Sao lại miệt thị quần áo người lao động nghèo?

10/06/2021 - 16:13

PNO - Cộng đồng mạng đang dậy sóng với phát ngôn của một stylist khi anh miệt thị người lao động nghèo.

Anh này nói: “Một điều chán nản nhất ở Việt Nam là người lao động rất lao động, tay chân nhớp nháp, quần áo tuầy huầy bê bối. Đâu nhất thiết nghèo thì phải rách nhỉ”. 

Sau khi nhận rất nhiều lời chỉ trích, anh này lên tiếng xin lỗi, cho biết do căng thẳng nên có phát ngôn thiếu kiểm soát. Câu chuyện của stylist nọ chắc chắn sẽ lắng xuống, nhưng dư âm sẽ có thể kéo dài, ít nhất với riêng tôi.

Từ nhỏ, tôi quen hình ảnh cha lúc nào cũng luộm thuộm với những chiếc quần luôn có lai rách bươm, trong khi đầu gối, túi áo ít khi lành lặn. Tôi cũng quen với việc người ta gắn tên nghề vào tên cha mẹ: Út giữ xe. 

Tôi học lớp đầu khối. Bạn bè hầu như đều có cha mẹ làm công nhân viên chức nhà nước, kinh doanh, giáo viên hoặc ít nhất cũng buôn bán nhỏ lẻ. Trong những lần họp phụ huynh, cha mẹ tôi và họ là hai hình ảnh khác biệt.

Dĩ nhiên, cha mẹ tôi vẫn biết cách ăn mặc chỉnh tề, nhưng làm sao có thể giống cha mẹ chúng bạn. Từng có thời gian tôi mắc cỡ vì điều ấy. Tôi nghĩ vì sao cha mẹ không chọn nghề khác, rồi nghĩ nếu như tôi sinh ra trong một gia đình khác, tôi sẽ như thế nào...

Một stylist làm dậy sóng dư luận với phát ngôn về người lao động Việt Nam 
Một stylist làm dậy sóng dư luận với phát ngôn về người lao động Việt Nam tay chân nhớp nháp, quần áo tuầy huầy bê bối

Hè lớp 8, gia đình gặp biến cố, tôi và chị gái phải đi giữ xe phụ cha mẹ. Nắng, gió, bụi đường khiến tôi vô cùng khó chịu. Chỉ sau 1 tuần, quần áo của tôi đều xuất hiện những vết rách vì cọ quẹt vào xe cộ, đất đá. Tôi cố giữ cách mấy cũng không được. Về đến nhà, cả người tôi rất bẩn vì bụi đất bám đầy trên người, chưa kể mồ hôi khiến da thịt như bị áo một lớp đường với mùi khá khó chịu. 

Lần đầu tiên tôi hiểu sự khổ nhọc của nghề cha mẹ. Trong một khoảnh khắc, những suy nghĩ trước đó quay lại, khiến tôi thấy mình như tội đồ. Anh chị em chúng tôi lớn lên mỗi ngày, và chuyện học, chuyện ăn luôn cần đến tiền. Cha mẹ tôi không có lựa chọn nào khác bởi đó là nguồn sống của cả gia đình.

Giữa tháng 5 vừa qua, không ít người giật mình khi xem một đoạn video với nhân vật chính là anh Bảy Khánh (một nhân viên công ty dịch vụ công ích Q.6, TPHCM) làm nghề móc cống hơn 30 năm.

“Tui yêu cái nghề này lắm. Vì thấy nước ngập, rác rến dân quăng tùm lum tùm la, từ ngày đó tui mới làm nghề này. Tui gắn bó đây là 31 năm rồi”, anh nói gọn lỏn khi vừa trồi người lên khỏi miệng cống đen ngòm. 

Sự gọn gàng, thơm tho là những khái niệm xa xỉ với anh khi cuộc sống chỉ gói trọn trong những đường cống với dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Nhưng hình ảnh có phần nhếch nhác đó lại khiến người ta nể trọng. Bởi 31 năm qua anh có thể chọn một nghề khá hơn, chứ không phải công  việc gian khổ này.

Anh Bảy Khánh làm nghề móc cống 31 năm tại Sài Gòn
Anh Bảy Khánh làm nghề móc cống 31 năm tại Sài Gòn

Hình ảnh ông Nguyễn Văn Xin (1975, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) mặc chiếc áo sơ mi cũ nhàu, nhuốm màu “cháo lòng” đang sắp xếp lại mới ve chai, tính chuyện bán nhà để con vào đại học khiến không ít người xúc động. Bị tật nguyền từ nhỏ, cuộc sống lại khó khăn nhưng ông chưa bao giờ bỏ cuộc để con có cơ hội tìm thấy tương lai sáng hơn.

Không chỉ trên mặt báo, trên mạng xã hội, mà ngoài kia có không ít câu chuyện như thế. Họ là những người ăn mặc không đẹp đẽ, chẳng gọn gàng, đôi khi luộm thuộm nhếch nhác, nhưng đang làm những công việc tử tế để ít nhất họ được sống đàng hoàng, gia đình có 3 bữa đủ đầy, và hơn nữa là đóng góp cho xã hội.

Chiếc lai quần rách của cha đi theo năm tháng giúp 3 anh em nhà tôi làm những nghề tốt trong xã hội. 31 năm, có lẽ anh Khánh cũng không nhớ hết đã dọn bao nhiêu đường cống, nhưng điều anh biết là công việc này giúp đô thị đẹp hơn mỗi ngày. 

Ông Nguyễn Văn Xin tật nguyền, nghèo nhưng không từ bỏ hy vọng để con được học đại học
Ông Nguyễn Văn Xin tật nguyền, nghèo nhưng không từ bỏ hy vọng để con được học đại học

Hoàn cảnh, điều kiện sống tác động đến cách nhìn của con người với xã hội. Sống trong thế giới của thời trang, quan điểm của anh chàng stylist kia không hẳn không có lý do. Nhưng cái nhìn đó không bao quát xã hội. 

Chẳng có người thợ sửa xe nào ăn mặc chỉnh tề như người làm công sở. Cũng không có người bán hàng rong nào lung linh như người mẫu, diễn viên. Có người phải tạm gác ước mơ có một chiếc áo quần lành lặn để con cái được ăn no mặc ấm.

Nếu ai cũng chọn làm nghề được thơm tho, sạch sẽ thì những việc còn lại sẽ giao cho ai. Không có những chiếc áo rách, không có sự lam lũ, nhếch nhác ngoài đồng ruộng, liệu xã hội này có tồn tại?

Giá trị con người không nằm ở những thứ thuộc về vẻ ngoài, dẫu xã hội hiện tại đang có vẻ tôn sùng điều đó. Một chiếc quần, một cái áo không lành lặn, một khoảnh khắc không gọn gàng tươm tất chẳng có lý gì để bất cứ ai miệt thị...

Hà Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI