PNO - Mới đây, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, vụ việc một học sinh xuất sắc bị điểm 0 môn tiếng Anh vì ngủ quên trong giờ thi khiến nhiều người tiếc nuối.
Vợ tôi, người có nhiều năm dạy học, nhiều lần làm giám thị các kỳ thi, cô ấy cho biết, thường một phòng thi có 2 giám thị và bên ngoài còn có giám thị hành lang. Với 3 vị giám thị thường xuyên quan sát, nhất cử nhất động của thí sinh khó lòng qua mắt họ. Trường hợp thí sinh ngủ trong phòng thi thì làm thế nào?”. “Kêu em ngồi dậy làm bài” - vợ tôi nói. Từ các bài báo tôi đọc được, vị giám thị trong trường hợp nói trên cho rằng mình đã làm đúng quy trình, không thể làm khác được.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, một học sinh xuất sắc bị điểm 0 môn tiếng Anh chỉ vì ngủ quên trong giờ thi (Ảnh minh họa)
Chuyện thi cử hàng ngàn năm nay có nhiều huyền thoại, giai thoại. Thi cử ngày xưa có câu “học tài thi phận” được thể hiện rõ trong tác phẩm Lều chõng của Ngô Tất Tố và Bút nghiên của Chu Thiên. Một câu chuyện có thật được ghi nhận lại là việc ông Cao Bá Quát và các đồng sự cấu kết nhau để dùng muội đèn sửa lại bài thi của 24 sĩ tử phạm húy (theo quy chế bị đánh rớt). Sự việc vỡ lở, ông bị xử tội chém đầu. Vua Thiệu Trị lúc đó cho 5 cử nhân (trong số 24 người được sửa bài thi) thi lại (thay vì xử rớt). Kết quả, 4 người lại đỗ, chỉ có 1 người không đỗ do bài có lỗi trùng vận, không phải do kém tài. Biết rõ tấm lòng trung thực của Cao Bá Quát và các quan phạm tội, vua lần lượt giảm án, cho lập công chuộc tội và cuối cùng vẫn cho tiếp tục làm quan. Lịch sử đánh giá vua Thiệu Trị đã xử lý vụ việc “thấu tình, đạt lý”.
Tôi xin phép không đề cập nhiều đến cách xử lý của các giám thị trong vụ việc này. Có lẽ mấy ngày nay họ đã hứng chịu nhiều gạch đá, búa rìu của cộng đồng. Chỉ xin nói thêm, dù có kết luận họ làm đúng quy trình thì chỉ làm được việc “đạt lý” chứ chưa “thấu tình”, trong khi đã có thể tác động trong phạm vi quyền hạn cho phép để thí sinh thức dậy hoàn thành bài thi.
Mới đây, nghe tin Bộ Giáo dục Đào tạo yêu cầu Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Cà Mau báo cáo cụ thể vụ việc, có lẽ nhiều người giống như tôi, mong muốn kết quả có hậu cho thí sinh H.N.T. (học sinh Trường PTTH chuyên Phan Ngọc Hiển, TP. Cà Mau).
Thế nhưng, có những trường hợp bị điểm liệt khác có được xem xét lại lý do hay không? Vì đề thi ngày nay nếu chịu làm bài, nếu không cố tình thì dốt cách mấy cũng khó bị điểm 0. Xử lý “thấu tình” còn phải tính đến những trường hợp không đến phòng thi do tai nạn, không được vào phòng thi vì đi trễ giờ… Thật ra, không đậu năm nay thì dự thi năm sau, người có khả năng thật sự không ngại. Nhưng một năm trôi qua có bao nhiêu biến động khó nói trước được điều gì, liên quan đến tương lai của cả 1 đời người. Bài học này cần được bổ sung vào quy chế hoặc chí ít làm kinh nghiệm để hướng dẫn các giám thị xử lý tình huống trong các kỳ thi sau này, để không còn những sự việc đáng tiếc như vậy xảy ra.
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.