Ai cũng công nhận trẻ con dễ thương. Số liệu cho thấy trung bình mỗi bậc phụ huynh đăng khoảng 1.500 hình ảnh con mình từ lúc mới sinh cho đến khi chúng lên năm. Nhưng lứa tuổi chào đời cùng lúc với sự có mặt của Facebook hiện đang bước vào tuổi vị thành niên, nhiều người trong số họ cảm thấy sự riêng tư của mình bị xâm phạm.
|
Ảnh minh họa |
Kellie Whitehead, 41 tuổi, thở dài khi nói về con gái 18 tuổi của mình: “Tôi nhớ lần cuối cùng Hermione vui vẻ chụp hình là khi nó 13 tuổi, và đang trong tiệm làm đẹp cùng bạn bè. Tôi chụp một tấm bọn chúng vui vẻ cười đùa với nhau rồi đăng lên Facebook. Kể từ đó, mọi chuyện thay đổi hẳn”.
Kellie rất thích đăng ảnh con cái lên Facebook kể từ khi cô có tài khoản năm 2008, khi Hermione chỉ mới lên bảy và hai con trai Charlie và James (hiện 14 và 12 tuổi) vẫn còn là những em bé nằm nôi. “Khi đó, tôi chỉ đăng ảnh mà không suy nghĩ gì cả - video của chúng trong ngày thể thao, hình bọn trẻ làm trò dễ thương, ngộ nghĩnh. Mọi thứ đều được đăng tải với sự tự hào. Tôi muốn khoe với mọi người: “Con tôi đó, chúng thật đáng yêu!”.
Đến khi Hermione lên 14 và bắt đầu có tài khoản Facebook riêng, cô bé chợt nhận ra sự riêng tư của mình đã bị xâm phạm. “Tôi không biết là mẹ đã đăng hình của mình lên Facebook cho đến khi có tài khoản của riêng mình. Tôi bỗng nhận ra cả cuộc đời mình đã được phơi bày công khai. Thật là kinh hãi” - cô bé bức xúc.
Cả một thế hệ đang bước vào tuổi vị thành niên bỗng dưng nhận ra cha mẹ họ đã lên mạng làm cả một cuốn phim tài liệu về những bước chân đầu đời của họ, và nhiều thứ khác nữa. Tại Anh, mỗi bậc cha mẹ đăng trung bình 1.500 tấm hình con họ từ lúc chào đời cho đến khi chúng lên năm, số liệu từ cuộc khảo sát của công ty cung cấp mạng Nominet cho biết.
Trong khi đó, nghiên cứu đăng trên tạp chí Mỹ Children and Youth Services Review tiết lộ, hầu hết các bé gái ở độ tuổi 12-14 muốn cha mẹ hỏi ý kiến trước khi đăng hình con lên mạng. Một khảo sát toàn cầu cũng cho thấy, thế hệ Z ngần ngại chia sẻ những cung bậc cuộc sống của họ lên mạng hơn so với thế hệ lớn tuổi - chỉ 34% có ý định chia sẻ những khoảnh khắc đáng tự hào của họ lên mạng, so với 53% của thế hệ trước đó.
Leah Plunkett, một giáo sư - luật sư cho rằng, thông tin riêng tư của trẻ em đang bị lạm dụng và không có gì ngạc nhiên khi chúng lên tiếng. Diễn viên Gwyneth Paltrow sau khi đăng tấm ảnh hai mẹ con đi trượt tuyết trên Instagram, đã bị con gái Apple, lúc đó 14 tuổi, nghiêm khắc nhắc nhở: “Mẹ à, chúng ta cần nói chuyện về việc này, mẹ không thể đăng ảnh con khi chưa hỏi ý kiến con”.
|
Ảnh minh họa |
Nhà tâm lý học Janice Hiller nhận xét: “Phản ứng của những đứa con gái như Apple là lẽ thường tình. Khi bước vào tuổi chớm vị thành niên, chúng có sự thay đổi lớn về hoóc-môn, sự hiểu biết về bản thân, và mong muốn hình thành bản ngã của riêng mình... Nếu các bà mẹ liên tục đăng hình con lên mạng, họ đã cướp đi cơ hội để con được thể hiện chính mình”.
Khi Hermione 15 tuổi, Kellie đăng một tấm ảnh mà cô bé cho rằng không được đẹp lắm. Cô nói: “Con không muốn mẹ đăng tấm ấy lên đâu, làm thế là không tôn trọng con đấy. Con không đăng ảnh của mẹ, nên mẹ cũng đừng làm thế với con”. Kellie cảm thấy sốc với phản ứng của con, và thấy mình thật tệ vì đã phớt lờ cảm giác của cô bé. Sau khi ngồi xuống nói chuyện, Kellie dần hiểu ra quan điểm của con. Con muốn kiểm soát hình ảnh đẹp xấu của mình, đồng thời cũng muốn biết ai sẽ xem hình của mình. Vì thế, dù rất muốn khoe con, cô cũng phải tôn trọng ranh giới này.
Hiện nay, Instagram của Hermione tràn ngập những tấm hình đen trắng cùng bạn bè, trong khi Facebook của cô toàn hình mẹ tag vào. Cô xóa tài khoản Facebook của mình và tạo một tài khoản khác khi vào đại học. Cô không muốn những người bạn mới biết về cuộc đời của mình trước đây. Cô chia sẻ: “Tôi có một vài cãi vã với mẹ, và chúng tôi đã đi đến thỏa thuận là mẹ phải hỏi tôi trước, đồng thời phải chuẩn bị tinh thần cho việc tôi không đồng ý”.
Một phần vấn đề nằm ở quan điểm khác nhau giữa hai thế hệ. Tuổi trẻ ngày nay đã quen với việc hình ảnh phải qua chỉnh sửa và làm cho chúng lung linh hơn, trong khi cha mẹ chúng vẫn quen với những bức ảnh không tô vẽ trong những cuốn album gia đình.
Maja Sonne Damkjer, giáo sư truyền thông Trường đại học Aarhus, Đan Mạch, đã có những nghiên cứu về điều này. Bà cho rằng trách nhiệm của cha mẹ là tôn trọng bọn trẻ và những giới hạn của chúng, tốt nhất là hãy trò chuyện với con.
Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra áp lực mà cha mẹ gặp phải, đó là khi các thành viên trong gia đình lớn yêu cầu họ đăng ảnh gia đình nhỏ lên mạng xã hội. Phụ huynh cần nhớ rằng, những khoảnh khắc đáng xấu hổ của trẻ con có thể khiến người khác buồn cười, nhưng liệu chúng sẽ nghĩ gì khi lớn lên?
Hiller cũng đưa ra những lời khuyên cho những người làm cha mẹ, rằng khi họ có cảm giác bị bắt buộc phải đăng hình lên mạng, đó là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa họ và mạng xã hội không lành mạnh.
Họ cũng có thể bị áp lực cạnh tranh với bạn bè phải đăng hình thường xuyên, nhưng khi họ để những áp lực này trên cả sự tôn trọng cảm giác của con cái, tức là họ đã sai trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên.
Cha mẹ tuyệt đối không được chia sẻ cuộc sống của con cái trên mạng, không nên tạo ra những cảm giác không thoải mái cho chúng. Trẻ em cần cảm giác riêng tư và an toàn để chúng phát triển sự tự tin. Nếu chúng bị “phơi bày” quá nhiều, có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần hay tự kỷ.
Phan Quỳnh Dao (theo Telegraph)