Khi chia sẻ lại câu chuyện về anh Phan Văn Tâm (36 tuổi, ở Tây Ninh) bị rắn hổ mang chúa cắn vẫn cố ôm con rắn đi cấp cứu, có người bảo rằng: "Muốn nổi tiếng hay sao mà làm màu thế"? Một người bạn tôi đã bình luận: "Sao người ta thích nói điều ác cho người khác quá!".
Câu hỏi này không chỉ đúng với trường hợp anh Tâm, mà có lẽ là một câu hỏi phổ quát cho tất cả những ứng xử của người với người. Những lời ác ý, vô tâm, khiếm nhã... vẫn luôn xuất hiện trước mỗi sự việc/hiện tượng; nhắm thẳng vào cá nhân/gia đình mà đôi khi người nói cũng chẳng để tâm đến mức độ "sát thương" trong những lời nói của mình.
|
Những lời bàn tán ác ý hoặc vô tâm có thể là chiếc dằm găm sâu trong lòng nạn nhân. Ảnh minh họa |
Đằng sau hành động ôm khư khư con rắn độc đi cấp cứu của anh Tâm là một câu chuyện của người cha bất chấp hiểm nguy để kiếm tiền lo học phí cho con, gây xúc động đến rơi nước mắt. Nhưng đó là câu chuyện đã được kể ra, được chia sẻ và thấu hiểu. Sẽ có rất nhiều những cái "đằng sau" khác của ai đó mãi mãi là câu chuyện của riêng họ, không thể sô ra, bất luận bị người khác hiểu lầm, soi mói, thị phi thế nào.
Có một người anh chuyên đi làm từ thiện từng kể với tôi rằng, một thời gian dài anh bị dè bỉu: "Thân còn lo chưa xong, bày đặt lo chuyện bao đồng".
Anh làm công chức, còn ở nhà thuê, tài chính không dư dả, nhưng hàng tuần anh vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Anh cần mẫn với tâm nguyện của mình, chỉ vì năm xưa anh cũng từng là đứa trẻ được giúp đỡ. Dẫu không giàu có hơn ai, nhưng việc giúp được người nghèo khó hơn, với anh là niềm an ủi lớn. Vậy mà...
Người bạn của tôi một dạo cũng khóc hết nước mắt vì "lời ác" của người khác. Bạn vừa ly hôn, buồn đau chưa hết thì tình cờ nghe đồng nghiệp bàn tán sau lưng, "phân tích" lý do tan vỡ của mình.
Họ lại đàm luận đủ điều về tính cách, nhan sắc, lối sống... Họ cho rằng những lý do khiến cuộc hôn nhân đổ vỡ là do bạn, rồi họ cười hỉ hả. Yêu cầu công việc khiến bạn nhiều lần trực tiếp gặp, bàn kế hoạch với sếp, đồng nghiệp lại soi mói cho rằng bạn tìm cách "dụ dỗ" sếp để tiến thân.
Những cú sốc liên tục khiến bạn rơi vào trạng thái trầm cảm trong thời gian dài, có lúc muốn nghỉ việc. Bạn cố gắng lao vào công việc để quên nỗi buồn riêng lại không được cảm thông. Trái lại chỉ nhận những lời ác ý - mà đôi khi người khác nói ra chỉ vì lòng đố kỵ. Họ nói nói rồi quên, nhưng trong lòng bạn, mọi thứ hằn sâu, nặng nề.
|
Chỉ có sự hiểu mới làm nên sự thương, nhưng mấy ai hiểu được người khác... Ảnh minh họa |
"Sao người ta thích nói ác cho người khác quá vậy?" - người hỏi tôi câu này trên Facebook cũng từng trải qua cảm giác bị hiểu lầm, thêu dệt. Có những chuyện buồn chị chia sẻ với người này, sau đó trở thành câu chuyện làm quà trên bàn tán gẫu với người khác. Có những nỗi buồn chị chịu đựng, lại không nhận được sự cảm thông. Cuối cùng, chị sống thu mình, không dám bày tỏ gì với ai.
"Ai cũng có nỗi buồn, nỗi buồn của bạn là gì? Ai cũng có lý do, lý do của bạn là gì?". Thi thoảng câu hỏi này lại trở về trong tôi, khi nghe những "lời ác" mà người này nói về người kia.
Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu và chia sẻ với họ không dễ dàng. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, nếu nhìn nhận mọi điều bằng những nhận diện đa chiều, có lẽ mỗi người sẽ tự biết mình nên nói gì, nhận định gì.
Góc nhìn phán xét hay bao dung, soi mói hay thấu cảm, phiến diện hay đa chiều đều do cách nhìn, cách nghĩ của mỗi người. Lời ác ý có khi với người nói chỉ là hả hê, vui vẻ nhất thời. Nhưng có thể là vết dằm đâm rất sâu vào da thịt người khác.
|
Bao dung với người khác, cũng là cách trao tặng những cảm xúc ngọt ngào cho chính mình. Ảnh minh họa. |
Có câu chuyện mà tôi vẫn luôn nhớ, để nhắc nhở bản thân, để "không phán xét" khi mình chưa thật sự thấu tỏ vấn đề của ai khác. Chuyện rằng có hai cha con trên chuyến tàu, đứa con trai cứ liên tục kinh ngạc, mừng rỡ khi nhìn qua ô cửa thấy cánh đồng, đám mây, những cái cây bên đường...
Người hành khách bên cạnh đã giễu cợt, nói người cha hãy đưa con đến bệnh viện tâm thần đi. Người cha từ tốn: "Xin lỗi vì đã làm phiền bà, nhưng thằng bé trước kia bị mù. Cháu vừa được chữa mắt và đây là lần đầu tiên cháu được nhìn thấy bầu trời".
Câu chuyện này nhắc tôi nhớ đừng bao giờ nhìn cái gì qua bề nổi. Dẫu không đủ hiểu để thương quý hoặc chia sẻ với người khác, thì vẫn phải nghĩ rằng, ai làm gì cũng có lý do, chỉ có điều họ không nói với bạn mà thôi.
Không phán xét, không nói lời ác ý với người khác - thật ra cũng là cách để lọc đi những "ẩn tâm" tiêu cực trong suy nghĩ của chính mình.
Cuộc sống đã nhiều bất an nhiều rồi, nếu không sẻ chia được với nhau thì thôi, người với người nói "điều ác" với nhau để làm gì?
Hoàng Hạc