"Sao thành phố Thủ Đức lại là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện?"

06/10/2020 - 19:14

PNO - Cử tri quận Thủ Đức hào hứng trước thông tin được lên thành phố. Nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc, như vì sao thành phố Thủ Đức lại là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện?

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ông Trần Mạnh Hoan (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) bày tỏ sự băn khoăn về đơn vị hành chính của thành phố Thủ Đức. Ông cho biết, khi tiếp cận một số chi tiết thuộc đề án thành lập thành phố mới, sáp nhập từ 3 quận: Thủ Đức, 2 và 9 này, ông không khỏi ngạc nhiên với chi tiết: "Đơn vị hành chính (cấp huyện) mới lấy tên thành phố Thủ Đức".

“Theo tôi, thành phố Thủ Đức phải là đơn vị hành chính cấp thành phố mới đúng”, ông Trần Mạnh Hoan nói.

Cử tri Trần Mạnh Hoan cũng cho rằng khi lên thành phố, đất đai ở các quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 sẽ rất biến động; do đó, phải xây dựng một chính quyền tốt để người dân tin tưởng vào một thành phố mới. Những khiếu nại, bức xúc của người dân nên được lắng nghe, được giải quyết để tránh khi hình thành một thành phố mới, vẫn còn tình trạng dân đi kiện cáo.

Cử tri Trần Mạnh Hoan, phường Linh Xuân, Thủ Đức
Cử tri Trần Mạnh Hoan bày tỏ băn khoăn về đơn vị hành chính của thành phố Thủ Đức

Cử tri Trần Việt Trung (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) cũng cho rằng, TPHCM nên chuẩn bị những con người mới, đủ kỹ năng, đủ trình độ quản lý đô thị thông minh để sau khi thành lập, thành phố mới sẽ phát triển năng động, chủ động, chuẩn mực về quy hoạch đô thị, về chất lượng sống. Cử tri này nhấn mạnh: “Bao nhiêu năm qua, chúng ta đã phải kỷ luật nhiều cán bộ, toàn cán bộ lớn; do đó, khi thành phố Thủ Đức thành lập, vấn đề con người là cơ bản”.

Các đại biểu Quốc hội cũng lắng nghe ý kiến của người dân Thủ Đức bày tỏ nỗi bức xúc về tình trạng kẹt xe, ngập nước, tai nạn xe, quy hoạch treo, lừa đảo bán hàng đa cấp, tình trạng cấp giấy chứng nhận nhà đất ở khu dân cư Sông Đà...

Đường 38, phường Hiệp Bình Chánh dễ dàng ngập nước chỉ sau một cơn mưa rất nhẹ. Người dân mong các vấn đề tồn tại ở Thủ Đức sớm được giải quyết trước khi lên thành phố Thủ Đức
Đường 38, phường Hiệp Bình Chánh ngập nước chỉ sau một cơn mưa nhỏ. Người dân mong các vấn đề tồn tại ở quận Thủ Đức sớm được giải quyết trước khi lên thành phố Thủ Đức

Thực tế, tại khoản 2, Điều 2, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: "Đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương quy định". Tuy vậy, đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến của cử tri. "Hiện tại, UBND TPHCM đang tiếp tục hoàn thiện đề án này, vẫn tiếp tục tiếp thu ý kiến của cử tri, của các sở bộ ngành và từ Chính phủ”- ông nói. 

Chia sẻ thêm về đơn vị hành chánh của thành phố Thủ Đức (tên gọi tạm thời) trong tương lai, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho biết: “Việc thành lập thành phố Thủ Đức không phải là trở lại thành một huyện như trước khi chia tách vào năm 1997. Sau một chặng đường, từng quận đã có những định hướng phát triển riêng, có những ưu điểm riêng. Quận Thủ Đức nằm trong vùng kinh tế trọng điểm gắn liền với Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng có lẽ đến giờ này, vai trò chưa thể hiện rõ". 

Sáng mai, 7/10, đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục tiếp xúc cử tri quận 2.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI