Người chăm sóc trẻ phải cùng giới tính
Trong buổi họp báo liên quan đến vụ việc trên, vấn đề được nhiều người đặt ra là, vì sao bị can Nguyễn Tiến Dũng là nhân viên nam, lại được ra vào các phòng của các bé gái trong nhiều đêm để thực hiện hành vi dâm ô? Có phải đơn vị đã phân công ông Dũng trực ở khu vực các bé gái?
Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thành Phụng - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM - cho biết, hằng đêm, trung tâm bố trí ca trực gồm giám đốc hoặc phó giám đốc, cán bộ chủ chốt phòng khoa với số lượng 11-12 người.
Mỗi ca trực đều có nhân viên nam và nữ, nhưng do số lượng nhân viên nữ ít nên có ca trực chỉ có nam. Việc bố trí ông Dũng trực đêm là theo kế hoạch hằng tháng. Bà Phụng cho biết, đang rà soát việc có phân công ông Dũng trực đêm ở khu vực của nữ hay không.
Trước thông tin do bà Phụng cung cấp, câu hỏi đặt ra là: vì sao một trung tâm hỗ trợ xã hội lớn của một thành phố lớn lại thiếu nhân viên nữ? Lúc được phân công trực, các nhân viên trực cùng ông Dũng làm gì mà để ông này thường xuyên thực hiện hành vi dâm ô với các em qua cửa sổ phía sau phòng ở?
|
Bà Nguyễn Thành Phụng cung cấp một số thông tin tại buổi họp báo về vụ nhiều bé gái bị dâm ô |
Theo bà Phan Thanh Minh - nguyên Trưởng phòng Chăm sóc - Bảo vệ trẻ em, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - việc bố trí người chăm sóc trẻ ở các trung tâm bảo trợ xã hội theo giới tính là rất cần thiết. Đây là cách để phòng ngừa và bảo vệ tốt cho trẻ và cả nhân viên.
“Không chỉ ở các trung tâm hỗ trợ xã hội mà ngay cả các cơ sở từ thiện nuôi dạy trẻ cũng cần phải rà soát, chú ý điều này. Từ lâu, khi được tham vấn ý kiến của các cơ sở nuôi dạy trẻ từ thiện, tôi đã luôn yêu cầu người chăm sóc trẻ phải cùng giới tính, không nuôi lẫn lộn trẻ em nam với nữ và đề nghị phải giám sát chặt quá trình chăm sóc trẻ ở các cơ sở bảo trợ xã hội, dù nơi đó tất cả trẻ và nhân viên là nam hoặc 100% đều là nữ” - bà Minh nói.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết, hiện nay, không có quy định về giới tính của những người làm công tác bảo trợ xã hội mà chỉ lưu ý các tiêu chuẩn về điều kiện, sức khỏe, năng lực hành vi dân sự, phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích, theo quy định của điều 25, Nghị định 103 về tiêu chuẩn chức danh nhân viên trợ giúp xã hội.
Theo ông Nam, Cục Trẻ em đang đề nghị lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH ban hành quy chế về việc tuyển dụng nhân sự làm công tác trẻ em, trong đó có quy định: những người làm công tác trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em phải được thẩm tra để loại bỏ những người đã từng có hành vi xâm hại trẻ, vi phạm liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Cách xử lý tố giác về xâm hại trẻ em có vấn đề
Liên quan đến việc nhiều bé gái bị xâm hại ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, bà Nguyễn Thành Phụng cho biết, sở đã nhận được thông tin các bé gái bị xâm hại ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, do Trung tâm Giáo dục Dạy nghề Thiếu Niên TP.HCM cung cấp bằng văn bản từ ngày 8/11.
Tuy nhiên, vụ việc lại rơi vào im lặng một cách khó hiểu. Đến ngày 17/11, khi báo chí đưa tin, công an vào cuộc điều tra, Sở LĐ-TB&XH mới đình chỉ công tác ông Nguyễn Tiến Dũng.
Rà soát, chấn chính các cơ sở bảo trợ xã hội Ông Trần Ngọc Sơn - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - cho biết, hiện sở này quản lý 18 cơ sở bảo trợ xã hội. Sáng 19/11, ban giám đốc sở sẽ làm việc với toàn bộ các cơ sở bảo trợ xã hội. Qua vụ việc các bé gái bị xâm hại ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, lãnh đạo sở đề nghị các cơ sở rà soát, chấn chỉnh để bảo vệ tốt nhất cho các em. Sở yêu cầu lãnh đạo trung tâm kiểm điểm, giải trình trong việc phân công, phân nhiệm, quản lý cán bộ, nhân viên để dẫn đến vụ việc trên. |
Giải thích cho sự chậm trễ này, bà Phụng nói, trong thời gian trên, bà đi công tác. Từ ngày 13-17/11, bà có đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM để “làm hai việc song song” là thanh tra chuyên đề và thu thập thông tin theo báo cáo vụ việc xâm hại trẻ em.
Bà Phụng đã thu thập thông tin bằng cách không làm việc chính thức với lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM mà chỉ “nghe dư luận của trung tâm” và xuống hiện trường để đối chiếu với báo cáo của Trung tâm Giáo dục Dạy nghề Thiếu Niên TP.HCM xem có khớp với mô tả hay không. Trong suốt quá trình trên, bà Phụng chỉ làm một mình.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - khẳng định: “Chính sự chậm trễ của cơ quan chức năng đã khoét sâu thêm tổn thương cho trẻ. Bằng chứng là một trong những nạn nân đã rơi vào hiện tượng nghiện tình dục (công văn của Trung tâm Giáo dục Dạy nghề Thiếu Niên TP.HCM ngày 8/11 gửi cho Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM ghi rõ điều này). Đây là một bài học quá đau xót”.
“Qua làm việc với nạn nhân và người thân các em, chúng tôi nhận thấy, họ mất niềm tin vì cầu cứu từ ngày 8/11 nhưng không được Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phản hồi. Mãi đến khi người nhà trình báo công an, báo chí vào cuộc đưa tin, sở mới có những động thái tạm đình chỉ công tác nghi can để chờ điều tra” - luật sư Ngọc Nữ nói.
Cũng theo luật sư Ngọc Nữ, đây không phải là lần đầu, cơ quan chức năng phản ứng chậm trong xử lý các vụ xâm hại trẻ em.
Bà Phan Thanh Minh cho biết, quy trình xử lý đối với thông tin tố cáo xâm hại trẻ em hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều năm trước, khi còn đang đảm nhiệm công việc ở Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, bà đã không ít lần bị cho là làm không đúng quy trình khi giải quyết khẩn cấp các vụ xâm hại tình dục trẻ em.
“Thế nhưng, nếu trở lại, tôi cũng sẽ lựa chọn cách can thiệp ấy. Lý do là, trẻ kêu cứu đã trong tình thế khẩn cấp, không thể vì lý do cuối tuần, hay chuyện xảy ra lúc 23g mà người được giao trọng trách bảo vệ trẻ như tôi lại có thể ngồi yên, chờ làm đúng thủ tục, quy trình” - bà Minh nói.
Bà Minh thông tin thêm, quy trình xử lý đơn thư tố cáo một vụ xâm hại trẻ em trước khi có Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định 56 hướng dẫn thi hành đòi hỏi rất nhiều thủ tục.
Thế nên, việc can thiệp gặp khó từ khâu yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc, trưng cầu giám định pháp y, cách ly trẻ với kẻ xâm hại, bạo hành. Chính vì vậy, bà đã miệt mài kiến nghị để có những quy định phù hợp như hôm nay. Khi cần, cán bộ trẻ em chỉ yêu cầu bằng điện thoại, chính quyền, công an đã phải vào cuộc.
“Việc trưởng phòng cấp sở âm thầm điều tra, thăm dò dư luận khi xử lý công văn mang nội dung tố cáo hành vi xâm hại trẻ em mà không yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc là sai nguyên tắc bảo vệ trẻ em” - bà Minh nhận định.
Ông Đặng Hoa Nam cho biết, cục sẽ kiểm tra vụ việc này. Nếu trình tự xử lý vụ việc đúng như báo chí phản ánh thì đã sai quy trình. Theo luật, không chỉ người có thẩm quyền, bất kỳ ai khi có thông tin về tội phạm xâm hại trẻ em cũng phải tố giác ngay với cơ quan chức năng.
Hội LHPN TP.HCM sẽ giám sát kỹ vụ này Ngày 15/11, Hội LHPN Q.Bình Thạnh đã nhận thông tin từ cơ quan chức năng về tố cáo của nạn nhân và bắt đầu giám sát vụ việc theo đúng quy trình. Ngày 17/11, khi báo chí đưa tin, Hội LHPN TP.HCM cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã cử luật sư Trần Thị Ngọc Nữ tham gia bảo vệ các nạn nhân, tiếp xúc nạn nhân và gia đình, làm việc với cơ quan điều tra. Hội LHPN TP.HCM nhận định, vụ việc xảy ra ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM là nghiêm trọng và đau lòng. Chúng tôi chỉ đạo Hội LHPN Q.Bình Thạnh theo dõi chặt chẽ vụ việc, tham gia giải quyết với cơ quan có thẩm quyền theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Hội LHPN TP.HCM và các luật sư của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM sẽ theo đến cùng vụ việc. Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM |
Sơn Vinh - Nghi Anh