Sao Mai điểm hẹn - hẹn ở điểm dừng!

25/08/2014 - 17:23

PNO - PN - Không biết hàm ý gì mà đêm chung kết Sao Mai điểm hẹn (SMĐH) 2014 (tối 22/8), chương trình đã dành đến nửa thời lượng cho màn trình diễn của đại diện các lứa SMĐH trong 10 năm qua. Khán giả có thể liên tưởng đến lời chào...

Giọng hát Việt (GHV) sốt đùng đùng mùa thứ nhất, đến mùa thứ hai cũng giảm nhiệt. Quán quân GHV mùa hai là Thảo My hoàn toàn mất hút trong đời sống âm nhạc, như một viên đá nhỏ ném xuống mặt ao. Và mùa thứ ba (nếu GHV còn đi tiếp), không khó để đoán trước rằng sẽ còn nguội hơn nữa trong hiệu ứng truyền thông và quan tâm của khán giả. Nên sự tồn tại như SMĐH (đến tận 10 năm), cũng là điều đáng phục, dù rằng sự tồn tại ấy theo kiểu “phú quý giật lùi”.

Thực ra, nếu đổ lỗi cho SMĐH ngày càng kém hấp dẫn, đến mức bị đẩy vào “lãnh cung” của VTV là do nhà tổ chức ngại thay đổi, không tự vận động để bứt phá - chắc hơi oan. Vì SMĐH ở thời điểm 2004 là độc nhất vô nhị, là chương trình đầu tiên của truyền hình thực tế, nên đương nhiên nó được hưởng tất cả sự kinh ngạc phấn khích. Còn ở những năm 2010 này, hàng tuần trên VTV rả rích chiếu đủ các show truyền hình thực tế, từ ca hát, nhảy múa, cho đến nấu ăn hay hẹn hò yêu đương.

Thực đơn giải trí ê hề, chiêu trò ê hề, chỉ cần tiến bình thường đã là tụt hậu, để trụ lại với thói thưởng ngoạn có mới nới cũ của khán giả, thì nhất định phải “giật tóc móc mắt”. Còn lý do cơ bản nữa: phải có bột mới gột nên hồ! Phải có Tùng Dương mới có thành công của SMĐH 2004, còn chỉ với Kasim Hoàng Vũ, nhất định SMĐH mùa đầu không thể khiến công chúng “phát điên” đến như thế.

Nhưng ở tình hình mỗi năm đều có hàng loạt các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, thì “tài năng” nào mọc lên cho kịp? Nên mới thấy có những gương mặt chạy sô mòn nhẵn ở các cuộc thi, nghĩa là ăn rồi chỉ để đi thi tài năng (như hiện tượng “nghề” đi thi hoa hậu ở đại bộ phận các cô gái được gọi là người đẹp bây giờ).

Sao Mai diem hen - hen o diem dung!

Điểm danh thí sinh SMĐH của 10 năm, thấy thất thoát cũng nhiều. Giải nhất mùa 2008 là Hoàng Nghiệp (cùng mùa năm đấy là Duy Khoa giải Triển vọng) đều mất hút. Tương tự, Minh Chuyên, Hà Hoài Thu, Mỹ Như của mùa 2010 cũng không có gì hơn để công chúng nhớ đến, sau khi họ rời khỏi cuộc thi. Những Đinh Mạnh Ninh, Lê Việt Anh, Mạnh Quân, Minh Thư… đều vẫn đang loay hoay khẳng định mình.

Sóng sau đè sóng trước, nếu không có thẩm mỹ âm nhạc ổn định, phong cách và cá tính khác biệt thì việc “tìm mình” còn là chặng đường xa hút. Những trai xinh gái đẹp trẻ trung, kết hợp chiêu trò ngày càng đa dạng - sẽ sớm đẩy những gương mặt mới của hôm nay vào vòng quên lãng. Điều nghiệt ngã này áp dụng cho tất cả các “nhân tố mới” đi ra từ nhan nhản các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên truyền hình, không riêng gì SMĐH.

Bốn thí sinh vào chung kết của SMĐH 2014 gồm: Thanh Huyền, Nguyễn Thị Thủy, Thanh Ngọc, Hà Minh Tiến. Ai trong số họ được giải cũng được, mà không được giải cũng được! Nghĩa là không có khác biệt gì, cái hơn giữa các thí sinh cũng chưa đủ thuyết phục - gọi là bốn ca sĩ, nhưng chưa thấy bốn phong cách. Thậm chí có thể gói tất cả trong một định dạng phổ biến của những giọng hát trẻ có chút chuyên môn và hoang mang không định ra được con đường riêng của mình là gì.

Ca sĩ Thanh Lam, nhạc sĩ Huy Tuấn, đạo diễn Việt Tú - Hội đồng nghệ thuật của SMĐH 2014 đều là những kẻ “lõi đời” trong showbiz. Không phải bỗng nhiên khi họ luôn láy đi láy lại trong lời khuyên của mình dành cho thí sinh: “Hãy tìm cho mình một điểm nhấn, một phong cách riêng trong mặt bằng giống nhau”. Bởi đơn giản nếu không khác biệt, bạn sẽ không thể là gì. Vì âm nhạc (hay thị trường giải trí) không cần thêm một gương mặt phổ biến.

Và SMĐH cũng đã hết khác biệt, chặng đường 10 năm đã là hoàn thành một sứ mệnh. Để công chúng còn nhớ về SMĐH với dấu ấn của vài mùa thi rực rỡ, sẽ tốt hơn khiến họ ngậm ngùi thương cảm cho thân phận “lãnh cung” của một chương trình từng được sủng ái…

 Quỳnh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI