Sao không thể thân thiện với doanh nghiệp?

02/05/2014 - 15:55

PNO - PN - Vụ tiệm vàng Hoàng Mai bị khám xét, nhiều chuyên gia pháp luật đã phân tích và chỉ rõ hàng loạt sai sót có dấu hiệu lạm quyền của Công an Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sao khong the than thien voi doanh nghiep?

Ảnh minh họa: internet

Từ một vụ việc bắt quả tang và lập biên bản về hành vi mua bán trái phép 100 USD mà người vi phạm cho rằng đã bị gài bẫy, cơ quan công an cùng với nhiều lực lượng hỗ trợ khác đã ập đến lục soát, thu giữ nhiều ngoại tệ và niêm phong 559 lượng vàng miếng SJC ngay tại nơi vừa là địa điểm kinh doanh vừa là nơi ở của chủ doanh nghiệp (DN). Trong nỗi sợ hãi tột độ, chủ DN này đã phải làm một việc chẳng đặng đừng là xin tạm ngừng kinh doanh.

Hệ quả đáng lo ngại nhất có lẽ là gây nên một tâm lý hoang mang không chỉ đối với giới kinh doanh mà kể cả trong dân chúng. Không hoang mang sao được khi tài sản của mình đang cất giữ trong nhà, bỗng một ngày nào đó bị cơ quan công quyền khám xét, thu giữ và buộc phải chứng minh về quyền sở hữu? Không hoang mang sao được khi DN bị buộc phải tiếp một lực lượng hùng hậu, xử sự mang tính trấn áp như thể DN là kẻ phạm tội? Thêm nữa, cảm giác “chính quyền kém thân thiện” sẽ khiến DN như mất điểm tựa, mất niềm tin trên bước đường kinh doanh, làm giàu chính đáng.

Một người bạn của tôi ở Đức nói rằng, Đức cũng như phần lớn các quốc gia châu Âu, hầu như không bao giờ xảy ra những cảnh tượng như vậy. Công chức của nước họ bao giờ cũng hành xử thân thiện với DN vì họ coi DN với tiền thuế đóng góp là nguồn nuôi sống bộ máy công quyền. Chính vì vậy, kể cả khi DN vi phạm pháp luật, chính quyền bao giờ cũng cân nhắc lựa chọn một biện pháp xử lý thích hợp để đảm bảo sao cho khi áp dụng biện pháp này thì DN sẽ ít bị tổn thương nhất. Ví dụ, tội trốn thuế được xem là tội nặng nhất, nhưng để truy cứu trách nhiệm, trước đó phải có cả một quá trình hiệp thương hết sức công phu với DN, chưa kể phải tuân thủ một quy trình điều tra tỉ mỉ và đúng đối tượng (đối tượng điều tra thường phải có doanh thu lớn). Quá trình hiệp thương đó là gì? Là phải tìm hiểu xem DN đó có khả năng nộp thuế hay không, nếu có thì nộp ở mức nào, trong thời hạn bao lâu, chậm thuế là do khó khăn, do “đuối” hay lươn lẹo, cố ý… Thậm chí DN có thể xin miễn, giảm thuế nếu số thuế đó vượt quá sức chịu đựng của họ. Cơ quan thuế sẽ cùng với DN đàm phán, thỏa thuận với nhau về những vấn đề dựa trên nguyên tắc “cùng tồn tại” chứ không bao giờ hạch sách, bắt bí DN như cách mà nhiều cơ quan công quyền ở ta vẫn làm.

Vụ tiệm vàng Hoàng Mai rõ ràng đã mang đến một thông điệp không tốt, nhất là trong tình hình nền kinh tế khó khăn như hiện nay. Cách duy nhất để tạo ra một thông điệp tốt là hãy noi gương người đứng đầu chính phủ, sửa sai và xin lỗi doanh nghiệp!

 Nguyên Tấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI