địa phương sau khi sáp nhập. Tại từng nơi cụ thể chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến về tên gọi mới. Người muốn lấy một tên địa phương nổi trội, đại diện cho nhiều địa phương sáp nhập. Người chọn phương án ghép, lấy một chữ của một địa phương ghép lại với nhau thành tên địa phương mới. Người đưa ra phương án đặt tên mới hoàn toàn. Tất cả các phương án đều có lý lẽ riêng để thuyết phục dư luận.
Và tất cả phương án đều sẽ không đạt được sự đồng thuận 100%. Có rất nhiều lý do dẫn đến không đồng thuận. Giữ tên cũ vì truyền thống rực rỡ của nó thì chắc chắn có nhiều người ở địa phương khác không thuận lòng vì họ cũng yêu quý tên gọi từng gắn bó với bao kỷ niệm của địa phương mình, dù cho không rỡ ràng bằng những cái tên khác. Ghép nhiều tên thành một tên khác đâu phải lúc nào cũng có nghĩa tốt đẹp. Chọn tên mới thì tên gì cho thuận lòng dân. Nghĩ đến đó thật nhức đầu.
Thật ra trong tiến trình lịch sử hàng ngàn năm của mình, tên đất tên làng thậm chí quốc hiệu của nước ta cũng đã từng thay đổi. Ngay ở vùng đất Nam bộ này, xưa là Nam kỳ lục tỉnh gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên thì nay chỉ còn dùng có 4 địa danh còn Gia Định và Định Tường đã biến mất trong các tên gọi hành chánh chính thức. Ngay cả Biên Hòa và Hà Tiên cũng đâu còn là địa danh cấp tỉnh như xưa.
Chúng ta cũng biết Hà Nội trong tùy bút Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của Nguyễn Tuân không giống Hà Nội ngày nay vì thủ đô bây giờ đã sáp nhập thêm nhiều vùng đất khác. Nước Việt Nam của chúng ta cũng từng là Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt... chứ không phải là bất biến. Nhưng tinh thần yêu nước thương nòi và truyền thống chống ngoại xâm chưa bao giờ thay đổi kể từ trước khi Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt về trời cho đến ngày nay.
Vậy cho nên tên gọi như thế nào không quá quan trọng. Rồi sẽ có cái tên thỏa đáng để gọi. Những điều đáng quan tâm hơn cả là sau khi sáp nhập các địa phương lại với nhau liệu rằng sẽ quản lý tốt hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn hay không, trong khi địa phương mới sáp nhập còn ngổn ngang nhiều vấn đề phải giải quyết. Cụ thể như là con người dôi dư giải quyết ra sao? Cơ sở vật chất không dùng đến sẽ xử lý như thế nào để không xuống cấp, không lãng phí. Và quan trọng cần phải đặt biệt lưu tâm là công tác bàn giao giữa những địa phương cũ với địa phương mới, giữa người cũ và người mới. Đã từng có nhiều trường hợp câu trả lời của cán bộ với dân là việc của địa phương cũ, người cũ phụ trách họ là người mới không biết.
Vậy đó đặt tên không phải là chuyện nhỏ nhưng có nhiều việc cần quan tâm lớn hơn rất nhiều.
Nguyễn Huỳnh Đạt