Sao lại bắt đứa trẻ 5 tuổi đối chất với kẻ dâm ô?

26/06/2019 - 08:23

PNO - Cháu bé 5 tuổi bị ông hàng xóm 54 tuổi xâm hại tình dục. Kẻ dâm ô đã bị tạm giam. Thế nhưng, cơ quan điều tra liên tục yêu cầu đưa bé đi 'phục dựng hiện trường', yêu cầu bé đối chất với kẻ dâm ô.

Trưa 25/6, chị Huỳnh Thị T.T. - ngụ tại phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM - gọi điện cho chúng tôi báo tin: “Ngày mai, 26/6, con tôi không phải đến trại tạm giam Chí Hòa để đối chất cùng kẻ thủ ác”.

Chị T. là mẹ của cháu N. - 5 tuổi, nạn nhân trong vụ án xâm hại tình dục tại khu nhà trọ mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nhiều lần phản ánh.

Vậy là chúng tôi tạm yên tâm sau cả tuần lễ cùng người mẹ trẻ này gõ cửa khắp nơi, cùng thấp thỏm trước yêu cầu vô lý của cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình là đưa đứa trẻ 5 tuổi đến trại tạm giam đối chất với tên hàng xóm có hành vi dâm ô với bé.

Theo thông tin ban đầu do chị T. trình báo ở các cơ quan chức năng, khoảng 10g sáng 14/4, do phải đi lấy hàng, chị T. gọi con gái lớn (17 tuổi) ra coi quán, để bé N. ở phòng chơi tô màu.

Trong khoảng thời gian N. ở nhà một mình, ông Nguyễn Văn Chín (sinh năm 1965, người hành nghề xe ôm, ngụ cùng dãy trọ) đã sang phòng trọ giở trò đồi bại với bé. Hơn 18g ngày 14/4, chị T. đã đến công an phường trình báo việc cháu N. bị ông Chín xâm hại.

Sau đó, tại cơ quan điều tra, ông Chín thừa nhận hành vi dâm ô với bé N. Đối tượng này còn khai nhận, từng có hành vi tương tự với cháu N. một lần ở quán của mẹ cháu bé.

Trước lời khai của các bên cùng chứng cứ thu thập bước đầu, ngày 13/5, Công an quận Tân Bình đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Chín để điều tra về hành vi “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.

Tuy nhiên, suốt từ ngày đó đến nay, chị T. và con gái hầu như không còn được yên ổn vì phải nhiều lần trực tiếp gặp cơ quan công an từ phường đến quận để lấy lời khai. 

Sao lai bat dua tre 5 tuoi doi chat voi ke dam o?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tháng trước, cán bộ điều tra Công an quận Tân Bình còn yêu cầu chị phải đưa cháu N. đến “phục dựng hiện trường”. Rất may, được luật sư tư vấn, chị T. đã từ chối yêu cầu vô lý này.

Cơ quan điều tra cho biết, họ sẽ dùng hình nhân thay thế. Tuy nhiên, cán bộ điều tra lại yêu cầu chị T. tìm hình nhân thay thế giúp. Ngày 22/4, bà mẹ trẻ đã gửi con, gửi quán để đến cơ quan điều tra đưa cho họ con búp bê - một công việc mà lẽ ra là của cơ quan tố tụng. 

Vậy mà cũng không xong.

Ngày 16/6, sau khi làm việc với cơ quan điều tra Công an Q.Tân Bình trở về, một lần nữa, chị thảng thốt gọi cho phóng viên: “Các anh chị ơi, cứu con tôi với! Cơ quan điều tra nói trong tuần sau sẽ cho đối chất trực tiếp giữa bé N. với ông Chín tại trại tạm giam Chí Hòa để xác định thêm chứng cứ vụ án. Trong khi tôi vô cùng chật vật mới có thể ổn định tinh thần cho bé, gửi bé đi tạm lánh để dần quên những ký ức khủng khiếp này".

Theo chị, đáng lẽ, cơ quan tố tụng phải cùng gia đình tìm cách cho bé quên đi chuyện đó, đằng này không hiểu sao, các anh chị cứ hỏi đi hỏi lại hoài, giờ còn đòi đem bé ra đối chất. Vì sao đến giờ này cơ quan tố tụng vẫn không tha cho bé? Thử hỏi một đứa nhỏ chưa biết tự vệ sinh cá nhân thì đối chất cái gì?

Vừa tiếp nhận thông tin này, phóng viên đã tham khảo ý kiến luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM. Bà khẳng định, không phải đưa bé đi đối chất. Chị T. đã làm theo tư vấn, xin không đối chất.

Nhưng, trưa 24/6, Công an quận Tân Bình vẫn tổ chức đối chất và yêu cầu chị T. thu xếp để mẹ và bé làm việc cả ngày thứ Tư, 26/6.

Chị T. lại cầu cứu khắp nơi. Khi tiếp nhận thông tin, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - tư vấn: “Gia đình không phải đưa bé N. đi đâu cả. Đứa trẻ đã làm xong phần việc của mình”.

Cục Bảo vệ trẻ em đã đề nghị lãnh đạo ngành công an có chỉ đạo nghiệp vụ xử lý vụ án này, yêu cầu không đưa bé ra đối chất.

Kết quả, 20 giờ trước phiên đối chất, chúng tôi nhận được tin Công an Q.Tân Bình không yêu cầu đưa bé N. ra đối chất nữa.

Sự việc khiến những người đang tham gia bảo vệ quyền lợi cho bé N. đều mừng vui, nhưng cũng không khỏi băn khoăn: nếu những vụ án xâm hại trẻ em cứ tiếp tục theo quy trình tố tụng cứng nhắc thế này thì biết đến bao giờ Luật Trẻ em mới thật sự được thực thi, biết bao giờ việc bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại tình dục mới “tới nơi tới chốn”? 

Chị T. nói: “Nếu bản thân tôi thiếu hiểu biết, hoặc quá sợ hãi cơ quan công quyền, một là tôi sẽ phải đồng tình, làm theo những đề nghị như đưa bé đi “phục dựng hiện trường”, “đối chất”, hoặc cũng có thể do mệt mỏi mà buông xuôi, không tố cáo nữa để không tiếp tục làm tổn thương con mình”. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI