Sắp có phim về thời kỳ Thành Đoàn TPHCM chống Mỹ

10/08/2024 - 13:23

PNO - 11 tác phẩm đoạt giải của Trại sáng tác kịch bản phim truyền thống nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) chủ đề “Thành phố tôi yêu: Thành Đoàn thời chống Mỹ" sẽ được chọn lọc dựng thành phim.

Ngày 10/8, Câu lạc bộ truyền thống Thành Đoàn TPHCM và Hội Điện ảnh TPHCM đã tổ chức tổng kết trao giải Trại sáng tác kịch bản phim truyền thống nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) chủ đề Thành phố tôi yêu: Thành Đoàn thời chống Mỹ.

Trại sáng tác diễn ra từ ngày 15- 25/10/2023 với sự tham gia của 9 trại viên là các đạo diễn, nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch từ nhiều đơn vị như: Báo Văn nghệ TPHCM, Hội Nhà văn Thành phố, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim Trẻ, Đài Truyền hình TPHCM.

Để tạo điều kiện cho các tác giả có những chất liệu quan trọng để xây dựng nên các tác phẩm kịch bản, ban tổ chức triển khai nhiều tọa đàm với các chuyên đề: Phong trào đấu tranh chính trị công khai, đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang, đấu tranh vũ trang trong nội thành, đấu tranh trong tù và liệt sĩ Thành Đoàn, hoạt động vùng căn cứ, bàn đạp giao liên...

Các tác giả thể loại tài liệu và phim truyện lên nhận thưởng
Các tác giả thể loại tài liệu và phim truyện nhận thưởng

Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn triển khai hoạt động tìm hiểu khảo sát, tìm hiểu thực tế các địa chỉ đỏ như Khu di tích lịch sử Tam Giác Sắt (Bình Dương), Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (TPHCM), Di tích lịch sử khu căn cứ Núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Các hoạt động tọa đàm, khảo sát thực tế diễn ra đến hết tháng 10/2023. Kết quả trại sáng tác đã nhận được 16 tác phẩm gồm 5 kịch bản phim truyện và 11 kịch bản phim tài liệu. Trong đó nhà văn Trầm Hương gửi nhiều tác phẩm nhất với 8 tác phẩm thể loại tài liệu.

Tại buổi tổng kết trao giải, thay mặt Hội đồng thẩm định, đạo diễn Lâm Lê Dũng cho biết: “Trải qua hơn 10 tháng tổ chức và nghiệm thu dự thi, Hội đồng thẩm định đánh giá kết quả sáng tác đã đạt được hơn mong đợi về số lượng kịch bản và nội dung nghệ thuật. Cùng 1 chủ đề về lịch sử Thành Đoàn TPHCM thời chống Mỹ nhưng hầu hết các tác phẩm đều không trùng lặp về thể loại, cấu trúc nội dung, cách trình bày kể chuyện và đặc biệt là đã phản ảnh đa dạng phong phú sắc thái, tình tiết, chi tiết nhỏ nhất”.

Kết quả ở thể loại Tài liệu, Hội đồng thẩm định trao giải A cho tác phẩm Hát cho đồng bào tôi nghe (16 tập) của đạo diễn NSUT Nguyễn Mộng Long. Giải B thuộc về tác phẩm Lửa Thành Đoàn thời chống Mỹ của tác giả Huỳnh Văn Nhị và 3 tác phẩm Nguyễn Thị Thanh Tùng và Những vầng thơ tranh đấu; Giao liên Thành Đoàn và những hy sinh thầm lặng; Người hùng chống lại sự lãng quên của nhà văn Trầm Hương.

Biên kịch Đặng Thanh BÌnh đoạt giải A thể loại phim truyện chia sẻ về quá trình sáng tác tại buổi tổng kết
Biên kịch Đặng Thanh Bình đoạt giải A thể loại phim truyện chia sẻ về quá trình sáng tác tại buổi tổng kết

Riêng kịch bản phim tài liệu ca nhạc Giai điệu một thời và mãi mãi của tác giả Huỳnh Kim Hoàng được ban tổ chức trại đánh giá là công trình nghiện cứu và sáng tác phim tài liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam có giá trị tầm cỡ quốc gia nên đã đề xuất và xin kiến nghị với Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố quan tâm và tài trợ kinh phí sản xuất. Nội dung kịch bản này phản ánh truyền thống chống giặc ngoại xâm, khắc hoạ hình tượng anh hùng dân tộc, những thành quả chiến tích của chiến sĩ cũng là nghệ sĩ trong tổ chức Thành Đoàn từ thời đấu tranh bí mật đến thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh, liên kết các thời kỳ lịch sử Việt Nam.

Ở thể loại phim truyện, biên kịch Đặng Thanh Bình đoạt giải A với tác phẩm Chuồng cọp - một bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện của cựu tử tù Côn Đảo - ông Lê Hồng Tư. Cùng nhận giải A còn có tác phẩm Vẫn là đoá hướng dương của Ngô Ngọc Ngũ Long. Giải B thuộc về tác giả Kim Ửng với Ngày ấy đất mọc hoa hồng lửa, Kim Quyên với Thành phố mặt trời và Huỳnh Mẫn Chi với Kỷ vật từ lòng đất.

Tác giả Kim Quyên cũng là trại viên cao tuổi nhất của trại sáng tác. Năm nay bà đã 72 tuổi. Bà Kim Quyên cho biết kịch bản Thành phố mặt trời có một phần là hình ảnh của gia đình bà - những người từng tham gia vào các hoạt động phong trào của Thành Đoàn. Nội dung phim nói lên những tâm tư, nguyện vọng của những người làm công tác Thành Đoàn.

Tin-ảnh: H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI