Sao lại lôi con vào chuyện của cha mẹ?

24/05/2020 - 12:57

PNO - Thế giới của hôn nhân là một thế giới chỉ có hai con người, nhưng đối đầu nhau mới thấy họ kinh khủng. Khi vợ chồng không còn tin tưởng nhau nữa, tất nhiên họ sẽ dò xét, nghi ngại, làm tổn thương nhau bằng nhiều cách.

Trong phim Thế giới hôn nhân, một bộ phim “hot” của Hàn Quốc, đứa con trai độ tuổi dậy thì nói với mẹ: “Tại sao con phải sống như thế này? Bố mẹ ly hôn. Bố thì cưới người đàn bà khác. Đó không phải là chuyện một đứa trẻ có thể chịu đựng…”.

Chỉ là một câu trong kịch bản được dựng thành phim, và không mới, nhưng đã khiến nhiều người làm cha mẹ phải suy ngẫm. 

Có cha mẹ nào đặt mình vào vị trí của những đứa con khi đưa ra quyết định dứt điểm một cuộc hôn nhân? 

Rõ ràng, cha mẹ không thể nào biết được con cái nghĩ gì trong câu chuyện của người lớn, nhất là khi người lớn còn níu con cái vào cuộc. Không chỉ ở những gia đình ly hôn, mà trong một gia đình đầy đủ cũng vậy, con cái thường được người lớn đưa ra để làm áp lực hay cầu nối cho mối quan hệ vợ chồng.

Đơn cử một câu chuyện nhỏ, vợ chồng giận nhau, nói chuyện với nhau phải qua con cái, mượn con cái chuyển lời của mình đến đối phương. Họ thường không quan tâm đến tâm trạng của con khi ấy như thế nào, họ chỉ biết giải quyết vấn đề của mình thông qua chúng. 

Một bà vợ đi đánh ghen dắt theo đứa con trai khoảng bốn tuổi để làm lá chắn “lỡ có chuyện gì ba nó không dám đánh tôi, vì ổng rất thương thằng bé”. Đó là lý do chị ta đưa con vào cuộc. Trời trưa nắng, thằng bé mồ hôi nhễ nhại, mặt mày đỏ lửng, tò tò đi theo mẹ.

Nghe mẹ chửi nhau với cô tiếp viên khách sạn, nó chẳng hiểu gì cả vì còn bé quá, nhưng chắc chắn hình ảnh này sẽ theo nó mãi đến khi lớn lên. 

Một ông chồng hay nhậu, mỗi khi nhậu về thích nói nhiều, đủ thứ chuyện từ hạch hỏi, tra vấn vợ rồi đến chửi vợ, gia đình vợ, bạn bè vợ. Hôm nào anh ta đi nhậu về mà những đứa con còn thức thì êm, vì anh ta cảm giác cả nhà đang đợi anh ta về cho… vui (!). Nếu hôm nào những đứa con đã say giấc, thì mình chị vợ phải chịu trận cho đến khi anh ta ngủ mới được yên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bởi vậy, mỗi lần ông chồng đi nhậu, dù khuya cách mấy bà vợ cũng buộc các con phải thức để chúng làm “lá chắn”. Các con thương mẹ ráng thức chờ cha về, dù ngày mai chúng phải đi học sớm. Trường hợp này cả cha và mẹ đều không đặt vị trí là những đứa con, họ chỉ biết cho họ.

Rất nhiều trường hợp tương tự, để rồi không ai trả lời được câu hỏi của những đứa con: “Người lớn phải tự giải quyết chuyện giữa họ với nhau, tại sao phải lôi con cái vào?”. Thế nhưng, đó cũng là tâm lý bình thường của con người khi muốn tìm đồng minh. Cha mẹ không lôi con cái vào cuộc thì biết lôi ai đây? 

Một tâm lý khác khi bà mẹ hay ông bố đổ lỗi cho nhau bằng cách trút xuống đầu đứa con. Quá nhiều trường hợp người lớn lôi con trẻ vào cuộc một cách quá đáng: “Sao mà đẻ ra cái nòi như vậy!”.

Đôi khi chỉ là một câu nói bâng quơ, nhưng khi qua cơn giận rồi, nghĩ lại mới thấy đó là một câu nói không có tâm. Yêu nhau bao nhiêu lời hay, ý đẹp, cử chỉ thương yêu trìu mến dành cho nhau, đến khi tình yêu cạn rồi, tài sản quý báu nhất là đứa con cũng bị mang ra nguyền rủa. 

Thế giới của hôn nhân là một thế giới chỉ có hai con người, nhưng đối đầu nhau mới thấy họ kinh khủng. Khi vợ chồng không còn tin tưởng nhau nữa, tất nhiên họ sẽ dò xét, nghi ngại, làm tổn thương nhau bằng nhiều cách. 

Cha mẹ thử đặt mình vào vị trí của những đứa con sẽ thấy gì? Thái độ bơ đi là đa phần của con cái bây giờ. Chúng không muốn quan tâm đến chuyện người lớn, miễn là chúng yên, đừng bắt chúng vào cuộc. Nếu cố tình đưa con cái ra làm cầu nối hay lá chắn, rất có thể sẽ có những trường hợp sau: con cái vào phe cha hoặc mẹ, con cái tỏ vẻ bất cần và có tư tưởng muốn thoát ly khỏi gia đình, học hành bê trễ, giảm sút, nổi loạn… Rõ ràng, tất cả những điều này cha mẹ đều hiểu, nhưng cả hai bên đều chỉ vì họ mà không màng đến phần con, dù bề ngoài họ luôn tỏ ra “tất cả vì con”. 

Nhiều người đúc kết, hôn nhân là sự chịu đựng và bao dung, không chỉ với người phối ngẫu, mà còn với con cái. Về phần con cái, không thể trách khi chúng tự hỏi ai tạo ra chúng để chúng phải ra nông nỗi này, mà nên hiểu chúng hoàn toàn có lý khi nói lên điều đó.

Cuối cùng, tại sao rất ít cha mẹ giải thích với con, rằng mỗi người khi sinh ra đều có một số phận, và bởi gia đình là một chuỗi mắt xích không thể tách rời, nên bất hạnh của người này sẽ ảnh hưởng đến người kia. Vấn đề là phải cùng nhau giải quyết trong minh bạch, vị tha, không thù hằn. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI