Sao trách người trẻ thờ ơ với văn hóa truyền thống?

27/01/2019 - 11:39

PNO - Đó là vấn đề mà nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đặt ra khi khơi lại những giá trị của nhiều loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian trong đời sống, lễ hội nay không còn phổ biến.

Trong dịp ra mắt quyển sách vào đầu năm mới 2019 có tên gọi Sài Gòn - Gia Định: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng không chỉ mang đến những tư liệu quý để người đọc có thể tìm hiểu thêm về các loại hình văn hóa dân gian từng rất thịnh hành trong lễ hội mà điều ông quan tâm là câu chuyện xung quanh việc gìn giữ các giá trị này

Sao trach nguoi tre tho o voi van hoa truyen thong?
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ trong buổi ra mắt sách vào ngày 26/1 tại TP.HCM
Sao trach nguoi tre tho o voi van hoa truyen thong?
Hai quyển sách của ông ra mắt trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Theo nhà nghiên cứu, 2 trong những đặc điểm cơ bản của văn hóa là luôn luôn thay đổi và đi lên một tầm mới. Vì thế, việc giá trị của chúng dần thay đổi cũng là điều hiển nhiên mà chúng ta phải chấp nhận. Các loại hình diễn xướng dân gian như: hò, lý, vè, múa bóng rỗi, sắc bùa, nói thơ, nói tuồng... từng rất thịnh hành, phát triển trong quá khứ nhưng nay dần phai nhạt là quy luật phát triển tất yếu khi điều kiện lao động, xã hội thay đổi.

“Sự ra đời và mất đi của một loại hình nghệ thuật là hiển nhiên. Một cái mất đi thì cái khác sẽ hình thành. Trong lịch sử luôn có tâm lý hoài niệm quá khứ, cái nào mất đi sẽ nhớ, luyến tiếc. Tâm lý này phổ biến trong nhiều nền văn hóa”, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng cho biết. Không thể vì sự tiếc nuối này mà mang tâm lý trách cứ bởi có nhiều nguyên nhân cộng lại để quyết định sự tồn vong của những giá trị văn hóa.

Hò, hát, lý, vè... từng sống và tồn tại, có giá trị rất lớn khi lao động nông nghiệp phát triển, người dân sử dụng trong việc giao lưu, tỏ tình... Nhưng khi hình thái lao động, quan niệm, thẩm mỹ, xã hội thay đổi thì chúng sẽ dần thay đổi theo hoặc mất đi. Cái gì không còn hợp thời nữa sẽ bị thay thế dần. Theo nhà nghiên cứu, những yếu tố văn hóa này là “chiếc vé một chiều”, chỉ có thể đi mà không thể quay trở lại.

Sao trach nguoi tre tho o voi van hoa truyen thong?
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, những loại hình nghệ thuật ra đời và mất đi là sự vận động theo quy luật tự nhiên, khó tránh khỏi.

Ông lấy ví dụ như sử thi ở Tây Nguyên chỉ còn được nhắc đến với những tác phẩm nổi tiếng chứ không thể phục hồi như xưa nữa. Hay như nghệ thuật hát ru đang đứng trước bờ vực mất dấu là hệ quả của việc xây dựng những gia đình hiện đại chỉ có 2 thế hệ hoặc thậm chí gia đình có bố, mẹ đơn thân, trong khi đó loại hình này vốn được lưu truyền và giữ gìn tốt thông qua cơ chế gia đình nhiều thế hệ.

Bên cạnh đó, việc quy chụp tư tưởng cho các loại hình nghệ thuật dân gian này cũng khiến chúng khó lòng tồn tại. Nhà nghiên cứu chỉ ra ví dụ tiêu biểu nhất với đồng dao. “Đồng dao đúng chất là vô nghĩa, là cái để trẻ con chơi đùa với nhau, không liên quan gì đến những giá trị sống cả. Nhưng những người làm giáo dục lại lấy đồng dao để dạy vệ sinh, lòng yêu nước... Những nỗ lực đi tìm ý nghĩa của đồng dao là vô ích. Khi người lớn bắt đầu đưa định kiến, thiết chế xã hội vào sẽ khiến chúng nặng nề, mất đi chức năng vốn có. Nếu muốn xây dựng một thế hệ trẻ có đầu óc cởi mở, mở mang với thế giới bên ngoài thì phải để chúng được sống với những giá trị đúng về chúng”, ông nói.

Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng từ việc giao lưu văn hóa bên ngoài cũng sẽ tạo nên những hình thức nghệ thuật mới, điển hình như sự ra đời, phát triển của cải lương thay thế dần cho hát bội. Ở mỗi thời kỳ sẽ có những loại hình nghệ thuật đặc trưng, mang tiếng nói của thời đại đó. Vì thế, chúng ta cũng khó thể cưỡng cầu khi những cái cũ dần bị lãng quên.

Sao trach nguoi tre tho o voi van hoa truyen thong?
 
Sao trach nguoi tre tho o voi van hoa truyen thong?
Nhiều độc giả thuộc nhiều lứa tuổi nghe và trao đổi với nhà nghiên cứu về những vấn đề liên quan văn hóa truyền thống, ngày tết trong buổi ra mắt sách.

Thay vì việc trách móc thế hệ trẻ làm mai một văn hóa truyền thống, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng đã đến lúc cần nhìn lại một cách thấu đáo hơn vấn đề này. “Giáo dục dạy từ bậc phổ thông trở lên, chúng ta dạy văn học dân gian bằng ngôn từ chứ không phải nghệ thuật nên hầu như người trẻ sau này không hiểu, không cảm, không biết được. Một sinh viên tốt nghiệp ngành văn học, sử học không thể xem được hát bội và cũng không hiểu đó là gì. Chúng ta cứ lớn tiếng nói rằng người trẻ xa rời truyền thống, không tha thiết với cội nguồn. Nhưng hãy nhìn lại, chúng ta có đào tạo họ không mà đòi hỏi như vậy?”, ông đặt vấn đề. 

Những loại hình văn hóa, diễn xướng dân gian là những giá trị ở hiện tại cần được bảo tồn. Nỗ lực giữ gìn chúng thông qua các hội diễn, hội thi là điều đáng trân trọng nhưng cần phải nhìn vào thực tế là khó thể phục hồi trở lại như thời hoàng kim. Việc làm này cũng cần sự chung tay của cả cộng đồng chứ không phải là nhiệm vụ riêng của thế hệ trẻ. “Chúng ta nỗ lực giữ lại thì phải có hệ thống, có kế hoạch bài bản. Đầu tiên, chúng ta phải hiểu mới làm đúng được”, nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

Sao trach nguoi tre tho o voi van hoa truyen thong?
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng ký tặng sách.

Trong quyển sách Sài Gòn Gia Định: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giới thiệu đến độc giả nhiều thông tin thú vị liên quan đến các loại hình nghệ thuật truyền thống và sức sống của chúng trong quá khứ, thông qua những lễ hội như: các hình thức diễn xướng tự sự dân gian ở Gia Định Sài Gòn, hát sắc bùa chúc tết, diễn xướng nghi lễ trong lễ hội cúng miễu ở Sài Gòn Gia Định, các hình thức múa lốt...

Quá trình ra đời tác phẩm này cũng khá gian nan khi tài liệu ghi chép lại không nhiều. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã phải đi đến nhiều nơi để được nghe chia sẻ. Quan trọng hơn hết, người viết phải hiểu được tính chất của lễ hội và vai trò của các loại hình diễn xướng mới mang đến được cái nhìn thấu đáo nhất có thể. 

Đồng thời, trong dịp này, ông cũng giới thiệu đến độc giả quyển sách Khảo luận về Tết với nhiều vấn đề mang tính văn hóa, thời sự luôn được quan tâm như: sự khác biệt tết xưa tết nay, những yếu tố ảnh hưởng, chi phối tết, phong tục, tập quán, lễ hội ngày tết đứng trước thách thức của nhịp sống hiện đại...

Tin, ảnh: Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI