Sao trẻ con lại ác như vậy?

01/04/2019 - 15:00

PNO - Có rất nhiều người lớn không thể xem hết clip những đứa trẻ xúm vào đánh một bạn học tại Hưng Yên vừa qua. Nhiều người sợ hãi và dù tưởng như sự việc đã cũ, nhưng nó khiến cả xã hội phải rùng mình ghê sợ.

Khi xem clip đó, có ba câu hỏi xuất hiện trong đầu mọi người: vì sao chúng có thể ác đến vậy? Vì sao cô bé đó lại bất lực đến vậy, chỉ biết gào khóc, che chắn mà không đủ can đảm phản ứng, ngăn chặn ngay từ đầu (bởi thật sự có một kinh nghiệm rõ ràng là ngay cả với những con thú, nếu bạn biết lượm gậy gộc, gạch đá uy hiếp lại nó, nó sẽ phần nào chùn bước)? Và vì sao những đứa trẻ khác, khán giả và tác giả của clip này lại có thể bình thản đứng xem, quay hình, cười reo cổ vũ mọi chuyện như vậy?

Sao tre con lai ac nhu vay?
 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ từ nhiều trường hợp bạo lực học đường điển hình, đa số trẻ có hành động bạo lực đều là con em của gia đình có vấn đề về bạo lực; trẻ từng bị đánh đập, từng nhìn thấy cha mẹ, người thân có hành động bạo lực với nhau; trẻ em không được quan tâm, chăm sóc và yêu thương. Ngay cả những đứa trẻ bị bạo lực mà không có khả năng tự bảo vệ, phản kháng cũng thường là những đứa trẻ sống trong gia đình có vấn đề, không được quan tâm, chăm sóc, yêu thương...

Tại sao chưa có nhà khoa học tâm lý nào của Việt Nam nghiên cứu về vấn nạn bạo lực học đường đang hết sức báo động hiện nay? Mỗi khi có những vụ việc xảy ra, dư luận chỉ ồn ào lên một thời gian rồi tất cả chìm vào quên lãng cho đến khi… một vụ việc mới xảy ra. 

Sao tre con lai ac nhu vay?
 

Khi chưa có nghiên cứu khoa học và cách xử lý của các cơ quan chức năng cũng "cầm chừng", thì người làm cha mẹ hãy tự phân tích vấn đề để có thể bảo vệ con mình; làm sao cho con sau này ra đời là những người có lòng nhân, không giẫm đạp lên người khác. Bởi những đứa trẻ đó, nay trong độ tuổi vị thành niên đã đánh bạn học thì mai này, con đường đến việc thực hiện những tội ác tày trời sẽ chẳng bao xa.

Từ kết luận của những nhà khoa học tâm lý người Mỹ, từ thực tế xung quanh ta, có một điều chỉ gia đình mới làm được: hãy cho con em mình nhiều hơn nữa tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc. Những bài học kỹ năng như: dạy trẻ nhận biết các dấu hiệu của bạo lực; kỹ năng làm chủ, ứng phó với bạo lực; kỹ năng kiềm chế, kiểm soát cảm xúc… đều chỉ có thể thực hiện và có tác dụng khi trẻ được cha mẹ quan tâm và yêu thương.

Vì sao một bé gái bị đánh nhiều lần, bị đánh đến bầm tím mặt mà suốt tuần lễ gia đình không hay biết? Có thể hình dung sự cô đơn của bé gái trong nỗi sợ hãi bị bắt nạt đến cùng cực. Những giọt nước mắt của người cậu khi xem video ấy thật sự quá muộn màng. Những vết thương xuất phát từ sự tàn ác của bạn bè sẽ còn lại mãi trong cuộc đời cô bé. Còn những đứa trẻ trực tiếp đánh đập người khác hay đứng xem, quay video, cổ vũ kia, chắc chắn sẽ không thể ác đến thế nếu trong nhà mình, chúng được yêu thương, được dạy dỗ yêu con chó, con mèo, bông hoa, anh chị em và cha mẹ. 

Giờ đây, người xót thương cô bé bị đánh đập, người phẫn nộ chửi bới những đứa trẻ ác độc, bạn bè, thầy cô vô cảm và yêu cầu xử lý đích đáng. Thế nhưng, có ai hiểu rằng những gì mọi người đang cảm nhận và yêu cầu chỉ là phần hời hợt nhất của việc giải quyết vấn nạn bạo lực học đường. 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI