UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 3017/QĐ-UBND về sửa đổi, điều chỉnh Kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV. Theo đó, TP.HCM tiến hành sáp nhập các bệnh viện quận/huyện hạng 3 vào trung tâm y tế quận/huyện. Cụ thể sáp nhập 14 trung tâm y tế và 14 bệnh viện quận/huyện hạng 3 của các quận 1, 3, 5, 7, 9, 10, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi. Lộ trình thực hiện từ năm 2018 đến quý I năm 2019. |
|
Bệnh viện quận/huyện ngày càng đông bệnh nhân đến khám. Ảnh chụp tại Bệnh viện Nhà Bè sáng 2/8. |
Nhiều bệnh viện đã tạo thương hiệu riêng
Bà Đinh Thị Liễu - đại diện Sở Y tế TP.HCM - cho biết năm 2007, các tỉnh/thành trên cả nước tách trung tâm y tế quận/huyện thành bệnh viện (BV) và trung tâm y tế dự phòng. Đến năm 2017, cả nước lại sáp nhập hai cơ sở này như mô hình trung tâm y tế ban đầu. Một trong những mục tiêu của sáp nhập là cải thiện các BV quy mô nhỏ, ít người bệnh, đưa bác sĩ có kinh nghiệm từ BV về trạm y tế nhiều hơn để phục vụ người bệnh ở trạm và hỗ trợ cho y tế dự phòng…
Tuy nhiên, các BV quận/huyện tại TP.HCM sau một thời gian tách riêng đã hoạt động hiệu quả, mỗi BV tạo thương hiệu riêng, quy mô tương đương như một BV tỉnh. Đồng thời, các trung tâm y tế tại TP.HCM cũng được phép khám chữa bệnh, bên cạnh nhiệm vụ thực hiện công tác dự phòng. Vì vậy, việc sáp nhập sẽ khó khăn.
|
Khu vực chạy thận hiện đại của Bệnh viện Quận Gò Vấp. |
Chiều 1/8, tại sảnh nhận thuốc bảo hiểm y tế của Bệnh viện Q.Gò Vấp, hàng trăm bệnh nhân ngồi chờ đến lượt phát thuốc. Chị Nguyễn Thị Phương Trà, 34 tuổi, cho biết trước đây chị mua thẻ bảo hiểm y tế ở Bệnh viện Quân Y 175, nhưng sau khi Bệnh viện Q.Gò Vấp xây mới, chị chuyển thẻ bảo hiểm về đây.
“Bệnh viện hoành tráng, nhìn như BV tư, có chỗ để xe cho người sợ xuống dốc hầm. BV áp dụng công nghệ thông tin vào mọi khâu khám chữa bệnh nên không cần chen lấn, xô đẩy như cơ sở cũ. Rất sòng phẳng cho tất cả bệnh nhân”. Nhờ sự đổi mới trong khâu tiếp nhận nên mỗi ngày, BV này có từ 2.000 – 2.600 bệnh nhân đăng ký khám bệnh. Số bệnh nhân hài lòng chiếm tới 87/100 điểm.
“Đặc sản” của Bệnh viện Q.Gò Vấp là dịch vụ trọn gói. Người bệnh chỉ đóng 150.000 đồng sẽ ngồi ghế salon, uống trà, cà phê, xem ti vi tại phòng chờ để bác sĩ tới tận nơi khám bệnh, lấy máu xét nghiệm và được nhân viên y tế đưa đến các khoa phòng chụp chiếu phim. Vì dịch vụ phát triển tốt nên số lượng bệnh nhân ở 3 phòng khám “dịch vụ trọn gói” luôn quá tải, với 70 – 80 lượt. BV dự kiến tiếp tục mở rộng mô hình này để phục vụ người bệnh.
Ngoài ra, BV còn có dịch vụ chọn bác sĩ khám, hoặc khám theo yêu cầu với giá rẻ hơn. Chưa kể, BV có nhiều hệ thống điều trị hiện đại mà nhiều bệnh viện hạng 1 chưa có như lọc – rửa máy chạy thận tự động, không phải rửa thủ công bằng tay như trước.
|
Khung cảnh khang trang của Bệnh viện Quận 11. |
Tương tự, Bệnh viện Quận 11 đang là “địa điểm sáng” khi liên tục thu hút bệnh nhân bằng việc cải thiện dịch vụ khám bệnh và ứng dụng các kỹ thuật khó của BV hạng đặc biệt, hạng 1.
