Sao không lập 'hợp đồng hôn nhân'?

12/04/2019 - 14:00

PNO - Nếu làm được hợp đồng hôn ước, khi điều không vui đến, chúng ta có thể xử lý mọi thứ nhẹ nhàng hơn, tránh gây thêm những tổn thương cho nhau.

Đời người, lẽ thường ai cũng mong cầu một tình yêu và hôn nhân viên mãn. Nhưng cuộc sống muôn màu, đâu phải lúc nào tình yêu cũng màu hồng như “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Nhiều cuộc hôn nhân đã không duy trì được hạnh phúc, không vượt qua được những sóng gió, thăng trầm, bất trắc trên chặng đường dài sống chung. Có những cuộc ly hôn trong êm thấm, nhưng cũng có những cuộc ly hôn đẫm lệ, đối đầu đến tột cùng. Trong quá trình giải quyết vụ án, ngoài việc giải quyết yêu cầu ly hôn của các đương sự, việc phân định tài sản và các quyền lợi khác thường khiến cơ quan tố tụng đau đầu.

Sao khong lap 'hop dong hon nhan'?
 

Ở các quốc gia phương Tây, pháp luật cho phép và công nhận việc các đôi lập “hôn ước” hay “hợp đồng hôn nhân”. Các bên có quyền tự thỏa thuận về tài sản chung, riêng cùng các vấn đề liên quan khi xảy ra ly hôn, như: quyền nuôi con, việc phân chia tài sản khi ly hôn cùng các vấn đề khác về quyền và lợi ích của các bên… tại thời điểm trước khi kết hôn, trong thời kỳ hôn nhân và cả sau khi ly hôn. Điều này sẽ giúp cho việc giải quyết các vấn đề liên quan khi ly hôn đơn giản và nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên tại Việt Nam, vấn đề này không được công nhận chính thức theo luật định. Qua nhiều thế hệ, các đôi dường như chưa bao giờ có khái niệm xác lập hôn ước - “hợp đồng hôn nhân” khi đăng ký kết hôn. Xã hội ta lâu nay vẫn bảo lưu quan điểm, cho rằng chuyện lập hôn ước, rạch ròi như Tây là không phù hợp với văn hóa và quan niệm truyền thống về hôn nhân gia đình của người Á Đông.

Khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ra đời cùng Nghị định 126/2014/NĐ-CP, ngoài việc quy định “vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định” thì “chế độ tài sản theo thỏa thuận” cũng đã  được ghi nhận (điều 28). Đây là một trong những điểm tiến bộ, đáp ứng nguyện vọng của các bên về “quyền thỏa thuận”, để họ có quyền định đoạt những tài sản có trước hôn nhân thành tài sản chung hay tài sản riêng, tùy ý. Dù đến nay vẫn chưa hề tồn tại quy định hay khái niệm về “hôn ước” hay “hợp đồng hôn nhân” theo luật định, việc công nhận “chế độ tài sản theo thỏa thuận” có thể xem như một bước tiến của luật trong việc công nhận phần nào về khái niệm hôn ước hay “hợp đồng hôn nhân” đã nêu.

Thực tế ở nước ta, tuy chưa phổ biến nhiều, đã có những đôi lập “văn bản thỏa thuận” về tài sản chung và riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Việc này đã phát huy hiệu quả thiết thực. Các bên - vợ chồng đều dễ dàng chứng minh và định đoạt tài sản một cách phân minh, trong sinh hoạt thường nhật và cả khi chẳng may xảy ra tranh chấp. Hôn nhân đương nhiên là vấn đề nhân văn, chúng ta cần bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống. Nhưng với xu thế phát triển và quy luật vận động của xã hội về nhiều mặt, ta cần nhìn nhận tính thiết thực, hiệu quả của việc xác lập hôn ước -  “hợp đồng hôn nhân”.

Sao khong lap 'hop dong hon nhan'?
LS Nguyễn Tri Đức

Thiết nghĩ, chế định “hợp đồng hôn nhân” nên được luật hóa cụ thể. Cùng với việc ghi nhận các nội dung của “hợp đồng hôn nhân” về tài sản, các vấn đề về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên cũng nên được thể hiện cụ thể như việc nuôi dạy, giáo dục con cái, chăm lo gia đình... Nội dung của “hợp đồng hôn nhân” sẽ là cơ sở để các bên dễ dàng đi đến thỏa thuận khi hôn nhân chẳng may đổ vỡ, đồng thời là căn cứ pháp lý để tòa án giải quyết vụ việc một cách hiệu quả, nhanh chóng thiết thực.

Dù sao, chúng ta vẫn phải thừa nhận, việc luật hóa “hợp đồng hôn nhân” sẽ khó khăn khi vấp phải những định kiến xã hội như “của chồng công vợ”, đã yêu thì không toan tính… Bản chất quan hệ hôn nhân không phải là một “thương vụ”. Vật chất, tình yêu là nền tảng để đôi lứa quyết định tiến đến hôn nhân, nhằm mưu cầu hạnh phúc, xây dựng gia đình bền vững. Dưới góc nhìn của xã hội, “hợp đồng hôn nhân” ít nhiều bị vướng các quan niệm “thủ cựu” hoặc rào cản tâm lý của một hoặc cả đôi.

Việc thực thi chế định hôn ước, cần bắt đầu với chủ trương khuyến khích các đôi xác lập “hợp đồng hôn nhân” trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Việc tuyên truyền nên nhắm đến hiệu quả thiết thực, bằng nhiều lộ trình khác nhau, như tư vấn hôn nhân gia đình, phổ cập chế định hôn ước in kèm theo giấy chứng nhận kết hôn...

Để mọi người trong xã hội và các đôi thích nghi chuyện lập hôn ước, tôi nghĩ cần có thời gian, kèm theo những tác động cụ thể. Tất nhiên, hôn ước không bao giờ có thể đảm bảo cho một cuộc hôn nhân bền vững và có lẽ cũng không ai mong có ngày phải dùng đến hôn ước để “ăn thua” với người từng đầu ấp tay gối. Nhưng nếu làm được điều đó, khi điều không vui đến, chúng ta có thể xử lý mọi thứ nhẹ nhàng hơn, tránh gây thêm những tổn thương cho nhau. 

Luật sư Nguyễn Tri Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI