Tôi về quê, đem theo khá nhiều sách thiếu nhi hay, lòng thầm mong mấy đứa nhỏ ở quê đến mượn đọc. Tuy nhiên, khác với tưởng tượng của tôi, không đứa trẻ nào sờ đến một cuốn sách, dù tôi rất khuyến khích.
Chỗ tôi là thị xã nhộn nhịp chứ có phải vùng sâu xa heo hút gì đâu mà trẻ em ít đọc sách quá!
Một lần, tôi nói với cô bé học lớp Sáu ở cạnh nhà: “Hồi nhỏ, cô ước ai có tủ sách để được đọc ké”. đáp lại tôi là giọng thỏ thẻ của cô nhỏ: “Lúc trước con và em họ của con thích đọc sách lắm. Tụi con thường mượn ở thư viện trường về đọc, nhưng rồi mẹ la không cho đọc, vì sợ học bài trên trường không kịp”.
|
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK |
Tôi vừa choáng váng vừa tiếc nuối. Tại sao một đứa bé đang thích đọc sách lại bị cấm ngang tức tưởi vậy? Lẽ nào chỉ có điểm số trên trường và sách giáo khoa mới quan trọng?
Lịch của cô bé chỉ có đi học trên trường và học thêm ở nhà giáo viên, học bài về nhà, xem ti vi, ăn ngủ. Đó cũng là lịch chung của nhiều đứa trẻ quê tôi - những đứa trẻ không có ruộng vườn để thoải mái chân đất đầu trần rong chơi và cũng không có nhiều nhà sách hay rạp phim, sân khấu thiếu nhi để chìm đắm trong thế giới trẻ thơ. Còn gì chán hơn!
Em rể tôi cũng một lần làm tôi sốc vì sự “dã man” đối với cô con gái bé bỏng khi bé vừa tròn bốn tuổi. Đó là một buổi tối, trước giờ đi ngủ, con bé ôm “em gấu bông“ nói chuyện và chuẩn bị kể chuyện cổ tích cho “em gấu“ nghe.
Con bé đóng vai chị, kể về buổi học ở trường, căn dặn gấu không được giành đồ chơi với bạn và nói gấu ngoan sẽ được đi chơi biển vào mùa hè cùng cả nhà. Sau đó câu chuyện cả nhà ở biển được vẽ ra với những tình tiết “vô cùng viển vông”.
Cảnh tượng quá đỗi dễ thương cùng những câu chuyện tưởng tượng thú vị đang diễn ra thì cậu em rể nhìn đồng hồ đã 9 giờ tối bèn quát: “Su đến giờ ngủ rồi, nhắm mắt ngủ đi!”.
Con bé “dạ” trong tiếc nuối, đặt “em gấu“ nằm bên cạnh rồi nhắm mắt lại. Nếu là tôi, tôi sẵn sàng để con mình ngủ trễ hơn 10, 15, thậm chí là 30 phút để con chơi thêm với những thứ đang có trong đầu.
Đó là câu quát thô bạo phá bỏ không gian tưởng tượng của bé. Không chỉ là tiếc nuối vì bỏ ngang “cuộc chơi” dang dở, mà tệ hơn là từ đó, mỗi tối ôm gấu bông vào giường, cháu tôi chỉ len lén chơi với “em gấu”, thấy ba vào vội bỏ xuống. Thật tội nghiệp!
Một chị bạn của tôi cấm con giao du với bạn bè vì luôn thấy bao nhiêu nguy hiểm rập rình bên ngoài cánh cửa. Con bé chỉ ra khỏi nhà những khi đi học. Thế giới của con chị chỉ gói gọn trong gia đình gồm bốn người: cha - mẹ - chị gái và bé.
Cứ thế, bé đi qua tuổi thơ thiếu vắng trò chơi và bè bạn. Trong khi, trước mặt nhà chị là công viên mỗi chiều lũ trẻ chạy chơi náo nhiệt.
Tôi nhớ, một năm lũ lớn, nước tràn qua không còn thấy các ghế đá trong công viên, con bé khi đó mới học lớp Hai, từ khung cửa nhìn ra đã hoảng hốt: “Cái công viên đâu mất tiêu rồi?”. Chẳng phải công viên, mà chính là khung trời mơ ước đầy trò chơi vui nhộn mà bé muốn ra chơi đã không còn nữa.
Cậu bạn tôi kể rằng, vào mùa hè, một cậu bé hằng ngày mang theo màu và giấy vẽ theo mẹ vào quán cà phê quen. Mẹ làm việc, cậu bé vẽ, thỉnh thoảng lại hỏi mẹ điều này điều kia.
Nhưng rồi, những mộng mơ với bút màu và giấy vẽ của cậu bé đã tan biến sau hơn một tuần khi nhóm bạn của người mẹ góp ý nên gửi cậu bé học lớp toán thông minh, lớp anh văn thần đồng…
Những trường hợp như trên không hiếm. Cha mẹ lo lắng khi thấy con lơ lửng trời mây, hoảng sợ khi con trẻ lầm bầm nói chuyện một mình và chỉ yên tâm khi con say sưa viết chữ, giải bài tập…
Cha mẹ quên mất ngày xưa mình cũng lơ lửng như thế, nghĩa là ở lứa tuổi ấy thì đương nhiên trẻ biểu hiện vậy. Hoặc vì đã mệt mỏi nơi công sở và việc ở nhà đăng đăng đê đê nên cha mẹ không còn kiên nhẫn, chỉ muốn con cái bớt hỏi, đi ngủ sớm để “yên thân” làm việc của mình và vô tình che mất khoảng trời mơ mộng đẹp đẽ nhất, dập tắt luôn trí tưởng tượng vô giá của trẻ.
|
Ảnh minh họa |
Đã có quá nhiều “luật lệ” mà gia đình và nhà trường đặt ra cho bọn trẻ, chỉ còn sách - trò chơi - bạn bè là những khoảng trời mơ mộng để trẻ bước ra khỏi những cái khung đã được giới hạn hằng ngày. Chơi đùa, vẽ vời, sờ nắm, tưởng tượng, mộng mơ... giúp trẻ thoát khỏi stress, nhờ thế chúng sẽ lớn lên cân bằng hơn.
Chẳng phải rất nhiều sự sáng tạo được bắt đầu từ những bộ óc hay tưởng tượng và trái tim mộng mơ đó sao? Đã có nhiều nghiên cứu thú vị về trí tưởng tượng, đọc để thấy nó quan trọng thế nào trong cuộc sống.
Albert Einstein đã nói: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức là hạn chế, còn trí tưởng tượng bao quanh khắp thế giới”.
An Hiên