Muôn vàn kiểu bùng show, đến trễ
Trung tuần tháng 4, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã phải lên tiếng về việc diễn viên Huỳnh Anh dù đã nhận 50% thù lao sản xuất phim nhưng không xuất hiện ở đoàn, cũng không ai liên lạc được.
Đây không phải lần đầu Huỳnh Anh dính scandal đi trễ. Trước đó, Huỳnh Anh từng bị nghệ sĩ Việt Hương chỉ trích thẳng thắn về việc biến mất khi đã đến giờ ghi hình, gọi 78 cuộc điện thoại mà không bắt máy khi toàn bộ ê-kíp mỏi mòn chờ đợi suốt hàng giờ đồng hồ. Huỳnh Anh sau đó nêu đủ lý do, từ phải nhập viện cho đến mất điện thoại… nhưng khó thể thuyết phục được ê-kíp và khán giả.
Sự việc lần này tái lại, chẳng khác nào Huỳnh Anh đang tự đập lại chính những lời xin lỗi của mình, sự châm chước của khán giả, đồng nghiệp. Một cá nhân không tôn trọng đồng nghiệp, tập thể và thiếu trung thực, liệu có nên được thông cảm?
|
Sau sự cố bùng show lần này, lời xin lỗi hồi năm 2018 của Huỳnh Anh trở thành một trò cười. Có lẽ sẽ lâu lắm, Huỳnh Anh mới có thể lấy lại được hình ảnh bởi hiện tại nhiều chương trình, nhà sản xuất đều không muốn làm việc với một người thiếu chuyên nghiệp như anh. |
Huỳnh Anh không phải là trường hợp cá biệt trong làng giải trí khi bùng show không phản hồi, rút vai qua tin nhắn, bỏ về do không được tiếp đón, không tham gia tổng duyệt… Như trường hợp hủy show của Noo Phước Thịnh hồi năm 2017 chỉ vì poster in hình anh nhỏ hơn ca sĩ Đông Nhi khiến ban tổ chức trở tay không kịp, hay Minh Tú, Hoàng Thùy, Lan Khuê thì đến trễ họp báo The Face 2017 khiến giám khảo người Thái Lan đợi suốt 2 tiếng đồng hồ.
|
Đến trễ họp báo The Face 2017, cả 3 huấn luyện viên người Việt không chỉ khiến người khác chờ đợi mà còn mất điểm trong mắt giám khảo khách mời người Thái. |
Đêm chung kết một chương trình, Đông Nhi khiến cả ê-kíp ghi hình một phen hoảng hốt vì chương trình lên sóng trực tiếp được 10 phút, cô mới xuất hiện. Trước đó không lâu, diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã bức xúc lên tiếng trước việc Kỳ Duyên, Diễm My 9X, Angela Phương Trinh đi trễ, khiến một show diễn phải chờ: “Nhìn mấy em dẹo dẹo ưỡn ờ lướt vô chương trình đã bắt đầu thì tôi không thể nào chịu đựng được nữa”.
Một trong những lý do thường được các sao Việt đưa ra mỗi khi đến trễ là kẹt xe, trễ máy bay, bận việc đột xuất, nhập viện… Bên cạnh những lý do đột ngột ập đến thì việc cố tình đến muộn của các sao để chứng tỏ đẳng cấp, để được chú ý không phải là không có. Một trong những quy tắc “ngầm” của giới giải trí, tùy thuộc vào vị trí, tầm quan trọng của mỗi nhân vật tại sự kiện mà giờ xuất hiện của họ sẽ có sự khác biệt. Nhà tổ chức thường "ém" ngôi sao khách mời quan trọng về cuối nhằm giữ khán giả và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khó nhằn của họ để phục vụ chương trình.
|
Cố tình xuất hiện muộn để gây chú ý, thể hiện đẳng cấp là căn bệnh khó bỏ của nhiều sao trẻ. Angela Phương Trinh là một trong những sao trẻ dính phốt này khá nặng. |
Các nhân vật phụ, những người nổi tiếng ít quan trọng hơn sẽ đến trước. Chỉ khi nhân vật quan trọng xuất hiện, chương trình mới được bắt đầu. Điều này đã dẫn đến tình trạng các sao cố tình đến muộn sự kiện để làm vedette hay đặt nhiều yêu sách để chứng tỏ đẳng cấp, dần trở thành thói quen như Minh Tú, Lan Khuê, hay Angela Phương Trinh, Kỳ Duyên.
Một trong những câu chuyện buồn cười nhất là tại show diễn của NTK Đỗ Mạnh Cường, Angela Phương Trinh đến trễ 30 phút và phải nhờ ban tổ chức hỗ trợ tìm chỗ ngồi. Lời giải thích cho sự đến trễ này là thời tiết xấu nên bị trễ hai tiếng. Tuy nhiên, nghệ sĩ múa Linh Nga - người bay cùng chuyến với Phương Trinh - vẫn kịp có mặt trước giờ show diễn ra.
