Sao không là tình nhân mà là ân nhân?

16/12/2019 - 12:11

PNO - Một người chị tôi quen tỏ ý thắc mắc câu nói của chồng dành cho chị: “Em là ân nhân của đời anh”. Chị hỏi tôi có phải anh ấy nói nhầm không, sao không là tình nhân mà lại là ân nhân?

Thường, vợ chồng mới cưới coi nhau là tình nhân. Đã là tình nhân thì có giận hờn, có chia tay và có cả thù hận. Chữ “tình” đơn giản chỉ là tình yêu trai gái, nam nữ đơn thuần. Nhưng, một khi tình yêu đó đủ lớn, đủ nhiều để trở thành ân nhân của nhau, thì khó điều gì có thể so sánh được.

Sao khong la tinh nhan ma la an nhan?
Vợ chồng đến với nhau là do duyên nợ, cặp đôi phải trải qua rất nhiều sóng gió và biến cố. Ảnh minh hoạ

Chị bạn tôi nói, chồng chị hơn chị một giáp. Chưa cần phải xét về tính cách, tuổi tác, chỉ riêng ngoại hình giữa anh với chị cũng đã có sự chênh lệch rõ rệt. Thường ngày, chị chăm sóc anh từng bữa ăn, giấc ngủ. Dù nhà khá giả, có điều kiện, nhưng lúc nào chị cũng muốn tự tay nấu cho anh những bữa ăn ngon miệng, với những món hợp khẩu vị và sở thích của anh. 

Có lần anh bệnh, cần phải phẫu thuật, chị tìm bác sĩ giỏi và lên lịch, bắt anh phải “nghỉ ngơi” để tới bệnh viện từ rất sớm. Khi về nhà, chị tiếp tục săn lùng những bài thuốc dân gian, xắt xắt, sao sao cho anh uống. Có lẽ vì vậy mà khi khỏe mạnh trở lại, anh càng yêu thương, lo lắng cho chị nhiều hơn. Ánh mắt anh nhìn chị trìu mến đến nỗi người ngoài như tôi cũng phải ghen tỵ.

Người cô chồng của tôi năm nay hơn bảy mươi tuổi nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, tay chân còn nhanh nhẹn. Không có con cái, nên mọi sinh hoạt thường ngày của hai vợ chồng, cô quản hết, từ đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, đến chăm sóc nhà cửa.

Trong khi đó, chồng cô, một ông giáo già tay chân run rẩy, nhớ trước quên sau, lại được cô lo liệu chu đáo. Ba lần bốn lượt ông nằm viện vì các căn bệnh tuổi già, cô đều nhẫn nại chăm sóc. Nhiều lúc thấy cô qua nhà phàn nàn với mẹ chồng tôi về tính đãng trí của ông: “Cái cây mình mới trồng, ổng đem nhổ, vậy mà chiều ổng lại quên, lại la lên rằng ai đã nhổ mất cái cây của ổng”.

Sao khong la tinh nhan ma la an nhan?
Có những cặp vợ chồng sớm nhận ra họ là ân nhân của đời nhau. Ảnh minh họa

Nói là nói vậy, cô vẫn cơm bưng nước rót cho ông ngày ba bữa, trái gió trở trời cũng chỉ một tay cô lo. Thật sự, người phụ nữ phải có tình yêu vĩ đại lắm, mới có thể nhẫn nại và kiên trì đủ để chăm sóc một người chồng đãng trí như vậy. Cô đúng là ân nhân của chồng mình.

Nhiều lần, trong những cuộc nói chuyện vui, chồng tôi hay than phiền và lên án “đàn bà là chúa càm ràm, cứ lải nhải suốt ngày khiến ông chồng nào cũng nhức đầu, căng thẳng”. Tôi bảo ổng, có lẽ thượng đế khi sinh ra đàn ông và phụ nữ cũng đã “an bài” cho tính tình mỗi phái.

Đàn ông ít nói, cứ nhín nhịn trong lòng nên dễ sinh phiền muộn, và về già, đàn ông lại thường lú lẫn nhiều hơn phụ nữ. Trong khi đó, do phụ nữ có “cơ chế nói nhiều”, có thể bộc bạch hết tâm can, nên về già ít bị stress, và vì thế họ cũng minh mẫn hơn.

Đa số các cặp vợ chồng già, vợ chăm sóc chồng nhiều hơn chồng chăm sóc vợ. Nói tới đây tôi cũng không quên “hăm dọa” chồng, nếu không đối xử tốt với tôi bây giờ, thì về già tôi sẽ bỏ bơ vơ không thèm quan tâm hay lo lắng. 

Tôi biết, có những cặp vợ chồng sớm nhận ra họ là ân nhân của đời nhau, vì vậy họ đã đối xử với nhau rất tốt. Một anh chồng có đào hoa thế nào thì cuối cùng cũng chỉ cần một người vợ dịu dàng bên cạnh. Một người đàn ông thành đạt thường có rất nhiều tình nhân xung quanh, nhưng khi anh ta sa cơ thất thế, chỉ người ở lại mới được gọi là ân nhân. 

Người ta bảo vợ - chồng đến với nhau là do duyên nợ, họ phải trải qua rất nhiều sóng gió và biến cố. Khi đã nhận ra mình là ân nhân của nhau, thì khó điều gì có thể chia cắt được. “Anh là ân nhân của đời em” hay “em là ân nhân của đời anh”, câu nói tưởng chừng đơn giản, nhưng để gặp đúng người để nói câu đó thì khó vô cùng... 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI