Sao phải kỳ vọng ở hoa hậu để rồi thất vọng?

30/07/2023 - 21:00

PNO - Những lùm xùm liên quan Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 một lần nữa khiến công chúng bàn về giá trị của danh xưng hoa hậu ở hiện tại.

Hoa hậu Ý Nhi liên tục vướng lùm xùm vì các phát ngôn gây tranh cãi sau 1 tuần đăng quang
Hoa hậu Ý Nhi liên tục vướng lùm xùm vì các phát ngôn gây tranh cãi sau 1 tuần đăng quang

Chỉ 1 tuần sau đăng quang, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi liên tục vướng lùm xùm vì phát ngôn. Một bộ phận công chúng không hài lòng cách người đẹp quá đề cao danh hiệu đạt được. Người đẹp đã lên tiếng xin lỗi vào chiều 29/7Cô gái 21 tuổi cần nhiều thời gian để trau dồi. Nhưng công chúng đang nghĩ gì mà phải ồn ào như vậy?

Trước đây, các cuộc thi hoa hậu được quản lý khá nghiêm, theo nghị định 79/2012/NĐ-CP, chỉ 2 cuộc thi cấp quốc gia được tổ chức 1 năm. Từng có thời điểm, cuộc thi hoa hậu được xem như một hoạt động văn hóa có ý nghĩa, quy mô lớn. 

Tuy nhiên, nghị định 144/2020/NĐ-CP đã “cởi trói” cho các cuộc thi này, đưa về quy luật thị trường. Hai năm qua, hàng chục cuộc thi lớn, nhỏ đã được tổ chức. Cuộc thi hoa hậu trở thành canh bạc đầu tư của những đơn vị tổ chức. Chúng không khác việc đầu tư một gameshow, một chương trình thi thố, sản phẩm âm nhạc, hay một bộ phim. Dĩ nhiên, khi là sản phẩm giải trí thì có hay, dở, kém chất lượng. 

Trong vài tháng tới sẽ có thêm nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức, trong đó có Miss Earth VietNam 2023, chọn đại diện thi Hoa hậu Trái đất 2023, tổ chức tại Việt Nam
Trong vài tháng tới sẽ có thêm nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức, trong đó có Miss Earth VietNam 2023, chọn đại diện thi Hoa hậu Trái đất 2023, tổ chức tại Việt Nam

Trong cuộc thi, cô gái đăng quang được ban giám khảo lựa chọn dựa trên những tiêu chí do ban tổ chức đặt ra (không bao hàm hết giá trị chung của xã hội). Người trở thành hoa hậu được chọn ra từ vài trăm cô gái nên không thể xem là đại diện cho hình mẫu của phụ nữ Việt Nam. 

Người đăng quang có nhiệm vụ phải làm việc, trả quyền lợi cho đơn vị tổ chức. Sẽ có những cô gái được chọn thi quốc tế, mang dải băng Việt Nam trên người, nhưng là nhằm chỉ địa điểm xuất phát, không phải mang tính đại diện quốc gia như trước. 

Thời gian qua, có thể thấy việc trao đổi, mua bán bản quyền đưa người đẹp Việt Nam đi thi quốc tế diễn ra khá lộn xộn. Đó thực chất là chuyện làm ăn giữa các công ty giải trí. Ai mạnh tiền hơn, sẽ được quyền này. 

Chưa kể, một số cuộc thi, thí sinh chỉ cần bỏ tiền, mua suất là được đi thi, không cần đăng quang một cuộc thi trong nước. Con số này nhiều vô kể, có những người đẹp khán giả chẳng biết mặt, biết tên. Bởi theo quy định, chỉ cần nhận được giấy mời dự thi từ tổ chức quốc tế, cộng với việc thực hiện thủ tục xin phép trong nước là được đi thi quốc tế, không ràng buộc danh hiệu cấp quốc gia như Nghị định 79/2012/NĐ-CP. Nhiều người đẹp lợi dụng kẽ hở này để "hợp thức hóa" danh hiệu hoa hậu.

Việc bản quyền cử thí sinh Việt Nam thi Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe đổi chủ gây xôn xao dư luận một thời gian
Việc bản quyền cử thí sinh Việt Nam thi Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe đổi chủ gây xôn xao dư luận một thời gian. 

Khi trở thành hoa hậu, vì sao các người đẹp thường gắn liền với các hoạt động thiện nguyện? Bởi không có các hoạt động cộng đồng, họ sẽ khó tạo được sức ảnh hưởng và cũng là cách để đơn vị tổ chức trả quyền lợi cho nhà tài trợ. 

Thời gian qua, khán giả cũng chứng kiến không ít lời hứa suôn từ các người đẹp, ban tổ chức về hoạt động này. Thực tế, hoạt động cộng đồng không phải là trách nhiệm hay sứ mệnh khiến họ phải trói mình. 

Một cô gái chiến thắng cuộc thi nhan sắc đáng để trân trọng cho những nỗ lực nhưng danh hiệu hoa hậu chỉ là "thành tựu" như những thành tựu của rất nhiều lĩnh vực khác, không phải là “chiếc hài bảy dặm” đưa một cô gái tạo nên kỳ tích lớn cho xã hội. 

Khi công chúng đã nhìn nhận đúng giá trị của danh hiệu hoa hậu, thì cần gì phải kỳ vọng để rồi thất vọng, ồn ào.

Hà Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI