Cát-sê đóng phim của diễn viên hạng A hiện nay ở nước ta thường ở mức trên một tỷ đồng kèm phần trăm doanh thu. Hoa hậu, “chân dài” đi tiệc, “dẹo qua dẹo lại” cũng bỏ túi vài trăm triệu đồng, thậm chí hơn. Ngôi sao ca nhạc hát event (sự kiện) vài bài có khi “ẵm” 20.000 USD... Đó là những khoản thù lao trên trời mà những nghệ sĩ hoạt động trong các đơn vị biểu diễn nghệ thuật công lập có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới.
|
Sau Em chưa 18, cát-sê của Kiều Minh Tuấn tăng lên hơn một tỷ đồng/phim chưa tính phần trăm doanh thu |
Những con số “kỳ quái”
Những con số nêu trên được một người hoạt động trong lĩnh vực giải trí tiết lộ chỉ là bề mặt, chưa đầy đủ của một tảng băng chìm đời sống văn hóa - giải trí hiện nay. Có nhiều năm tham gia biểu diễn, giảng dạy và từng giữ chức vụ cao trong ngành văn hóa, NSND Trung Kiên cũng phải gọi đó là những khoản cát-sê “kỳ quái”, “vô lý”.
Nghe học trò nói: “Con đi hát, đi tiệc một buổi, bằng thầy làm mấy tháng”, mới đầu ông tưởng đùa, nhưng đó là sự thật. Dù biết, so với thời trước, nghe - xem - nhìn của công chúng giờ có nhiều đổi khác, dù biết chẳng ai bắt ép các nhà tổ chức chi ra một số tiền khủng cho nghệ sĩ, nhưng khi đặt trong tương quan chung, nhất là so với khoản thù lao ít ỏi của những nghệ sĩ công lập, được đào tạo chính quy, hoạt động nghệ thuật nghiêm túc - cũng không khỏi ngậm ngùi.
Cho tới thời điểm hiện tại, nước ta mới có một định mức thù lao chung đối với nghệ sĩ hoạt động ở các đơn vị nghệ thuật công lập, hưởng ngân sách nhà nước. Còn lại, vẫn ở dạng tự do, tùy thuộc vào những thỏa thuận mang tính cá nhân dựa vào hiệu quả của từng gương mặt hoặc sức ảnh hưởng tới doanh thu.
Tất nhiên, Việt Nam chưa có một nền văn hóa - giải trí đủ mạnh để sản sinh ra những ngôi sao bán vé theo chuẩn quốc tế (những người tạo ra trào lưu, tạo ra dòng phim/nhạc… làm nên thương hiệu - PV). Những ngôi sao ở ta, có khi được dựng nên bởi fan và “sớm nở tối tàn”. Vì thế, tranh thủ lúc còn “hot”, nghệ sĩ thường chọn con đường đi diễn, nhận hợp đồng quảng cáo, dự event hoặc có những hoạt động đầu tư làm mới mình liên tục… Và có khi, chẳng cần phải cực khổ rèn giũa, trau dồi chuyên môn, số tiền thu được trong một thời gian ngắn của những nghệ sĩ ngôi sao dạng này có thể giúp họ “ấm thân” cả đời. Để rồi nhìn lại, chỉ thấy một bức tranh văn hóa - giải trí toàn cảnh mang tính mùa vụ, thiếu cân đối, có độ cong vênh lớn giữa các thành phần tham gia.
Thiếu một tầm nhìn chiến lược
Không riêng gì Việt Nam, ở bất cứ quốc gia nào, yếu tố đại chúng cũng chi phối bộ mặt văn hóa - giải trí. Nhưng nền văn hóa - giải trí đó được vận hành và kiểm soát ra sao, để vừa tạo ra một môi trường hoạt động tự do, có tính cạnh tranh, vừa đảm bảo được tính công bằng, ổn định và trật tự, lại là câu chuyện của những người hoạch định.
NSND Trung Kiên nói: “Chỉ nói riêng trong lĩnh vực âm nhạc, ở các nước tiên tiến, những ngôi sao nhạc nhẹ được tạo môi trường thuận lợi để hoạt động thì họ cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình với đất nước bằng việc đóng thuế cao. Chính phủ dùng tiền thuế đó để tái đầu tư vào những hoạt động nghệ thuật mang tính truyền thống hoặc đỉnh cao như giao hưởng, thính phòng. Những nghệ sĩ hoạt động trong những lĩnh vực này nhận được sự bảo trợ của xã hội, yên tâm hoạt động và sáng tạo nghệ thuật. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta chưa có cơ chế đó”.
Hay như mới đây, sau scandal trốn thuế của diễn viên Phạm Băng Băng, nhiều cơ quan của Trung Quốc như Bộ Tuyên truyền, Bộ Văn hóa và Du lịch, Tổng cục Thuế, Cục Điện ảnh, Cục Phát thanh, truyền hình Trung Quốc đều cùng lúc ban hành thông tư về việc chấm dứt tình trạng trả cát-sê trên trời cho diễn viên, đưa ra một mức trần, nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế, sử dụng “hợp đồng âm dương” trong lĩnh vực giải trí. Đồng thời, tăng thuế (bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế phụ trội) với giới nghệ sĩ gấp 6 lần: từ 6,7% lên 42%. Theo đó, thu nhập càng cao, số tiền thuế phải nộp càng lớn.
Lý giải cho những động thái mạnh mẽ, quyết liệt này, cơ quan chức năng của Trung Quốc cho rằng, việc chạy theo, “cung phụng” ngôi sao đã khiến chất lượng nghệ thuật và quyền lợi của công chúng không được đặt lên hàng đầu. Chưa kể, cát-sê ngất ngưởng kéo theo hàng loạt vấn đề nổi cộm, nghiêm trọng là trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Tại TP.HCM, theo Cục Thuế TP.HCM, mặc dù không khó để thống kê số lượng những nghệ sĩ xếp vào hàng “top”, có thu nhập khủng, nhưng do chính sách cũng như hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh, việc truy thu thuế đối tượng này đang gặp nhiều khó khăn.
Thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong các sắc thuế có vai trò quan trọng trong việc định hướng, điều tiết kinh tế - xã hội. Vậy tại sao Việt Nam không đặt vấn đề mức trần cát-sê hoặc đưa thuế nghệ sĩ có thu nhập khủng vào diện thuế đặc biệt này?
Một đạo diễn cho biết, trong khi ở nước ngoài, tất cả đều dựa trên số phần trăm được vạch sẵn trong tổng kinh phí đầu tư thì ở Việt Nam, khi diễn viên tham gia một phim “ăn khách”, sẽ mặc định phim sau phải lên giá và ngôi sao hạng A ở Việt Nam được định giá không ở chất lượng diễn xuất. Chẳng hạn như Kiều Minh Tuấn trước đó nhận phim với cát-sê rất rẻ, sau Em chưa 18, diễn viên này nhận phim nào cũng từ một tỷ đồng tiền mặt trở lên, cộng thêm phần trăm doanh thu. 1,2-1,5 tỷ đồng, cộng thêm phần trăm doanh thu của bộ phim (từ 1% tới 5%) - có thể tạm gọi là cát-sê ngôi sao hạng A hiện tại của Việt Nam. Ngoài Kiều Minh Tuấn, có thể kể ra một số cái tên khác thuộc nhóm này như Trường Giang, Thái Hòa, Miu Lê, Thanh Hằng, Ngô Thanh Vân, Ngô Kiến Huy… |
Đậu Dung