PNO - Bởi thế mới có chuyện người không có con cháu theo học, thậm chí đã 80 tuổi, nhưng vẫn làm Hội trưởng Hội PH, để rồi cùng với hiệu trưởng lèm nhèm tiền nong, là nguyên nhân của các cuộc kiện cáo.
Ban Đại diện cha mẹ học sinh (thường gọi là Hội Phụ huynh - PH) sinh ra là để kết nối PH với nhau và cùng với nhà trường quan tâm, chăm sóc, quản lý, giáo dục con em. Thế nhưng, từ lâu nó đã trở thành hội "phụ thu tiền" cho các trường.
"Thư viện xanh", một công trình không tốn quá nhiều tiền nhưng mang lại nhiều lợi ích cho học sinh - ảnh: Phùng Huy
Thật vậy, nhiệm vụ gần như duy nhất của Hội PH là thay mặt nhà trường huy động PH đóng góp để mua sắm rèm cửa, máy lạnh, máy chiếu, máy vi tính, bàn ghế, dù (lưới) che nắng, cây xanh, sửa chữa nhà vệ sinh, làm hòn non bộ, làm sân khấu, làm sân bóng đá mini...
Có trường còn hoang phí khi chi hàng trăm triệu đồng để làm kỷ yếu, làm lễ khai giảng, lễ tổng kết năm học ở những nơi mà các doanh nghiệp làm ăn lớn muốn thuê cũng phải suy nghĩ.
"Năm nay con tôi vào lớp 1. Phòng học khá cũ, có máy chiếu nhưng không có máy lạnh nên Ban đại diện lớp đề nghị sơn lại lớp và gắn máy lạnh. Trong quá trình sửa chữa, một số PH lại đề xuất lót luôn sàn, mua ti vi, kệ tủ, công tơ điện riêng và thay toàn bộ bàn ghế. Kinh phí của các khoản “chơi sang” này lên đến khoảng 100 triệu đồng.
Tôi thừa hiểu học trường công điều kiện lớp học không thể tốt như trường quốc tế. Cha mẹ muốn con được thụ hưởng tốt thì phải tự vận động nhau trang bị một số thứ. Tôi ủng hộ nếu những món đầu tư đó hợp lý, một vừa hai phải. Nhưng tôi không đồng ý với kiểu “chạy đua” giữa các lớp, giữa các PH với nhau để “đẻ” ra các công trình thật “khủng”. Tôi không mong con mình được học trong một lớp sang chảnh, trong khi bạn học của chúng ở các lớp khác phải chịu cảnh thiếu thốn.
Việc xã hội hóa, cùng nhà trường đầu tư cho con em là cần thiết, nhưng đến mức như vậy liệu có tạo ra sự phân biệt giữa các lớp và giữa các HS? Rồi đến năm sau, khi phải chuyển lớp, chẳng lẽ lại đổ ra cả trăm triệu đồng cho phòng học khác?"
Nguyễn Thanh Hoàng (PH Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình)
Tại một trường, sau khi Hội PH chi tiền mua sắm, sửa chữa đến mức chẳng còn gì để làm nữa thì nhà trường gợi ý cho hội chi tiền để lát lại toàn bộ sân trường dù sân vẫn còn rất đẹp.
Năm nay, tại TP.HCM có trường lại “nảy nòi” chuyện… lát sàn gỗ (Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1) và trang hoàng lại lớp học (sơn, lót sàn, thay bàn ghế mới, lắp máy lạnh, sắm ti vi…) với kinh phí lên đến 100 triệu đồng/lớp (Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình).
Công bằng mà nói, PH không nhiều tiền nhưng cũng không đến mức quá coi trọng đồng tiền nếu như tiền của họ đóng góp được sử dụng hiệu quả, minh bạch.
Tại TP.HCM, từng có trường lấy trên 100 triệu quỹ Hội PH đóng góp làm sân bóng đá mini, nhưng không cho học sinh (HS) sử dụng mà để phơi mưa nắng suốt gần hai năm trời.
Lại có trường THPT xin PH 100 triệu đồng làm sân khấu nhưng sau đó PH phát hiện 100 triệu đồng là đắt gấp 3 - 4 lần giá thực. Có trường lấy mấy chục triệu đồng từ quỹ Hội PH ra mua ghế nhựa nhưng khi giáo viên hỏi thì không chỉ ra được ghế nhựa ở đâu. Và nếu việc đầu tư là thật sự hiệu quả và minh bạch thì cũng phải hợp tình, hợp lý trong bối cảnh chung.
Sẽ thật lố bịch khi những lớp học khác của trường thì lát gạch trong khi một lớp nào đó lại lát gỗ. Và càng lố bịch hơn khi con mình được học trong lớp học lộng lẫy, trong khi các lớp còn lại thì thường thường bậc trung.
Nhập nội dung.
Năm học 2017 - 2018 sẽ là một năm đáng nhớ của ngành giáo dục huyện An Dương (Hải Phòng) với hai hiệu trưởng bị cấp thẩm quyền đình chỉ công tác do liên quan đến lạm thu. Cách xử lý của lãnh đạo huyện An Dương đang được dư luận cả nước đồng tình. Nhưng chẳng có mấy địa phương làm “rắn” như vậy!
Thông thường, khi chuyện lạm thu bị PH lên tiếng, lãnh đạo các trường sẽ “cả vú lấp miệng em” với những lập luận như do yêu cầu, là sự tự nguyện, là chủ trương xã hội hóa… Khi bị báo chí phơi bày, các trường lại đổ thừa cho Hội PH tự ý làm chứ nhà trường không biết...
Về lý, không PH nào có thể đem máy lạnh vào gắn trong lớp, hay chở gạch, cát, xi măng vào sửa chữa lớp học nếu không được sự đồng ý của hiệu trưởng. Còn trên thực tế, ai cũng biết, Hội trưởng Hội PH các trường đều do hiệu trưởng giới thiệu, việc bầu bán chỉ là hình thức.
Đấy là người “hiểu ý” hiệu trưởng. Bởi thế mới có chuyện người không có con cháu theo học, thậm chí đã 80 tuổi, nhưng vẫn làm Hội trưởng Hội PH, để rồi cùng với hiệu trưởng lèm nhèm tiền nong, là nguyên nhân của các cuộc kiện cáo. Cũng vì thế khó mà “bói” ra được một vị chủ tịch Hội PH thực sự là đại điện cho tiếng nói của PH.
Cơ chế giám sát chẳng thiếu. Việc chấn chỉnh cũng không khó. Cứ xử lý nghiêm như huyện An Dương chắc chắn tình hình sẽ thay đổi. Vấn đề là tùy thuộc vào bản lĩnh của các cấp quản lý. Nhưng nếu không chấn chỉnh được, cứ để Hội PH biến thành hội "phụ thu tiền", thì nên dẹp bỏ nó đi là tốt hơn cả.
"Nếu nhiệm vụ chính của Hội PH là để kết nối PH với nhà trường trong việc quan tâm, giáo dục HS thì tôi nghĩ hội hãy tập trung vào việc giúp đỡ những HS khốn khó bằng cách giúp tiền học, tiền ăn, tặng sách vở, xe đạp. Tại TP.HCM rất nhiều trường đã "trộn" lẫn giờ học thêm (tăng tiết) với giờ học chính khóa, bắt ép HS học nghề không theo sở thích, dẫn đến tình trạng HS không muốn học thêm vẫn phải học thêm, nam sinh phải học nghề may vá... Lẽ ra, Hội PH phải lên tiếng góp ý với nhà trường, nhưng Hội PH đã im lặng trước những chuyện như thế. Hoạt động của Hội PH chẳng có gì ý nghĩa mà chỉ xoay quanh chuyện thu, chi".