PNO - Những vì sao anh hùng, họ không vằng vặc trên cao, họ lặn thầm trong đất, trong cội rễ nhân dân - nơi ấy, họ đã được sinh ra, được dưỡng nuôi và trở về. Bất tử.
Khi bắt tay thực hiện chương trình Những vì sao Thành phố, sẽ diễn ra lúc 18g30 ngày 19/10, địa điểm đầu tiên và duy nhất chúng tôi nghĩ tới là phải về nhà má Tám Rành, ở ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, người mẹ đào hầm nuôi giấu cán bộ, người mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc 8 người con trai và hai đứa cháu nội, ngoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chỉ khi đứng trên mảnh đất trĩu nặng đức hy sinh ấy, lời ca tiếng hát hay những thanh âm của lòng biết ơn, sự cảm phục mới phần nào trang trải tấm lòng của những thế hệ hậu sinh…
Đêm tổng dợt chương trình nghệ thuật Những vì sao Thành phố (NSƯT Mỹ Hằng trong Sáng mãi niềm tin)
1. Đã nhiều lần tôi đứng nơi mảnh đất ấy, tự hỏi, đất Củ Chi nhiều đá sỏi hay chính sự can trường, lòng quả cảm của người dân nơi đây đã hun đúc nên thành lũy Đất Thép? Câu trả lời hiện diện ngay trước mặt, là 10 bài vị của 10 người con, cháu liệt sĩ của má Tám Rành - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngước nhìn bức tượng má Tám, sáng loáng những nếp nhăn, tôi cố nhìn thật lâu, thật sâu vào bức chân dung ấy, bàn tay của nhà điêu khắc liệu có khảm nổi nỗi đau trong trái tim người mẹ.
Vì vậy, khi chọn ca khúc Huyền thoại mẹ (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), người thể hiện là ca sĩ Phương Thanh - giọng hát luôn neo đầu sóng gió cùng lính biển, tôi cố tìm cho bằng được một người mẹ có thật, bà cũng thứ tám, tên thật là Nguyễn Thị Điều, chiến sĩ của Đội quân tóc dài, cha bà hy sinh ngay trên quê hương Bến Tre, bao năm rồi, bà Tám vẫn đi tìm xác của hai người em liệt sĩ. Đêm nay, bên cây đèn dầu leo lét, bà Tám sẽ cất lời ru mà mong ngóng những đứa con về mở liếp trong đêm. Chỉ đôi ba phút khắc họa cho ca khúc nhưng là cả một đời xương máu, thấm vào đất đầy máu xương của má Tám và bao người con Đất Thép.
Đây chính là mạch khởi đầu cho một chương trình tái hiện những khuôn mặt Việt Nam, qua dáng vóc đàn bà, tự bao đời, là ý thức tự quyết, là trách nhiệm thấu đáo vì chồng con, vì đại cuộc. Những hằng số văn hóa Việt đã chứng minh cho sự tồn tại, phát triển từ nguyên lý Mẫu (chữ dùng của giáo sư Trần Quốc Vượng), mà một trong những nghiệm sinh sống động nhất, hào hùng nhất chính là những nữ tướng, nữ vương lại mở đầu cho trang sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc của dân tộc.
Một Trưng Trắc trước giờ ra lệnh tiến binh lại tế sống chồng, dõng dạc rút gươm sau khi đã vẹn tròn đạo nghĩa (Tiếng trống Mê Linh - tác giả Việt Dung - Vĩnh Điền, thể hiện nghệ sĩ Thy Trang). Một Thái hậu Dương Vân Nga chông chênh giữa vận nước, tình nhà; nhưng rốt cùng đã đặt nghiệp cả toàn dân lên trên tất cả (Hoàng hậu của hai vua - tác giả: Lê Duy Hạnh, thể hiện: NSND Bạch Tuyết). Một Nguyễn Thị Minh Khai (Sáng mãi niềm tin - tác giả: Lê Duy Hạnh, thể hiện: NSƯT Mỹ Hằng) trong lao tù, khí tiết người cộng sản được hun đúc bằng tình mẫu tử thiêng liêng…
Nghệ sĩ Thy Trang trong Tiếng trống Mê Linh đêm tổng dợt chương trình
Để từ đó, lý giải cho cảm thức mở đầu với Đất nước lời ru (Văn Thành Nho - thể hiện: ca sĩ Lê Mai) - của người mẹ Việt Nam, của Tổ quốc Việt Nam, vừa can trường mạnh mẽ, vừa mềm mại, thiết tha, “tay vung gươm tay mềm mại bút hoa” trong mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước.
2. Cuối năm 2017, tôi theo chân bà Trương Mỹ Hoa, cựu tù Côn Đảo, chị Merle Ratner Evelyn, đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ đến thăm bà Ngô Thị Huệ, Trưởng ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định đầu tiên, năm 1955. Họ gọi nhau là đồng chí. Họ không nói nhiều về cuộc chiến hôm qua, chỉ là phút mừng mừng tủi tủi khi còn trở về, còn sống thay, sống tiếp cho bao người ngã xuống. Bà ngồi đó, trăm năm đã đi qua vầng trán rộng, khuôn mặt bao dung, ký ức là gạch nối hiện tại của bà, giữa những câu chuyện vẫn nhẹ nhàng, đằm thắm gọi ba tiếng “ông nhà tôi”.
Tôi nhìn ra ngoài sân, cả bờ tường xanh rì màu trúc. Có tiếng gió xào xạc, nghe như cái đêm 14 mùa hè năm 1948, trong căn nhà lá đơn sơ bên rạch Chanh, giáp từ Long An qua Bình Chánh, Sài Gòn, đêm đầu tiên sau “lễ cưới”, do ông Lê Văn Sĩ - bạn tù Côn Đảo của ông làm “chủ lễ”, ông bà kể cho nhau nghe mỗi quãng đời của mình, ông đã khóc. Bà hỏi: “Nghe nói người cộng sản không biết khóc mà?”, người chồng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh đạo đáng kính của thời kỳ đất nước đổi mới đã nói: “Có chứ! Người cộng sản nếu có khác người thường là ở chỗ biết lúc nào phải lau nước mắt”.
Tôi mang theo bầu trời sao, ánh trăng vằng vặc đêm 14 của 70 năm trước ấy, làm nguồn tâm cảm để tìm lại những “vì sao” đã trôi qua hai mùa kháng chiến; những “vì sao” đã lặn vào đất từ 63 năm nay, kể từ thời điểm 1955, khi Khu ủy Sài Gòn - Gia Định thành lập Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định cho đến ngày tổ chức cách mạng này được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2018; những vì sao đang lấp lánh trên những bờ ngực vẫn căng tràn nhiệt huyết, trung kiên lý tưởng của các cô các chú các dì trong bí danh huyền thoại T4 năm nào.
Đêm nay, bên cây đèn dầu leo lét, bà Tám sẽ cất lời ru mà mong ngóng những đứa con về mở liếp trong đêm. Chỉ đôi ba phút khắc họa cho ca khúc nhưng là cả một đời xương máu, thấm vào đất đầy máu xương của má Tám Rành và bao người con Đất Thép. Đây chính là mạch khởi đầu cho một chương trình tái hiện những khuôn mặt Việt Nam, qua dáng vóc đàn bà, tự bao đời, là ý thức tự quyết, là trách nhiệm thấu đáo vì chồng con, vì đại cuộc.
Trên hành trình di sản chưa được đặt tên ấy, ngay cả khi được chính thức công nhận là anh hùng trong tập thể anh hùng ấy, mỗi thành viên, khi ngồi lại, không một ai nói về chiến tích của riêng mình, họ chỉ biết tới chiến công là ngày toàn thắng. Họ chỉ nhớ và rơi nước mắt khi nhắc về đồng đội, người nằm xuống giữa đường phố Sài Gòn, người hy sinh trong lao tù, người đến khi chết vẫn còn mang hàm oan trong những vỏ bọc làm nhiệm vụ. Họ ray rứt khi đường về thăm, trả ơn những gia đình quần chúng đã cưu mang, nuôi nấng, chở che họ trong chiến tranh đang ngày một dài hơn, xa hơn…
Giờ đây, tôi đang đối diện với các anh hùng. Là vết cắt nơi cánh tay trái của dì Lê Hồng Quân đã liền da. Từng chi tiết nhỏ trong trận đánh đợt 2, chiến dịch Mậu Thân tại đường Đề Thám không bao giờ sai lệch trong ký ức, trong hơi thở của người Tiểu đội trưởng Đội Lê Thị Riêng. Bà cùng Bạch Cát và Quang quyết định ở lại, hút hỏa lực để đồng đội rời địa bàn. Trước khi tự chặt cánh tay bị thương, đứa con gái ấy vẫn tiếc chiếc nhẫn của má cho còn vướng lại nơi ngón áp út… Là mái tóc bạc trắng của cô bé giao liên Út Vân, 13 tuổi đã thoát ly làm cách mạng, ý thức thế mạnh “là con nít nên dễ qua được tai mắt địch”, vận chuyển trót lọt truyền đơn, tài liệu cho các cơ sở ven đô, nội thành. Là câu chuyện của những ngày sống ngay giữa vùng lõm nội đô Sài Gòn của bà Lê Thị Thu (tức Út Hường), sống ngay trong căn nhà của quần chúng vốn nghe đồn “Việt cộng không tốt”, tối ngày chửi Việt cộng nhưng lại che giấu Việt cộng, nuôi con Việt cộng…
Và còn lại không nhiều những con người của một thế hệ mang toàn những bí danh. 43 năm đất nước thanh bình, những dịp gặp lại, họ vẫn cứ gọi nhau, ôm nhau bằng cái tên trong kháng chiến, là Tư Liêm, Chín Xà, Tư Tâm, Hai Thanh, Tám Thảo, Sáu Hộ, Sáu Tam, Bảy Hà, Tám Nhỏ…
Những vì sao anh hùng, họ không vằng vặc trên cao, họ lặn thầm trong đất, trong cội rễ nhân dân - nơi ấy, họ đã được sinh ra, được dưỡng nuôi và trở về. Bất tử.
Lê Huyền Ái Mỹ
Chương trình nghệ thuật 'Những vì sao Thành phố'
Tối nay (19/10), tại Nhà tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành (xã Phước Hiệp, H.Củ Chi), sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật Những vì sao Thành phố do Hội LHPN TP.HCM và Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp tổ chức.
Chương trình gồm nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc ngợi ca phụ nữ Việt Nam, tri ân những người đã hy sinh tuổi trẻ, máu xương cho Tổ quốc, qua phần biểu diễn của nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết, nghệ sĩ ưu tú Mỹ Hằng và các nghệ sĩ, ca sĩ Thy Trang, Phương Thanh, Hồ Trung Dũng, Nguyễn Hồng Ân, Lê Mai... Dự kiến, có khoảng 700 đại biểu nguyên là cán bộ phụ vận Sài Gòn - Gia Định, cán bộ, hội viên nòng cốt và văn nghệ sĩ tham dự chương trình.
Trước chương trình văn nghệ, sẽ diễn ra nghi thức kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930-20/10/2018), 8 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) và lễ chúc mừng Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.