Đường về nhà bao xa?

“Sao lâu quá bây chưa về thăm vú?”

15/09/2024 - 06:56

PNO - “Sao lâu quá bây chưa về thăm vú?” - câu hỏi ấy vẫn cồn cào lòng chị 2 lượt đi - về…

Với câu hỏi “Đường về nhà có xa không?”, chị Trần Hồng Hạnh cho biết còn tùy bối cảnh. Cũng 135 cây số từ quận 7, TPHCM về Vũng Liêm, Vĩnh Long mà khi nghe má bệnh, nhập viện, chị thấy đường quá xa, chạy hoài không tới; còn khi má khỏe, tâm trạng chị phơi phới thì xe chạy bon bon, có xa mấy đâu. Xa hay gần cũng bởi tâm trạng hồi hộp, ngổn ngang theo từng dòng tin nhắn của người em út trực tiếp túc trực bên má.

Cứ khoảng vài tuần, con gái chị Hồng Hạnh lại lái xe đưa chị về thăm má ở Vĩnh Long. Chị về, má vui, má cười. Được con cho tiền, má cứ đếm tới đếm lui. Chẳng cần biết tờ tiền mệnh giá bao nhiêu, chỉ cần nhiều tờ là má mê mẩn đếm. Có lúc chị sơ ý quên bỏ tiền vào bao lì xì đỏ khi biếu, má hơi giận, chạnh lòng.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Thỉnh thoảng, má lại lục đồ đạc và la toáng: “Tiền tao đâu rồi?”, “Sao bây không cho tao uống thuốc?”… Rồi có khi nửa đêm, tự nhiên má mở cửa đi ra sân, ngơ ngác ngóng tìm. Chứng bệnh tim đánh gục má bao phen, lại bồi thêm tai nạn giao thông gãy chân nên má đi phải chống ghế, xoay xoay nhích từng bước. Con cháu hỏi: “Khuya mà đi đâu?”, má trả lời tỉnh queo: “Tao nghe ai kêu tao”.

Chị Hồng Hạnh và con gái bật cười rồi lại cay mắt khi nghĩ đến “chiếc compa” xoay tròn của đời người, già đến mức nào đó lại quay về khởi điểm như trẻ thơ. Điều lạ là dù đã 88 tuổi, mắt mờ chân run, nhớ nhớ quên quên nhưng má vẫn nhắc con gái út đừng nêm ngọt khi nấu đồ ăn cho chị. Má nhớ rành khẩu vị chị hơi mặn, luôn chấm nước mắm đầy ớt và nhớ món khoái khẩu ngày xưa của chị: tôm kho tàu, lưỡi vịt khìa giòn, lòng ếch xào, cá chạch kho…

Trước những ngã rẽ cuộc đời, có lúc má đành chọn con đường mà ở đó chị chưa được ưu tiên. Ray rứt, nặng lòng, về sau, má luôn tìm cách bù đắp. Ơn má sâu nặng nhất là giai đoạn năm 1983, chị phải gửi con gái đầu lòng về quê vài năm cho đỡ vướng víu trong việc kinh doanh. Dù bận buôn bán, làm ruộng rẫy nhưng má luôn chăm sóc chu toàn và hết mực cưng yêu cháu.

“Vú (cách xưng hô mộc mạc của má chị Hồng Hạnh - PV) nhớ tụi bây quá! Sao lâu quá bây chưa về thăm vú? Chừng nào bây về? Bây mà không về, mai mốt vú chết rồi còn đâu mà thăm” - má nửa trách nửa gửi gắm yêu thương qua màn hình điện thoại. Quay cuồng với công việc ở hãng sản xuất thép nhưng nghe vậy “cầm lòng không đậu”, 2 mẹ con lại tức tốc thu xếp về miền Tây thăm “nàng” (cách gọi thân thương của chị Hồng Hạnh dành cho má).

Má khỏe thì chị ăn cơm cùng, kể chuyện xưa, chở má đi chơi; má bệnh, vào viện thì chị nắm lấy bàn tay, chuyện trò, động viên má, đóng viện phí rồi quày quả trở lên Sài Gòn. Việc lo lắng, săn sóc má trăm sự nhờ em út và các cháu.

Gia đình chị Hồng Hạnh (đứng giữa) đoàn tụ, mừng tuổi má ngày tết - Ảnh do nhân vật cung cấp
Gia đình chị Hồng Hạnh (đứng giữa) đoàn tụ, mừng tuổi má ngày tết - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chị Hồng Hạnh chia sẻ: “Tôi thích đi du lịch và cũng thích rảnh rang nằm trên giường nghỉ ngơi, xem tin tức, tập ca hát nhưng tất cả tạm gác lại để được gần má nhiều hơn ở tuổi “gần đất xa trời”. Nhà cửa quạnh hiu, má tủi thân, niềm vui còn lại của má giờ đây là được bên cạnh con cháu và đếm tiền trong bao lì xì đỏ bất kể xuân, hạ, thu, đông. Còn má trên đời, mình thương mình quý chứ khi mất đi rồi, dẫu cúng mâm cao cỗ đầy cũng đâu tránh được hụt hẫng, xót xa”.

Trong lòng chị vẫn thường sống lại ký ức đẹp đẽ êm đềm bên ba - người mà chị gần gũi, yêu thương nhất. Kỷ niệm sâu sắc là lần ba tự nguyện bán căn nhà lớn ở Sài Gòn để mua căn nhà nhỏ và đưa số tiền chênh lệch cho chị làm vốn.

Cầm ly nước trà, chị quỳ xuống, nghẹn ngào nói: “Chuyến này nếu làm ăn được con mới trở về trả tiền lại ba; nếu không, con không dám về gặp ba”. Ba chị bật khóc: “Con đừng nói vậy. Làm được hay không, con cũng phải về, ba không trách gì con đâu. Con cứ về với ba, đừng lo lắng, bận tâm rồi làm chuyện dại dột”.

Đã mười mấy năm, ba theo ông bà, bao nhiêu tình yêu thương, chị dồn hết cho má. “Sao lâu quá bây chưa về thăm vú?” - câu hỏi ấy vẫn cồn cào lòng chị 2 lượt đi - về…

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.

  • Nuôi dạy con xuyên biên giới

    Nuôi dạy con xuyên biên giới

    14-12-2024 06:14

    Vì công việc đặc thù, có những ông bố, bà mẹ phải chấp nhận cảnh nuôi dạy con xuyên biên giới.