Sao phải thi vậy mẹ?

06/08/2020 - 08:59

PNO - Đạo học vận hành bằng sự chuyển hóa bên trong của người học chứ không đơn thuần được đo bằng thang đo duy nhất của một kỳ thi.

Con đường đến trường không xa. Ngày hai bận tôi đưa rước con trai trong sự tất bật của cuộc sống thường nhật. Sự bận rộn đôi khi tạo nên khoảng trống trong tâm hồn. Những lúc như thế, tôi vô lo, vô nghĩ. 

Hôm nay có chút khác biệt. Tôi chở con đi thi. Câu chuyện của hai mẹ con trên đoạn đường từ nhà đến trường xoay quanh hai chữ này. Con trai hỏi tôi: “Sao phải thi vậy mẹ?”. “Ngày xưa học mẹ có thi không?”. “Mẹ thi được bao nhiêu điểm?”. “Nếu con thi điểm thấp thì sao mẹ?”. “Con thi điểm cao có được thưởng không?”…

Tôi lần lượt trả lời các câu hỏi của con, có chút bồi hồi, vì những câu hỏi ấy gợi tôi nhớ những mùa thi trong đời mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi đã sống 36 năm, có tổng cộng 20 năm đi học và đi thi, 14 năm chứng kiến các học trò của mình làm điều tương tự. Cho nên, chuyện thi cử, với tôi là câu chuyện của ký ức, hiện tại và cả tương lai sau này. Mùa thi từ xưa đến nay - tính theo hành trình sống của tôi - thường diễn ra cuối hạ. Trong cái oi ả của nắng và sự ẩm ướt của mưa hè, ve kêu ran trên những tán cây và phượng đỏ rực những khoảng trời. Học trò đi thi giữa mùa hoa phượng nở. Đẹp đến nao lòng.

Tôi nhớ bản thân đã từng thi chuyển cấp ba lần: từ lớp Năm lên lớp Sáu, từ lớp Chín lên lớp Mười, thi tốt nghiệp lớp 12 - gọi là thi tú tài và kỳ thi đại học. Mỗi lần thi, trang đời tôi lại ghi thêm những dòng ký ức khó mà quên được, bất chấp bụi thời gian là cây bút xóa nhiệm mầu.

Hồi đó, trước khi đi thi, tôi học bài nhiều lắm. Nhà trường đăng ký mua đề cương cho học sinh. Sau khi kết thúc năm học, học sinh sẽ ôn thi tại nhà, tự học với đề cương, việc đậu hay rớt phụ thuộc vào khả năng tự học của mỗi người. Tôi từng vắt vẻo học văn trên cây trứng cá trước nhà, hay đong đưa trên võng kẽo kẹt ê a bài địa, có khi miệt mài làm toán dưới ánh đèn dầu tận khuya. 

Tôi không biết ở những nơi khác ra sao, nhưng ở chỗ tôi, một xã nghèo thuộc diện 135 thì không có học thêm. Tôi cũng không có điều kiện để vùi đầu vào sách vở đêm ngày. Chuyện đi câu cá, hái rau bán kiếm tiền học, hay chuyện ra đồng làm cỏ, bắt ốc là bình thường. Có khi đem tập ra đồng học để ngủ canh lúa với cha.

Tôi luôn được dạy phải học cho giỏi để sau này không cực khổ như cha mẹ. Cha mẹ cũng không biết gì để dạy tôi cả. Việc học là của tôi, do tôi tự giải quyết lấy. Việc thi cử cũng vậy. Học giỏi thì bản thân được nhờ.

Tôi có ấn tượng nhất với lần thi đại học. Điểm thi đặt ở Cần Thơ. Với những người chưa từng ra khỏi lũy tre làng thì việc di chuyển 40km là một hành trình lớn. Đó là hành trình của người nhà quê đi thành phố. Cha dùng vỏ lãi chở tôi và mẹ ra chợ huyện rồi bắt xe đi Cần Thơ. Hai mẹ con đi sớm để còn tìm chỗ ở và quen đường đi nước bước.

Thời đó cũng chưa có sinh viên tình nguyện. Đối tượng duy nhất có thể giúp là các bác xe ôm. Ba ngày thi, tôi đi một xe, mẹ đi một xe, cứ vậy cho đến khi kỳ thi kết thúc. Khoản tiền cho việc đi thi khá nhiều. Cha mẹ tôi chắt chiu dành dụm cho con. Cũng vì vậy nên tôi lo lắng.

Trong cái lo có sự kỳ vọng lớn lao về tương lai. Những đứa con nhà nghèo càng quyết liệt tự dùi mài kinh sử để có thể đỗ đạt. Ai mà đậu năm đầu là tiếng lành đồn xa, trở thành tấm gương cho tụi em trong xóm phấn đấu noi theo, cha mẹ nở mặt nở mày với mọi người.

Sau này, việc thi cử cũng thay đổi. Cách ra đề cũng khác. Các em học sinh bây giờ có đầy đủ điều kiện học tập, sự chăm lo của xã hội dành cho các em cũng nhiều và chu đáo hơn. Tôi nói như vậy không có nghĩa là các em học sinh bây giờ không có áp lực khi đi thi. Các em vẫn được kỳ vọng sẽ tiến thân bằng con đường học vấn. Và nếu so với chúng tôi ngày xưa, sự kỳ vọng này còn lớn hơn theo mọi chiều kích.

Có nhiều em nhận thức rõ điều này thì ngày đêm miệt mài, cuộc sống gói gọn trong một chữ “học” suốt quãng đời học sinh. Cũng có em giống tôi ngày xưa, phải bươn chải để có thể duy trì việc học tập. Và cũng có không ít những em quay lưng lại với sách vở vì rất nhiều lý do. 

Sự ràng buộc giữa việc học và các kỳ thi, về bản chất là sự đánh giá quá trình học tập, ghi nhận những nỗ lực cố gắng và đánh dấu việc người học đủ khả năng học vấn giúp ích cho cuộc đời. Vì vậy, ký ức những mùa thi sẽ là những ký ức ngọt ngào nuôi lớn con người.

Đỗ một kỳ thi hay rớt một kỳ thi tuy quan trọng nhưng không có nghĩa là tất cả. Đạo học vận hành bằng sự chuyển hóa bên trong của người học chứ không đơn thuần được đo bằng thang đo duy nhất của một kỳ thi.

Nhìn nhận được như vậy, người học, người chăm lo cho người học sẽ nhìn kỳ thi như một trải nghiệm - có trải qua sẽ có nghiệm ra. Và từ đây, ý nghĩa và giá trị cuộc sống được hình thành. 

Hoàng Song Vinh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI