Khách mời đến từ các ngành thương mại, tài chính, doanh nhân, khởi nghiệp, kỹ thuật, báo chí, nghệ thuật, sức khỏe, giáo dục, đại diện chính phủ, NGO đến từ Việt Nam và Anh quốc.
Các quan khách được giới thiệu về hành trình của Việt Nam trong ba mươi năm qua, với sự góp mặt của phụ nữ trong xã hội, thương mại và doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo cao cấp và các doanh nhân gặp gỡ, trao đổi, để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam và phát triển từ hai nước.
|
Luật sư Phạm Bảo Hà |
Chủ tịch hội, luật sư Phạm Bảo Hà, giới thiệu mục đích của buổi hội thảo. Với lối dẫn chuyện súc tích, rành mạch, dí dỏm, chị đã tạo được sự hấp dẫn cho các quan khách đến từ nhiều quốc gia.
Các dẫn chứng và con số chị đưa ra là những quan sát khá thú vị. Phát triển GDP tại Việt Nam hằng năm là 7,1%. Số lượng nữ giới đóng góp vào lực lượng lao động của cả nước là 73%, là một trong những nước cao nhất thế giới. Tại Việt Nam, phụ nữ góp 40% vào sự thịnh vượng của đất nước, và họ có khát khao mãnh liệt trong việc tiên phong làm kinh tế: cứ một doanh nhân khởi nghiệp là nam giới thì con số này sẽ là 1,4 ở nữ giới.
Quan sát cho thấy, nếu phụ nữ nắm giữ kinh tế gia đình, thì hộ đó ít bị đói nghèo hơn so với nam giới. Biểu tượng Rosie the Riveter từ thế chiến thứ hai hình như vẫn còn được duy trì ở Việt Nam. Khi nam giới phải hy sinh trong chiến tranh, phụ nữ đã ra tay lấp đầy khoảng trống trong các ngành nghề mặc định dành cho nam giới.
Tại Việt Nam, trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986, phụ nữ đã và đang có mặt trong nhiều lĩnh vực xã hội, dẫn đầu nền kinh tế nước nhà. Điển hình là bốn gương mặt: bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc công ty Vinamilk, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, công ty Vietjet Air, bà Cao Thị Ngọc Dung, công ty PNJ và bà Nguyễn Thị Mai Thanh, công ty REE.
Khách mời còn bị lôi cuốn bởi cuộc trò chuyện của ba vị khách mời: biên tập viên thương mại của báo Guardian - bà Deborah Hargreaves; cô Irene Ohler - sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 2012, đồng tác giả của cuốn sách đạt giải thưởng Ba Trieu's 21st Century Daughters: Stories of Remarkable Vietnamese Women; chị Nguyễn Thu Thảo (Thảo Griffiths) - chuyên viên tư vấn chính sách của phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
|
Irene Ohler, Deborah Hargreaves và chị Nguyễn Thu Thảo - Ảnh: Linh Phạm |
Câu chuyện của những người phụ nữ thành đạt bao giờ cũng đậm hình ảnh gia đình. Chị Nguyễn Thu Thảo, xuất thân từ gia đình có cha mẹ là nhà giáo, lớn lên từ vùng đất Hà Giang xa xôi và đã đặt chân đến nước Mỹ với học bổng Fulbright. Ở tuổi hai mươi, chị đã là giám đốc toàn quốc của Hội Cựu chiến binh, một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ. Đóng góp của chị đã góp phần thay đổi nhiều chính sách của Mỹ về Việt Nam và đã được giới thiệu trong các bộ phim tài liệu của báo New York Times.
Không chỉ chia sẻ về hành trình đi đến thành công của mình, chị còn khiến khán giả ngưỡng mộ khi định nghĩa về sự giàu có. Với chị, tiền bạc và vật chất không phải là mục tiêu để chị hướng đến trong công việc, mà đó chính là những đóng góp của mình cho sự phát triển của cộng đồng và đất nước.
Chị cười tít mắt kể lại lúc con chị thốt lên: “Mẹ ơi, con thấy mẹ thật giàu có!”, và con chị định nghĩa sự giàu có chính là sự giáo dục và các trải nghiệm của chị, điều đó giúp chị có cuộc sống nhiều ý nghĩa như hôm nay. Chị cũng chia sẻ với khán giả việc theo đuổi công việc yêu thích của mình cùng lúc với việc chăm sóc hai con nhỏ. Chị không phủ nhận sự giúp đỡ của gia đình trong việc nuôi các con khôn lớn. Hạnh phúc của chị là khi con gái bày tỏ: “Con muốn được làm công việc giống mẹ”. Chị xem đó là thành công của mình trong việc định hướng và truyền cảm hứng cho con.
Với cô Irene, trong quá trình lấy thông tin cho cuốn sách của mình, cô đã gặp gỡ và trò chuyện với nhiều phụ nữ Việt Nam. Họ đã giúp cô rút ra kết luận: bí quyết cho những thành quả họ đạt được chính là cảm giác không biết sợ (fearless).
Đây cũng là từ được cả cô Irene và chị Thu Thảo nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong buổi nói chuyện. Cô Irene làm cả khán phòng phá lên cười, khi cô thắc mắc không hiểu tại sao đa phần phụ nữ Việt Nam đều có thể đóng nhiều vai trò cùng một lúc: vợ đảm, mẹ hiền, dâu thảo, xuất sắc trong công việc và luôn xinh đẹp mọi lúc mọi nơi.
Mới đây, Irene đã thành lập công ty tư vấn LightPath Leadership tại TP.HCM, với mục tiêu khai sáng khả năng lãnh đạo và nuôi dưỡng tài năng trong mỗi cá nhân.
Buổi nói chuyện còn có sự tham dự của đại sứ Việt Nam tại Anh quốc, Trần Ngọc An và ông Warwick Morris, cựu đại sứ Anh tại Việt Nam. Hai ông hiện đang là thành viên tích cực, đóng góp rất nhiều vào hoạt động của Hiệp hội kết nối Việt Nam - Anh quốc (Vietnam - UK Networking).
Phan Quỳnh Dao (London)