Ai chịu thiệt?
Bà Bích Liên, nhà sản xuất nhiều chương trình truyền hình và phim ảnh Sóng Vàng cho biết, việc các ngôi sao đi trễ gần như là "chuyện thường ngày ở huyện". Việc ngôi sao đến muộn 5, 10 phút, thậm chí 30 phút đến một tiếng đồng hồ vẫn thường xảy ra. Cách nhìn của bà vẫn thiên về bao dung, châm chước vì "ai đương thời cũng bận rộn, mình phải thông cảm với họ".
Tuy nhiên, sự thông cảm ở đây không đồng nghĩa với việc người nổi tiếng muốn gì cũng được đáp ứng, bắt chờ bao lâu cũng được chấp nhận. Thông thường, các nghệ sĩ đến muộn vì lý do bất khả kháng đều gọi điện thông báo lý do.
|
Đông Nhi - Ông Cao Thắng đến trễ buổi ghi hình trực tiếp đêm chung kết The Voice Kids mùa 3 khiến ban tổ chức phải bắt đầu mà không có hai huấn luyện viên trên hàng ghế. |
Bà Bích Liên cho biết bà không ngần ngại việc nhắc nhở thẳng thắn các ngôi sao. Với những ngôi sao không có hướng khắc phục, ảnh hưởng đến ê-kíp thì bà chọn cách dừng hợp tác, cho dù ngôi sao đó có hot đến đâu: "Vai trò của nhà tổ chức rất quan trọng. Phải nhắc nhở thái độ của các ngôi sao, đặc biệt là các ngôi sao trẻ vì việc đến muộn, bùng show ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của họ. Ngôi sao thu hút khán giả nhưng làm nên thành công của chương trình còn rất nhiều cá nhân khác. Mọi người đều cần được tôn trọng, không thể vì làm việc với những người chưa nổi tiếng, hoặc đã qua thời rồi bắt họ chờ đợi một ngôi sao".
Đồng tình với ý kiến này, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nhấn mạnh, tiêu chí đầu tiên khi anh chọn hợp tác với một diễn viên chính là tính kỷ luật và sự trung thực. Anh cũng nói thêm rằng, những câu chuyện nảy sinh đột ngột như trường hợp diễn viên bỏ vai không chỉ khiến cả ê-kíp phải đợi, ảnh hưởng đến tiến độ công việc mà còn khiến chi phí sản xuất đội lên rất nhiều.
|
Andrea từng phải bồi thường hơn 100 triệu đồng vì tự ý bỏ về khi đang quay quảng cáo cho nhãn hàng. |
Bà Liên chia sẻ, có lẽ bà may mắn hơn khi không gặp phải trường hợp bùng show khiến chi phí sản xuất phải đội lên. Tuy nhiên, bà cũng cho biết: "Chúng ta vẫn làm việc theo phương thức của người Á Đông nên trong các câu chuyện, chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở. Cùng lắm thì chọn cách không hợp tác nữa mà thôi". Đây cũng là cách mà hầu hết các đoàn phim, nhà sản xuất, tổ chức chương trình chọn hướng giải quyết, như trường hợp vừa rồi của diễn viên Huỳnh Anh.
Cõ lẽ, vì cách giải quyết còn quá "nương nhẹ" này mà "văn hoá" đi trễ, bùng show đã trở thành căn bệnh trầm kha trong showbiz Việt.
Tại Hàn Quốc, tính chuyên nghiệp của các ngôi sao được thể hiện qua việc đúng giờ và thái độ làm việc chuyên nghiệp, tôn trọng tiền bối. Một ngôi sao đến trễ vì lý do không chính đáng dễ dàng có nguy cơ tiêu tùng sự nghiệp vì sự quay lưng của nhà tổ chức, khán giả và báo chí. Năm 2011, khi Sulli đến trễ buổi họp báo 40 phút, cánh phóng viên đã hoàn toàn ngó lơ cô để tập trung vào các khách mời khác.
Tại Hollywood, dù đẳng cấp đến đâu, ngôi sao hoàn toàn có thể bị đuổi thẳng khỏi sự kiện nếu có thái độ thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng chương trình. Nữ ca sĩ Katy Perry từng bị khán giả la ó phản đối và đuổi xuống sân khấu khi xuất hiện muộn tận 50 phút tại một show diễn ở tuần lễ thời trang Milan. Miranda Kerr bị tài xế đưa đến nhầm sự kiện, trễ hẹn với ban tổ chức show Louis Vuitton và đành ngậm ngùi ra xe về lại nhà.
Điều này chứng tỏ, ngoài ý thức của ngôi sao thì nhà tổ chức, khán giả và báo chí cần có thái độ cứng rắn và dứt khoát để răn đe căn bệnh ngôi sao của người nổi tiếng.
|
Đại Ngọc