Từ 6 giờ sáng, khu tiếp nhận bệnh của BV có nhiều bệnh nhân từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ ngồi chờ đến lượt khám. Bà Nguyễn Thị Năm (51 tuổi, ở Bến Tre) kể, bà bị cao huyết áp, bệnh tim mạch nhiều năm nay, nhưng bà chấp nhận bỏ tiền xe đò để lên Q.11 khám vì bác sĩ tận tâm, máy móc hiện đại. Để không mất nhiều thời gian chờ đợi, bà vào trang web hoặc apps (ứng dụng) của BV để hẹn giờ khám bệnh.
Sáu tháng đầu năm 2018, Bệnh viện Q.11 mổ cho 5.149 ca, trong đó có đến 244 ca phải dùng kỹ thuật mổ của BV đặc biệt như Bệnh viện Chợ Rẫy mới có, hay như 1.068 ca dùng phương pháp mổ giống các BV hạng 1 như Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định… Nỗ lực này là nhờ BV tự động hóa được quy trình khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ. Điểm hài lòng của người bệnh đến khám tại đây đạt đến 91/100 điểm.
|
Màn hình theo dõi điện tim từ xa cho tất cả bệnh nhân ở tuyến BV hạng 3. |
Tương tự, nhiều BV hạng 3 khác như Bệnh viện Q.10, Bệnh viện Q.Phú Nhuận, Bệnh viện Q.Tân Bình, Bệnh viện H.Nhà Bè… đã tự chủ tài chính, cạnh tranh tốt với các cơ sở tư nhân. Số lượng bệnh nhân đến các cơ sở này ngày càng nhiều do chất lượng phục vụ và nhiều kỹ thuật điều trị khó được ứng dụng.
Sáp nhập bệnh viện tại TP.HCM: chỉ nên thí điểm
Nói về việc sáp nhập, bác sĩ Nguyễn Hữu Thơ, Giám đốc Bệnh viện H.Nhà Bè lo lắng: “BV vừa mới thoát nghèo, bước đầu đã tự thu tự chi, nếu sáp nhập với Trung tâm Y tế huyện thì không khác gì cho hai người nghèo sống chung một nhà, sẽ càng khó khăn. Liệu hình thức này có giúp y tế dự phòng phát triển hay dẫn đến việc cả hai cơ sở đều thụt lùi?”.
Theo bác sĩ Thơ, một trong những mục tiêu của việc sáp nhập là đưa bác sĩ ở BV quận/huyện rải đều ở các trạm y tế xã phường, còn tại Bệnh viện H.Nhà Bè sẽ đưa các bác sĩ mới ra trường về. Tuy nhiên, bác sĩ mới ra trường lại không có chức năng khám chữa bệnh vì chưa có chứng chỉ hành nghề.
|
Nhiều bệnh viện lo bệnh nhân bỏ đi sau khi sáp nhập. |
Nhiều bác sĩ nhận định, sáp nhập không khác việc biến BV thành trạm và biến trạm thành BV. Tuy nhiên, BV chỉ có một nhưng trạm thì rất nhiều, ngành y tế khó có thể đầu tư dàn trải, nâng cấp hết các trạm. Lẽ ra, để đẩy mạnh hệ y tế dự phòng, ngành y tế nên đưa các bác sĩ hạng 1 như ở Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định… đến hỗ trợ vì họ có kinh nghiệm. Trong khi đó BV quận/huyện vẫn thiếu bác sĩ, đơn cử như Bệnh viện H.Nhà Bè hiện còn thiếu khoảng 10 bác sĩ.
Thậm chí, đưa bác sĩ giỏi về trạm cũng không đảm bảo sẽ thu hút được bệnh nhân khi đây là tuyến hạng 4, quá ít máy móc, danh mục thuốc phục vụ người bệnh chưa đầy đủ hoặc chỉ theo dõi, phát thuốc những bệnh mạn tính như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường đơn thuần. Ngành y tế càng không thể đầu tư dàn trải cho tất cả các trạm y tế như với các BV quận/huyện.
Mặt khác, y tế dự phòng phát triển không như mong đợi là do cơ chế, chính sách thu hút người tài. Nếu sáp nhập BV hạng 3 vào trung tâm y tế cũng không giải quyết được những khó khăn hiện nay của y tế dự phòng. Bên cạnh đó, các trung tâm y tế tại TP.HCM đã được phép khám chữa bệnh như trước đây, chứ không chỉ làm công tác y tế dự phòng đơn thuần. Chưa kể, một số trung tâm y tế dự phòng đang phát triển rất tốt, nguồn thu nhập ổn định như Trung tâm Y tế Q.7. Do đó việc sáp nhập đại trà cần cân nhắc kỹ.
Bác sĩ Hoàng Đức Quyền - Phó Giám đốc Bệnh viện Q.Phú Nhuận - cho rằng nên để các cơ sở y tế phát triển theo cơ chế thị trường, tự chủ tài chính. Ngành y tế nên tạo điều kiện cho cơ sở nào làm tốt, đem nguồn lợi về cho ngân sách nhà nước. Nếu cơ sở nào không đảm bảo tự thu tự chi, phát triển yếu kém, phụ thuộc ngân sách nhà nước hoặc không đủ khả năng quản lý thì cho tự nguyện hoặc bắt buộc sáp nhập, không nhất thiết phải sáp nhập theo hạng BV.
Bà Đinh Thị Liễu đồng tình điểm này. Theo bà, Bệnh viện Q.6 dù được xếp hạng 2 nhưng mong muốn được sáp nhập sớm vì khó khăn nhiều mặt, không ít bác sĩ bỏ đi. Trong khi Bệnh viện Q.Gò Vấp, Bệnh viện Q.11… đã đạt chuẩn bệnh viện hạng 2 từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được nâng hạng.
Bác sĩ Phạm Hữu Quốc - Giám đốc Bệnh viện Q.Gò Vấp - cho biết, nhờ có nguồn kinh phí tự thu tự chi, BV đã đầu tư mạnh cho mảng dịch vụ, phục vụ người bệnh. Sắp tới, BV đưa vào sử dụng hệ thống quản lý phần mềm để người bệnh có thể tự chọn lựa khoa khám bệnh bằng thẻ từ, không cần phải đăng ký... Tuy nhiên, nếu phải sáp nhập vào trung tâm y tế thì từ việc “có kết dư”, BV sẽ gặp khó khăn để tái đầu tư phục vụ bệnh nhân. Hiện BV có 400 người, nhưng khi sáp nhập sẽ tăng lên 1.000 người. Lúc đó, việc san sẻ bác sĩ, tài chính cho hệ y tế dự phòng sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển BV theo hướng chuyên sâu, cạnh tranh với hệ thống y tế tư nhân; thậm chí nhiều dịch vụ đang làm tốt hiện nay có thể giẫm chân tại chỗ.
|
|
Nhiều bác sĩ cho rằng, việc sáp nhập BV quận/huyện vào trung tâm y tế không phù hợp với đặc thù của TP.HCM. Nếu đã sáp nhập thì áp dụng cho tất cả BV quận/huyện trở lại như ban đầu để đảm bảo tính công bằng. Hoặc nếu sáp nhập thì nên chọn những BV mạnh về kinh tế, dồi dào về nguồn lực bác sĩ để hỗ trợ cho y tế dự phòng. Hoặc chọn những quận/huyện có đến hai BV có chức năng khám chữa bệnh như nhau để sáp nhập vào trung tâm y tế, như Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi với Bệnh viện H.Củ Chi, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức với Bệnh viện Q.Thủ Đức.
Nhiều BV trăn trở, nếu sau sáp nhập, thương hiệu BV quận/huyện không giữ lại được mà gắn thành đơn vị khám bệnh của trung tâm y tế, sẽ khó thu hút người bệnh đến thăm khám, điều trị như hiện nay. Nếu tính toán không hợp lý, người bệnh sẽ bỏ cả trạm lẫn BV hạng 3 để đổ về BV tuyến cuối, gây tình trạng quá tải cục bộ.
Rõ ràng, việc sáp nhập các BV hạng 3 tại TP.HCM nên thực hiện thí điểm để tránh gây thiệt hại cho ngành y tế lẫn bệnh nhân.
Văn Thanh