Sao lại vận động học sinh bỏ thi vào lớp Mười?

22/05/2024 - 05:57

PNO - Những ngày qua, dư luận được một phen cười ra nước mắt khi một số trường yêu cầu học sinh lớp Chín viết đơn theo mẫu, xin không dự kỳ thi vào lớp Mười do sức học không tốt. Hướng nghiệp, phân luồng cuối bậc THCS là cần thiết nhưng thật khó chấp nhận cách làm có tính ép buộc như trên.

Trò muốn thi, trường không cho

Khi rộ thông tin giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Bứa phát mẫu đơn “xin không thi tuyển vào lớp Mười” cho học sinh điền tên, UBND huyện Hóc Môn, TPHCM đã cho kiểm tra và khẳng định cách làm như trên là không đúng quy định, đồng thời chỉ đạo phòng GD-ĐT rà soát tất cả các trường THCS để kịp thời chấn chỉnh.

Phụ huynh học sinh Trường THCS An Thượng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) cũng phản ánh về cách làm tương tự của nhà trường. Một số phụ huynh Trường THCS Tiến Thịnh (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) phản ánh rằng, con em họ không được phát phiếu đăng ký dự thi vào lớp Mười công lập năm học 2024-2025.

Chị V.T.N. - phụ huynh học sinh Trường THCS Tiến Thịnh - kể, con chị không được phát phiếu đăng ký dự thi vào lớp Mười như các bạn cùng lớp. Ban đầu, chị nghĩ con mình nhận phiếu muộn do học kém, cần thêm thời gian ôn tập thêm, nhưng ngày 2/5, trên nhóm Zalo của phụ huynh và giáo viên, chị nhận được thông báo về việc kết thúc chương trình học tăng cường và học thêm các buổi chiều; từ chiều 3/5, học sinh sẽ chuyển sang ôn thi vào lớp Mười và những trường hợp không thi được nghỉ vào các buổi chiều.

Học sinh Trường THCS Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) tham quan, tìm hiểu hệ thống đào tạo của một cơ sở giáo dục nghề nghiệp ẢNH: N.T.
Học sinh Trường THCS Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) tham quan, tìm hiểu hệ thống đào tạo của một cơ sở giáo dục nghề nghiệp - Ảnh: N.T.

Theo giáo viên, đối tượng “không thi” là “các trường hợp được nhà trường đã gửi giấy mời họp và giáo viên đã trực tiếp gọi điện tới gia đình”. Trước đó, chị V.T.N. được nhà trường mời đến trao đổi về việc con chị có lực học kém hơn các bạn, nhưng trong buổi gặp đó, chị chỉ được yêu cầu về đôn đốc con học. Do đó, khi nhận tin nhắn ngày 2/5, chị cũng không biết con mình nằm trong số “không thi”. Khi biết con mình không được thi vào lớp Mười, chị đến trường hỏi thì được thông báo, các cổng đăng ký tuyển sinh vào lớp Mười đã đóng.

Một số phụ huynh học sinh Trường THCS Tiến Thiết, Trường THCS Nghi Quang (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) phản ánh, nhà trường tổ chức 2 đợt khảo sát các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ; chỉ những học sinh được tổng điểm 15 trong đợt 1, tổng điểm 12 trong đợt 2 mới được học ôn để thi lên lớp Mười trường công, còn những học sinh không đạt mức điểm trên sẽ phải thi vào trường ngoài công lập hoặc trường nghề.

Học sinh phải có quyền được lựa chọn

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025”. Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, có 25 - 30% học sinh lớp Chín vào học giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp. Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phân luồng học sinh sau bậc THCS.

Giáo viên Trường cao đẳng  Cơ điện Hà Nội giới thiệu cho học sinh  THCS về cơ sở vật chất của trường - ẢNH: N.T.
Giáo viên Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội giới thiệu cho học sinh THCS về cơ sở vật chất của trường - Ảnh: N.T.

Theo các nhà nghiên cứu giáo dục, chủ trương như trên là cần thiết, giúp học sinh có lựa chọn phù hợp với khả năng của bản thân, giúp cân đối nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Tuy nhiên, việc hướng nghiệp, phân luồng phải có tính thuyết phục chứ không phải chiếu lệ, cứng nhắc như đã diễn ra ở một số nơi. Trên thực tế, việc hướng nghiệp ở cả bậc THCS và THPT ở Việt Nam thường là nói suông, không tính đến nhu cầu và sự hiểu biết của học sinh, đội ngũ hướng nghiệp cũng không chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Công Minh - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Trường cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội - cho rằng: “Nếu nhà trường biết cách làm, học sinh sẽ rất hào hứng với việc hướng nghiệp. Học sinh ở lứa tuổi ưa hoạt động, nên cách tốt nhất là cho các em trải nghiệm một số nghề, lĩnh vực cụ thể để tự đưa ra lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai của mình”.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam - nhận định, hiện tượng vận động học sinh không thi vào lớp Mười công lập xuất phát từ việc các trường sợ mất thành tích phấn đấu trong cả năm học, sợ danh tiếng của trường bị ảnh hưởng, chẳng hạn như tỉ lệ đậu thấp, điểm thi thấp… và tìm mọi cách để học sinh có học lực yếu không dự thi. Do đó, điều đầu tiên cần làm là các địa phương, ngành giáo dục các cấp nên bỏ hoặc không nhắc đến kết quả thi, tỉ lệ đậu trong các báo cáo, cuộc họp, đặc biệt là không đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Học sinh lớp Chín Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TPHCM) tham dự chương trình hướng nghiệp, tuyển sinh sau bậc THCS - ẢNH: T.T.
Học sinh lớp Chín Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TPHCM) tham dự chương trình hướng nghiệp, tuyển sinh sau bậc THCS - Ảnh: T.T.

