Sao lại… “dụ dỗ” con tôi học nghề?

02/07/2023 - 13:29

PNO - Đó là lời trách móc của không ít phụ huynh khi con em họ được nhà trường tư vấn chọn nghề phù hợp năng lực học tập.

Tại Trường THCS Trần Quang Khải (quận 12), mỗi năm tỉ lệ phân luồng học sinh sau THCS dao động từ 30-35%. Dù vậy, theo thầy Đinh Văn Thịnh - Hiệu trưởng nhà trường, công tác phân luồng học sinh sau THCS của trường vẫn gặp nhiều khó khăn…

“Khi tư vấn, học sinh thì mong muốn theo học nghề song phụ huynh lại không đồng ý, thậm chí nhiều phụ huynh còn trách móc: Sao nhà trường lại… “dụ dỗ” con tôi học nghề? Có phụ huynh còn cho rằng nhà trường coi thường năng lực của các em nên mới tư vấn cho đi học nghề. Tuy nhiên, cũng có những học sinh khi lựa chọn hướng học nghề, được gia đình ủng hộ, nhiều phụ huynh lại quay lại cảm ơn nhà trường vì đã “tư vấn đúng đắn” theo năng lực, sở thích của học sinh, giúp các em học nhẹ nhàng, vui vẻ”- thầy Đinh Văn Thịnh kể. 

Công tác hướng nghiệp học sinh sau THCS cần thực hiện có chiều sâu, bài bản
Công tác hướng nghiệp học sinh sau THCS cần thực hiện có chiều sâu, bài bản

Từ thực tế đơn vị mình, thầy Đinh Văn Thịnh cho rằng để công tác tư vấn phân luồng học sinh sau THCS đạt hiệu quả thì quan trọng nhất là sự đồng hành, thấu hiểu của phụ huynh học sinh. Nếu phụ huynh hiểu được vấn đề thì việc tư vấn, phân luồng của nhà trường mới có thể đạt được hiệu quả cao. Còn không sẽ vẫn là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Cô Đinh Thiên Ân - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bé (quận Bình Thạnh) cho biết, công tác hướng nghiệp học sinh sau THCS luôn được nhà trường chú trọng, qua nhiều hình thức: giáo viên chủ nhiệm tư vấn, tổ chức các chương trình hướng nghiệp với sự phối hợp của các trường trung cấp, cao đẳng nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên…, để phụ huynh học sinh nắm và hiểu rõ về các hướng đi này. 

Đặc biệt, nhà trường đưa học sinh đến trải nghiệm trực tiếp tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề để nhìn nhận rõ hơn về mô hình đào tạo, chương trình giáo dục, các lợi ích thiết thực ở bậc học này. Dù vậy, tỉ lệ học sinh sau THCS rẽ sang hướng học nghề tại trường vẫn còn rất ít. 

“Một trong những nguyên nhân khiến học sinh  và gia đình chưa mặn mà với hệ học nghề sau THCS đó là chưa thực sự thấy được “hướng ra” của hướng đi này. Lợi ích của hướng học này thì nhiều, các trường nghề cần có các minh chứng thuyết phục hơn nữa giúp phụ huynh thay đổi quan niệm, nhận thức”- cô Thiên Ân nhấn mạnh.
 

Nút thắt phân luồng khiến công tác này chưa hiệu quả
"Nút thắt" phân luồng khiến công tác hướng nghiệp chưa hiệu quả

Hiệu trưởng này cho rằng, để có thể đạt được mục tiêu đến năm 2025 ít nhất 40% học sinh sau THCS đi theo các hướng học nghề thì còn cần nhiều hơn nữa những nỗ lực từ mọi phía. Trong đó không chỉ là vai trò của nhà trường, giáo viên, nhận thức của học sinh mà quan trọng hơn cả đó là thay đổi quan niệm của phụ huynh, đặc biệt là các trường nghề phải song hành nhiều hơn nữa cả về việc tuyên truyền cho đến đổi mới về chất lượng đào tạo…

“Nút thắt” truyền thông 

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM vẫn còn thấp. Công tác tư vấn, định hướng và phân luồng đối với giáo dục nghề nghiệp cho học sinh THCS và THPT còn nhiều hạn chế.

Hiện nay, việc dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định rõ ràng và triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả, tạo thêm thuận lợi cho người học khi vừa được học nghề, vừa được học văn hóa để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ đó có thể liên thông lên các bậc học cao hơn.

“Nút thắt nằm ở chỗ làm sao truyền thông được đến phụ huynh, học sinh về những lợi ích của việc theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau THCS, để những em phù hợp có thể tham gia. Các trường học cần sâu sát hơn nữa việc truyền thông, tư vấn cho phụ huynh, học sinh về những lợi ích của việc theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau THCS…”- ông Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận.

Nâng cao chất lượng các chương trình tư vấn hướng nghiệp

Theo ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, để gia tăng hơn nữa hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS, THPT, Sở GD-ĐT cần phải chỉ đạo các trường THCS, THPT tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức các buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp. Cần quan tâm tổ chức các ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp với số lượng và quy mô lớn, chất lượng hơn nhằm tác động phân luồng được nhiều hơn đến học sinh, phụ huynh.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo đầu ra cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra có thể tính toán đến đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp để gia tăng tỉ lệ lao động đã qua đào tạo theo mục tiêu của TPHCM…

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI