Sao phải ví mình là người khác?

08/09/2020 - 10:41

PNO - Sao phải ví phim "Ròm" là "Ký sinh trùng của Việt Nam", đảo Phú Quốc là "Jeju của Việt Nam" mà không gọi hẳn những cái tên thuần Việt?

Bộ phim điện ảnh Ròm (đạo diễn Trần Thanh Huy) vừa được trao giải Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất (Best First Feature) tại Liên hoan phim Quốc tế Fantasia lần thứ 24 (Canada). 

Một năm trước, bộ phim này cũng được trao giải New Currents - giải cao nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019. Ròm chưa chính thức ra mắt, nhưng liên tiếp gặt hái những giải thưởng quốc tế khiến bộ phim nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn lẫn công chúng trong nước. Theo thông tin mới nhất, Ròm sẽ chính thức được khởi chiếu từ ngày 25/9.

Ròm chính thức được công chiếu vào ngày 25/9
Ròm chính thức được công chiếu vào ngày 25/9

Đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ, nội dung phim là về những đứa trẻ mưu sinh trên đường phố, có lẽ vì thế, Ròm được không ít người gọi là "Ký sinh trùng" của Việt Nam. Một tờ báo mới đây khi đăng tin đoạt giải của phim Ròm, cũng không ngần ngại đặt tít: "Ký sinh trùng" của Việt Nam được giải phim quốc tế thứ hai.

Ký sinh trùng (đạo diễn Bong Joon-ho) là bộ phim điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc, đã được trao giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2019 và là phim châu Á đầu tiên được trao giải Oscar. Ví Ròm như Ký sinh trùng chẳng khác nào tự hạ mình xuống bên cạnh một cái bóng quá lớn, trong khi tự thân cái tên Ròm cũng hoàn toàn đủ sức lan tỏa cả trong và ngoài nước.

Những ai yêu điện ảnh đều ít nhiều biết đến Ròm, cũng như hành trình của đạo diễn Trần Thanh Huy khi bắt đầu dự án. Huống hồ, nội dung và mục đích chuyển tải thông điệp, giá trị của hai bộ phim là khác nhau, với bối cảnh, phông nền văn hóa, bản sắc cũng rất khác nhau.

Hà cớ gì, Ròm không là chính Ròm mà phải ví là Ký sinh trùng?

Sao phải ví Ròm như Ký sinh trùng?
Sao phải ví Ròm là Ký sinh trùng?

Mới đây, fan Việt cũng vô cùng bức xúc khi Chi Pu bị gọi là "Dương Mịch phiên bản Việt". Trước đó, Chi Pu còn bị so sánh là "Kim Tae Hee của Việt Nam". Hay Bảo Anh từng được gọi là "Staylor Swift của Việt Nam". Chẳng ai muốn mình là bản sao của kẻ khác - trừ khi cố ý khiến bản thân giống một ai khác để nổi tiếng nhanh.

Nếu cứ được xem là một phiên bản, thì mãi mãi sẽ là một phiên bản trong mắt người khác mà thôi. Vậy nhưng không hiểu sao, nhiều người vẫn thích so sánh, ví von nghệ sĩ/danh thắng của Việt Nam với những tên tuổi/địa điểm nổi tiếng của các nước khác rồi gắn thêm sở hữu "của Việt Nam" vào đó. Sao phải vậy? Một sự "nương nhờ" vào những cái bóng lớn hay là thiếu tự tin vào những giá trị của chính mình?

Bãi Dài - Phú Quốc. Ảnh: vntrip
Bãi Dài - Phú Quốc. Ảnh: vntrip

Khi Bãi Dài (Phú Quốc) được Hãng tin ABC News (Australia) bình chọn là bãi biển xinh đẹp và hoang sơ số 1 thế giới, ngay lập tức, đảo Phú Quốc được so sánh với vẻ đẹp của đảo Jeju (Hàn Quốc) và được là "Jeju của Việt Nam". Hoặc những danh thắng Việt có vẻ đẹp tự nhiên tương đồng với nhiều địa điểm khác trên thế giới cũng được so sánh ngay. "Giá trị so sánh" ấy như thể được xem là tiêu chí góp thêm sức thu hút, hấp dẫn quảng bá du lịch.

Nói về danh lam thắng cảnh, Việt Nam không thua kém gì nhiều quốc gia trên thế giới. Vẻ đẹp ấn tượng, đặc trưng, khác biệt đã được công nhận không chỉ bởi du khách quốc tế mà còn qua nhiều cuộc bình chọn, tôn vinh giải thưởng từ các báo/tạp chí/hãng tin/truyền hình nước ngoài. Thế thì bất luận là nơi nào, hãy cứ gọi đúng tên của địa danh nơi đó. Không cần phải là "tiểu sa mạc Sahara" (cách gọi Bàu Trắng, Bình Thuận), "Pattaya của Việt Nam" (cách gọi TP Vũng Tàu), "Singapore của Việt Nam" (một trong những cách gọi dành cho Đà Nẵng), "Dubai phiên bản Việt" (một điểm du lịch ở Đăk Lăk)...

Những danh thắng đẹp của Việt Nam, hãy cứ gọi đích danh. Ảnh - T.Q
Những danh thắng đẹp của Việt Nam, hãy cứ gọi đích danh. Ảnh: T.Q

Showbiz đã đầy ắp những cái tên "Tây hóa", nhạc Việt ngày càng nhiều bài hát có tựa đề tiếng Anh, thời trang của đại bộ phận giới trẻ ảnh hưởng nhiều từ phim ảnh Hàn Quốc... giờ còn thêm những "phiên bản" thế giới xuất hiện trong những ví von, so sánh từ lĩnh vực này đến lĩnh vực khác.

Đặt vấn đề về "bản sắc Việt" thì nghe to tát, nhưng chỉ đơn giản một câu hỏi: Sao cứ thích ví mình giống như kẻ khác? Rồi cuối cùng mình là ai - trong khi mỗi người/vật/hiện tượng đều mang những giá trị/biểu tượng/hình thái/bản chất... rất riêng. Chính cái riêng đó làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng/quốc gia/dân tộc.

Cái gì là giá trị của mình, hãy gọi đúng đích danh. Đừng ví von hay nương nhờ biểu tượng của ai khác, chẳng khác nào tự che mờ/tự phủ nhận giá trị của chính mình. 

Lục Diệp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI