PNO - PNCN - Câu hỏi chát chúa ấy đã không bật lên thành lời, mà ứ nghẹn trong cổ họng lúc chị nhìn trân trối vào mắt anh trong một buổi chiều cơm canh lạnh ngắt.
edf40wrjww2tblPage:Content
Đáp lại ánh nhìn của chị bằng tiếng thở hắt đầy mệt mỏi, anh than: “Sao lúc nào em cũng thích gây sự vậy? Anh đã làm gì sai chứ? Để cho anh thở một chút có được không?”. Anh nói cứ như thể ở nhà này anh mới chính là người sống cảnh làm dâu, chứ không phải là chị sáng mở mắt ra đã thấy trăm ngàn bổn phận, đến tận lúc đi ngủ tay vẫn vắt lên trán, suy nghĩ mông lung bao nhiêu trách nhiệm dở dang. Anh đã ở đâu những lúc chị cần một bờ vai để dựa, thậm chí chỉ là một câu nói nhẹ nhàng mang hàm ý chở che? Chị vì anh mà theo về làm dâu, nín nhịn hy sinh cả những nhu cầu đơn giản nhất. Nhưng càng ngày, chị càng nhận ra mình chỉ là chiếc bóng trong cuộc đời anh. Ngày nào cũng vắt kiệt mình để yêu thương mà anh nào có đoái hoài. Cuộc đời anh nếu có lo toan nào cũng là dành cho người khác. Bao nhiêu bận bịu cũng dành cho ruột thịt, đến cả niềm vui cũng mang san sẻ cho người dưng, thiên hạ. Nên có bao lần chị như muốn gào lên trong đau đớn: “Sao không là em?”.
Chị là người Sài Gòn, có công ăn việc làm ổn định, nhưng vì yêu anh nên không quản xa xôi ra làm dâu xứ Bắc. Thời tiết miền Bắc không thích hợp với người mắc bệnh hen suyễn như chị. Mỗi khi trời trở lạnh, chị thường khó thở, thậm chí phải thở bằng máy. