Sao nỡ để xót xa đến vậy?

08/07/2022 - 15:08

PNO - Ngày thi thứ nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2022, bên cạnh hình ảnh đẹp của các tình nguyện viên tiếp sức mùa thi, lực lượng cảnh sát bảo vệ… còn có nhiều hình ảnh nhói lòng.

Cứ đến mùa thi, thí sinh và phụ huynh đều căng thẳng, lo âu, vật vờ chờ đợi… là chuyện đã cũ. Một chuyện khác, cũng cũ, xót xa hơn nhiều, nhưng nó vẫn tồn tại: Cảnh các thí sinh đến trường thi với chân tay bó bột, thậm chí nằm trên cáng.

Sáng 7/7, nữ sinh Hà Thanh Trâm, lớp 12A6, Trường THPT Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đến điểm thi bằng xe cứu thương, vào phòng thi trên cáng, được các tình nguyện viên vừa khiêng vừa đẩy. Ở miền Trung, nữ sinh Bùi Vân Thư, ngụ xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được anh Nguyễn Phùng Úy - người lái “taxi 0 đồng” đưa đến điểm thi, rồi được các tình nguyện viên khiêng lên cáng, đưa vào phòng thi. Trước đó, Thư bị tai nạn giao thông, tổn thương nặng khớp háng, bác sĩ yêu cầu “nằm yên một tháng”.

nữ sinh Hà Thanh Trâm, lớp 12A6, Trường THPT Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đến điểm thi bằng xe cứu thương, vào phòng thi trên cáng
Nữ sinh Hà Thanh Trâm, lớp 12A6, Trường THPT Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đến điểm thi bằng xe cứu thương, vào phòng thi trên cáng

Trâm và Thư không phải là những trường hợp duy nhất phải đi thi trong tình cảnh như vậy. Nhiều thí sinh khác được cõng đến trường, cõng vào phòng thi. Nữ sinh Lâm Hồng Nhung, ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh được mẹ chở đến trường thi với chai dịch truyền dang dở còn gắn trên tay.

Sao phải vậy?

12 năm đèn sách, có thể hiểu tâm lý không muốn bỏ lỡ kỳ thi quan trọng của phụ huynh và học sinh, không muốn phải mất một năm chờ đợi kỳ thi sau nên các em vẫn quyết lê lết đến điểm thi. Nhưng lẽ nào chúng ta không có giải pháp khác?

Nữ sinh Lâm Hồng Nhung, ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh được mẹ chở đến trường thi với chai dịch truyền dang dở còn gắn trên tay
Nữ sinh Lâm Hồng Nhung, ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đến trường thi với chai dịch truyền dang dở còn gắn trên tay

Cần biết rằng, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm ở nước ta luôn rất cao, trung bình từ 95 - 98%. Tại sao ngành giáo dục không thể xét đặc cách cho các thí sinh bị tai nạn, ốm đau được tốt nghiệp mà không cần thi? Những sự cố này đâu phụ huynh, thí sinh nào mong muốn. Bao rủi ro sức khỏe có thể đến với các em bất kỳ lúc nào khi các em phải thi trong tình trạng chân mang nẹp, tay đeo chai truyền dịch. Xét tốt nghiệp cho các em trong hoàn cảnh bất khả kháng này sẽ là hành động đầy tính nhân văn, chắc chắn sẽ được nhiều người đồng tình. Ta không làm được hay ta chưa quan tâm đến?

Chúng ta đã chăm sóc, dạy dỗ học sinh suốt 12 năm, ta hoàn toàn có thể mở cho các em cánh cửa vào đời với tấm lòng nhân ái, trước những tai nạn, sự cố ngoài mong muốn. Nếu các em vào đại học, ta còn có thêm nhiều năm để tiếp tục đào tạo các em thành người hữu dụng. Hành trình vào đời của một người không nhất thiết chỉ một kỳ thi để phải cứng nhắc đến thế này và để những hình ảnh xót xa đến vậy.

Phạm Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI