Sắp đủ 21 ngày cách ly, tỉnh dậy cùng về anh ơi!

27/06/2021 - 16:53

PNO - Chuyện tình ấy sẽ đẹp hơn nếu hòa chung hai giọng kể của cả vợ và chồng. Cách ly cùng một bệnh viện, ông không may đổ bệnh nền, nằm phòng cấp cứu, bà bên ngoài chỉ biết gọi tên ông và nguyện cầu...

Thấy thấp thoáng xe chạy, bé Gia Lộc (6 tuổi) reo lên: “Xe! Xe vô kìa bà nội!”. “Xe chở oxy đó con. Xe chở oxy cho ông nội thở”. Giọng trong trẻo của Gia Lộc bỗng trở nên trầm buồn: “Không biết ông nội sao rồi hả bà nội?”. “Bà nội không được vô thăm! Bà nội cũng như con mong từng phút từng giờ…”, bà buông thõng câu nói, đôi mắt trũng sâu nhìn vào rừng đêm tĩnh mịch.

Gương mặt khuyết, hạnh phúc lại đầy

Do là đối tượng F1, ông bà nội và Gia Lộc được đưa cách ly tại Bệnh viện điều trị COVID-19 tại Cần Giờ (TPHCM) vào giữa tháng 6. Không may khoảng một tuần thì ông có vấn đề về sức khỏe do bệnh nền huyết áp, được bác sĩ chuyển xuống tầng trệt để săn sóc, hỗ trợ thở oxy.

Không được cận kề bên ông lúc ốm đau, bà ra vào bồn chồn, lo lắng. Mấy ngày sau, nhân viên y tế yêu cầu người nhà cung cấp khăn giấy ướt và cả tã…

Ngày nhận thông báo cách ly, ai cũng rầu rĩ, lo sợ, ngơ ngác, nhưng rồi trên chuyến xe đêm, nhìn thấy bên cạnh là gương mặt thân thương và được nhân viên hướng dẫn ân cần, mọi căng thẳng rồi cũng lắng dịu.

Ông bà cháu động viên nhau thích ứng cuộc sống mới “chỉ kéo khẩu trang xuống ăn, kéo khẩu trang lên ngủ”.

Cả nhà đếm ngày dài bằng con số 1, 2, 3… trong hy vọng, rồi đến con số 8, 9… chỉ còn bà và cháu đếm trong nỗi âu lo.

Hai bà cháu hồi hộp trông ngóng tin tức bệnh tình của ông.
Hai bà cháu hồi hộp trông ngóng tin tức bệnh tình của ông

“Ba mươi mấy năm chung sống, chưa bao giờ vợ chồng rời nhau một ngày. Nghèo khổ, gian khó gì vợ chồng cũng đồng lòng vượt qua. Vậy mà con virus SARS-CoV-2 này quái ác chưa chừng thấy, nó chia cắt gia đình, chia cắt tình thâm. Biết rằng chỉ cách vài trăm bước chân, chỉ là lầu với trệt mà nhiều ngày không được thấy mặt, đút miếng cháo, miếng thuốc hay chỉ là ngồi bên nhau chuyền hơi ấm”, bà nghẹn lời khi nhìn mớ hành lý của ông và chiếc giường bỏ trống ở góc phòng.

Bị căn bệnh hiếm ở chân răng, phải phẫu thuật hồi 10 tuổi nên gương mặt khuyết đi, nhưng bà đã cùng chồng viết nên một cuộc tình đẹp. Có sóng gió chăng chỉ ở cơm áo gạo tiền nghiệt ngã dành cho ông - chân bốc xếp gạo ở cảng Bình Đông và bà - cô công nhân nhà máy rượu.

Hạnh phúc của ông bà được cộng dồn bằng những kỷ niệm không rõ vui hay buồn, chỉ biết nước mắt nấp đâu đó trên khóe đợi nhắc chuyện xưa lại trào ra.

Lần tìm thuê được phòng trọ giá rẻ, vợ chồng chưa kịp vui mừng thì cơn mưa ập tới, nước từ mái dột xuống, nước từ cống dâng lên như muốn trêu ngươi cặp vợ chồng nghèo. Nhanh tay gom xoong nồi, bếp lên giường, ông căng áo mưa trên đầu và bà khi đó đang mang bầu đã nằm gọn trong lòng ông như con mèo ngoan.

Bà đã được ông che chở với tất cả nghĩa của chữ chở che.

Ngày được nhà máy của bà cấp cho căn phòng, kết thúc đời thuê trọ, ông bà ôm đứa con trai đầu lòng, không hẹn mà thức trắng, nhìn lên trần nhà. “Mừng quá, sao mà ngủ được!”.

Cuộc sống túng thiếu từ chiếc nồi đa năng kể đi, từ gốc mồng tơi kể lại. Nhà không đủ bộ nồi, chỉ có một hai cái nên hễ nấu xong món này thì đổ ra tô để nấu tiếp món khác. Đó là những bữa ăn sang, có đến hai món canh, kho; còn có những bữa ăn chỉ độc một món: cơm.

Và vì sao là gốc mồng tơi? Vì nhà có mỗi dây mồng tơi trong chậu, chưa kịp nhảy đọt non, chưa kịp ra lá mới thì đã bị chủ nó chơi trò “chồng chan vợ húp”.

Cầu mong ngày về trọn niềm vui

Chuyện tình ấy sẽ đẹp hơn, tươi hơn nếu hòa chung hai giọng kể, chứ không phải mình bà trong chuyến du hành đơn độc của hồi tưởng.

Nhớ lần bà mừng rơn, vội vã chạy về khoe với ông là mình vừa được nhà máy ưu tiên giới thiệu phẫu thuật miễn phí gương mặt, toàn nhà máy cả ngàn nhân viên chỉ có một suất. Ông phang ngay một câu làm bà cụt hứng: “Em sửa mặt chi? Anh có quan trọng gì đâu, em sửa cho ai ngắm? Em đã đau đớn nhiều rồi, phẫu thuật chi nữa cho đau đớn thêm”.

Vợ tu bổ nhan sắc mà chồng lại đánh đồng với một cơn đau vô ích, điều này khiến bà băn khoăn, đắn đo. Bà hiểu ý ông nên không nhắc chuyện đi sửa nữa.

Thỉnh thoảng bà trách yêu: “Tại ông không hà! Tại ông mà tui xấu dai như vầy”. Ông cười khà khà: “Thì anh cũng thương em chứ có bỏ ngày nào đâu!”.

Buổi đầu bà cứ tưởng ông chỉ vui chơi qua đường cũng bởi sự cách biệt quá xa về ngoại hình. Với bạn bè thân tình, bà thú thiệt đã chủ động "cua" ông vì chắc chắn “giống ông tốt”, thế nào bà cũng "moi" được một đứa con cao to, khỏe đẹp từ ông để bù qua “điểm liệt” của mình.

Ngay khi đã tổ chức tiệc cưới, đăng ký kết hôn, sinh con, bà vẫn tuyên bố với ông: “Nếu anh thích cô nào thì mình thôi. Em chỉ cần có đứa con, em sẵn sàng làm mẹ đơn thân, không đòi anh phải nuôi con hay cấp dưỡng”. Ông trố mắt: “Nói tầm bậy!”.

Rồi cũng có dạo không khí gia đình êm đềm, phẳng lặng quá, ông chọc bà “sao chưa ly dị đi?”, bà cười: “Ngu gì ly dị. Ly dị rồi biết mai mốt có kiếm được anh nào đẹp trai như anh này không, biết đi ca hát về có bị ảnh ghen quýnh bầm mặt không, biết có được chăm sóc như anh này không. Lỡ cưới rồi thì cứ ở lì!”.

Ông là bạn của anh ruột bà. Những khi ông đến nhà nhậu, bà cũng sà vô cụng ly không chút e dè hay tạo vỏ bọc đoan trang, thùy mị. Bà chiếm hồn ông bằng sự thẳng ngay, chân tình, bản lĩnh và lối ăn nói hài hước, có duyên.

Khi cần mạnh mẽ, bà như ngọn núi còn khi cần yếu đuối, bà tựa như một dòng suối mát ngọt uốn lượn. Tính cách đa dạng, gây bất ngờ này khiến ông khám phá cả đời chưa xong.

Vợ chồng bà Xíu – ông Long vui vầy, mặn nồng thời thanh xuân cũng như tuổi xế
Vợ chồng bà Xíu - ông Long vui vầy, mặn nồng thời thanh xuân cũng như tuổi xế

Tuổi ngoài 30, bà định “ở vậy nuôi… thân” còn ông thì đã có hai con (vợ ông không may mất sớm). Chưa một lần làm mẹ nhưng về với ông, bà phải lựa lời ăn tiếng nói, cư xử với các con như một người mẹ. Bà vẫn không ngại ngần hay thấy áp lực, chỉ biết sống hết lòng, yêu thương nhất có thể.

Vẫn là ba là mẹ, họ vẫn là một gia đình với bốn đứa con được đếm theo thứ tự chị hai, em ba rồi tiếp đến là tư, năm.

Khi con gái thích học may, ông bà dành dụm tiền lương ít ỏi để mua máy may. Khi hỏi cưới, bà đường hoàng đứng vai mẹ.

Đến giờ bà vẫn ray rứt vì hồi xưa cuộc sống quá vất vả, thiếu thốn, ông bà chưa chăm lo đủ đầy cho con, nhất là hai đứa lớn.

Vẫn như thế mấy chục năm qua, nghe ai chê vợ xấu, ông đáp trả: “Vợ tui tuy không đẹp nhưng tính tốt: thiệt tình, rộng rãi, giàu tình thương, không tranh đua hơn thua cũng chẳng hại ai. Tui đâu có nhìn sai người”. Ông bênh một tăng khiến đối phương hết nói nổi câu thứ hai.

Hồi mới quen, năm 1987, mỗi khi đi ngoài đường, bà mặc cảm mình xấu xí, nhỏ thó, thường lùi lại phía sau, ông nhẹ nhàng nắm tay kéo bà lên để bước song hành.

Bàn tay ấy giờ ở tận đâu? Bà thèm nắm. Những năm ngày, mười ngày… trôi qua rồi mà bà chưa được nắm. Bàn tay đã sưởi bà suốt cuộc đời tưởng chừng đơn độc, lạnh giá mà lại nồng ấm, vui vầy quá đỗi. Tình cảnh ngang trái này biết tỏ cùng ai, bà gào lên trong dòng status Facebook: “Anh hèn lắm biết không? Anh không thể bỏ em, bỏ con, bỏ cháu trong lúc này”.

Gạt nước mắt bước ra khoảng sân vắng ngắt của bệnh viện, hướng về phía tầng trệt, bà lẩm bẩm: “Con là Nguyễn Thị Xíu, 67 tuổi, nhà con ở quận 5, TPHCM. Con thành tâm nguyện cầu cho chồng con là Bùi Ngọc Long, cùng tuổi, khỏe lại để về với con. Ngày đó, con xin được xuống tóc mừng chồng con được bình an…

Sắp đủ 21 ngày rồi, mau tỉnh dậy, cả nhà mình cùng về anh ơi!”.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI