Đáng tiếc, không ít trường hợp vì cấp cứu không kịp thời, dẫn đến tử vong do bệnh tim mạch từ biến chứng của đái tháo đường.
“Má tôi bệnh tiểu đường, sao chết vì bệnh tim?”
Buổi trưa tháng Năm nắng gắt, cả nhà anh Phan Văn Trung (ngụ Q.6, TP.HCM) tập trung đông đủ trước Nhà tang lễ Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương để tổ chức tang lễ cho má anh. Cả gia đình bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột của bà Nguyễn T.L. (59 tuổi), bởi bà khỏe mạnh, đã chung sống với bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) gần chục năm.
Con gái út của bà L. nấc nghẹn: “Có nhầm lẫn gì không? Tại sao má bệnh tiểu đường mà lại chết vì bệnh tim?”. Chồng bà L. kể: 5g sáng ông đi tập thể dục thì bà vẫn còn ngủ. Khi tập xong về nhà không thấy vợ, ông tưởng bà đi chợ. 9g vẫn không thấy vợ, ông vào phòng thì phát hiện bà đã bất động. Đưa vợ đến BV cấp cứu, ông được cho biết bà đã tử vong vì đột quỵ trên nền ĐTĐ.
|
Bệnh nhân đái tháo đường đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM kiểm tra sức khỏe. |
Anh Nguyễn T.N. (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) phát hiện bệnh ĐTĐ cách đây ba năm. Năm đầu tiên, anh đến BV khám và uống thuốc. Sau đó, anh tự kiểm tra thấy chỉ số đường huyết ổn định nên bỏ điều trị. Gần đây, khi đang làm việc, anh bị ngã. Người nhà đỡ anh lên giường nghỉ, một tiếng sau thấy tay chân bên phải của anh không cử động được, miệng méo xệch, nói ú ớ nên đưa anh đi cấp cứu.
Bác sĩ chẩn đoán anh bị đột quỵ kèm tăng huyết áp, mỡ máu cao, dù đường huyết vẫn trong giới hạn bình thường. Sau khi điều trị và chăm sóc tích cực, tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng anh N. vẫn phải chịu di chứng yếu liệt nửa người khi mới ngoài 40 tuổi.
Cũng có nhiều người bệnh ĐTĐ suýt tử vong khi bị đột quỵ nhưng nhờ phát hiện sớm, đến BV kịp thời nên qua khỏi. Như trường hợp bà Trần N.Đ. (54 tuổi, ngụ ở Long An) bị ĐTĐ và tăng huyết áp đã 12 năm. Sau khi uống thuốc thấy đường huyết giảm và do bận rộn nên bà Đ. không tái khám mà thỉnh thoảng lấy toa thuốc cũ ra mua uống.
Bà Đ. không biết đường huyết của bà tăng cao trở lại và huyết áp không ổn định. Gần đây, bà ngủ dậy thì phát hiện bị liệt nửa người bên trái, nói đớt, miệng méo và được gia đình đưa đi cấp cứu tại BV Đại học Y Dược TP.HCM. Bác sĩ chẩn đoán bà Đ. bị đột quỵ. May mắn là bà được điều trị kịp thời nên sức khỏe dần ổn định.
Tử vong do… chủ quan
Làm sao để kiểm soát biến chứng ĐTĐ?
Bác sĩ Trần Minh Triết khuyến cáo: ĐTĐ type 2 khi đã được chẩn đoán thì cần điều trị sớm; theo dõi, duy trì suốt đời và phải tuân thủ điều trị.
Hiện tại, việc dùng thuốc kiểm soát đường huyết và dự phòng cũng như làm giảm các biến cố tim mạch là vấn đề luôn được bác sĩ quan tâm, cân nhắc.
Để phòng ngừa và giảm nguy cơ đột quỵ cũng như các biến chứng của ĐTĐ, người bệnh nên tái khám định kỳ để được thăm khám toàn diện, điều trị tích cực đa yếu tố.
|
Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Minh Nhựt - Khoa Nội Tim mạch BV Đại học Y Dược TP.HCM: “Trong số các biến chứng do bệnh ĐTĐ gây nên, biến chứng tim mạch là phổ biến và nguy hiểm nhất vì có tỷ lệ tử vong gần 70%.
Bệnh ĐTĐ là yếu tố nguy cơ làm gia tăng sự xuất hiện và mức độ trầm trọng của các biến cố tim mạch: tăng nguy cơ bệnh mạch vành lên gấp 1,8 lần; tăng nguy cơ bị tai biến mạch não lên gấp 2,4 lần; tăng nguy cơ viêm tắc động mạch chi dưới lên gấp 4,5 lần”.
Bác sĩ Trần Minh Triết - Khoa Nội tổng hợp BV Đại học Y Dược TP.HCM - nhấn mạnh: “Đường huyết tăng cao và tình trạng tăng đề kháng insulin là con đường chính dẫn đến các biến cố tim mạch ở người bệnh ĐTĐ.
So với người bình thường, người bị bệnh ĐTĐ có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2 - 4 lần và đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Nguy cơ này sẽ tăng nhiều hơn ở người bệnh ĐTĐ khi kèm theo các yếu tố lớn tuổi, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, tăng huyết áp, bệnh tim, rối loạn lipid máu hay từng bị đột quỵ, cơn thoáng thiếu máu não trước đó”.
Theo các chuyên gia, các biến chứng trên tim mạch có thể được phát hiện sớm thông qua việc khám và thực hiện các xét nghiệm máu cũng như đo điện tim, siêu âm tim…
Việc phát hiện sớm các biến chứng giúp người bệnh ĐTĐ được điều trị một cách toàn diện, ngăn ngừa các biến chứng cấp tính như nhồi máu cơ tim cấp… Phát hiện muộn sẽ gây khó khăn cho việc điều trị, gia tăng tỷ lệ tử vong và khả năng hồi phục thấp.
Thùy Dương
Tiểu đường trung niên làm tăng rủi ro đột quỵ khi về già
Trong một phát hiện tiếp tục xác nhận mối liên hệ giữa ĐTĐ type 2 và đột quỵ, nghiên cứu mới cho thấy, mắc bệnh đường huyết ở tuổi trung niên có thể làm tăng rủi ro bị loại đột quỵ phổ biến nhất sau này trong đời.
Theo hãng tin UPI, ngoài rủi ro đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng cao 30%, các chuyên gia của Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) còn phát hiện những người mắc ĐTĐ type 2 ở độ tuổi 40, 50 có khả năng bị hẹp mạch máu trong não ở độ tuổi 60 trở lên.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ Cơ quan Đăng ký sinh đôi Thụy Điển. Hơn 33.000 cá nhân sinh đôi đáp ứng các tiêu chí cuộc nghiên cứu. Họ đều sinh trước năm 1958, không ai bị hẹp mạch máu não hoặc đột quỵ trước 60 tuổi.
Chỉ khoảng 4% trong nhóm đối tượng trên bị ĐTĐ ở tuổi trung niên. Các chuyên gia cho biết hơn 9% đối tượng bị đột quỵ muộn (sau 60 tuổi) hoặc bị thu hẹp các mạch máu trong não. Sau khi điều chỉnh dữ liệu để xét đến các tác nhân khác (hút thuốc, béo phì), các nhà nghiên cứu ghi nhận rủi ro đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nhưng không tìm thấy rủi ro đột quỵ do xuất huyết.
Theo tiến sĩ Rongrong Yang, trưởng nhóm nghiên cứu, các cơ chế củng cố sự liên quan của bệnh ĐTĐ type 2 với đột quỵ rất phức tạp. Nhưng, những người bị ĐTĐ type 2 có mức cholesterol bất thường và điều đó có thể góp phần vào việc làm cho các mạch máu bị thu hẹp trong não.
Quang Nguyễn
|