Theo ông, mỗi học sinh có một thế mạnh riêng, tiềm năng riêng, nên không thể chỉ lấy các môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ ra làm thước đo về khả năng phát triển chung: “Các em có quyền được học tập và không ai có quyền ngăn cản, kể cả cha mẹ. Các em có quyền được tự lựa chọn cách thi phù hợp với khả năng của mình”.

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, để giải quyết gốc rễ vấn đề, ngành GD-ĐT cần phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trường, lớp, giáo viên và chất lượng giảng dạy, các trường phải dạy và học, kiểm tra, đánh giá thực chất hơn, tiến tới học thật, thi thật và hướng nghiệp thật. Khi đó, học sinh thấy rõ được khả năng, điểm mạnh, yếu cũng như quyền lợi chọn trường của mình và tự nguyện đưa ra lựa chọn thay vì bị ép chọn như hiện nay.

Việc hướng nghiệp ở trường phải liên tục

Việc phân luồng là cần thiết nhưng để đạt hiệu quả thì phải đồng bộ, có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp liên quan. Riêng với ngành giáo dục, cần tổ chức hướng nghiệp trong nhà trường liên tục chứ không phải một thời điểm nhất định.

Hằng năm, Sở GD-ĐT TPHCM đều có văn bản chỉ đạo về công tác hướng nghiệp, phân luồng nhưng vẫn xảy ra “chuyện này chuyện kia” là do đội ngũ làm công tác này ở các trường THCS chưa được đều tay, nhận thức và nghiệp vụ không đồng đều. Do đó, cần tập huấn để đội ngũ này thực sự am hiểu vấn đề, thuyết phục được học sinh chứ không phải chỉ giao cho giáo viên chủ nhiệm. Việc giao chỉ tiêu phân luồng cần căn cứ vào thực tế của từng địa phương, không nên áp đặt con số chung cho tất cả. Đồng thời, nên rà soát lại việc phân luồng trong suốt thời gian qua, xem còn dở chỗ nào để điều chỉnh.

Hướng nghiệp, phân luồng để đáp ứng nhu cầu của xã hội là đúng, nhưng cách chúng ta đang làm có phần đột ngột nên không nhận được sự ủng hộ. Như vừa qua, việc ngành GD-ĐT TPHCM công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp Mười chỉ đạt hơn 60% tổng số học sinh đang học lớp Chín đã khiến học sinh, phụ huynh phản ứng mạnh. Do đó, phải xây dựng lộ trình phân luồng rõ ràng dựa trên cơ sở khoa học và công khai để cộng đồng hiểu được. Mặt khác, việc đặt chỉ tiêu thi đua cho các trường THCS dựa theo tỉ lệ học sinh thi đậu trên tổng số học sinh dự thi vào lớp Mười công lập là chưa phù hợp, vô tình gây áp lực cho cả nhà trường lẫn học sinh. Nếu học sinh muốn thì cứ để các em thi, rớt thì hướng nghiệp sau.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Không nên phân biệt văn bằng THPT và trung cấp nghề

Chúng ta đã hô hào phân luồng 3 thập niên nhưng chưa giải quyết tốt. Bối cảnh kinh tế, xã hội đã thay đổi nhiều, nên cần có cách nhìn mới về phân luồng.

Việc học sinh không mặn mà với trường nghề không chỉ do chất lượng đào tạo của trường nghề mà còn do chương trình đào tạo thiếu linh hoạt. Với đầu vào là học sinh lớp Chín thì có một số nghề dễ đào tạo nhưng cũng có những nghề cần nền tảng kiến thức phổ thông vững chắc, đòi hỏi phải có chiến lược, chương trình đào tạo giáo dục khác biệt. Ở nước ngoài, luôn có chương trình để đào tạo giáo viên dạy cho người sau 16 tuổi.

Chỉ trong 3 năm, vừa đào tạo kiến thức bậc THPT, vừa đào tạo nhuyễn 1 nghề là rất khó. Theo tôi, phải thiết kế lại chương trình, dạy tích hợp văn hóa với kỹ năng nghề. Ví dụ, thay vì học riêng lẻ từng môn toán, lý, hóa, có thể tích hợp vào giáo trình nghề: nghề kế toán thì dạy toán kế toán; nghề nấu ăn thì dạy toán để tính tỉ lệ nguyên liệu, dinh dưỡng, khẩu phần; nghề cơ khí thì tích hợp kiến thức vật lý, điện, sự nóng chảy, nhiệt… Việc tích hợp sẽ rút ngắn thời gian để dạy được nhiều hơn, thực hành nhiều hơn, giúp người học hình thành khả năng học suốt đời, không lo bị đào thải khi thị trường thay đổi. Để làm được như thế, cần có thời gian để chuẩn bị về chương trình và đội ngũ, đồng thời cần chủ trương của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chứ không phải giao cho các trường.

Hiện tại, để thu hút học sinh vào các trường nghề, khi tuyển sinh đại học hay tuyển dụng nhân sự, không nên phân biệt 2 loại văn bằng THPT và trung cấp nghề. Ở các nước phát triển, học sinh sau THCS có rất nhiều lựa chọn trên con đường học tập nhờ có các mô hình trường trung học đa dạng, khi tốt nghiệp trường THPT bình thường, trung học nghề, trung học kỹ thuật, trường bán công thì đều được cấp bằng trung học.

Tóm lại, để thay đổi chất lượng của các trường trung cấp nghề, ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, cần thay đổi chương trình, đào tạo đội ngũ giáo viên, gắn với doanh nghiệp.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT)

Trang Thư (ghi)

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI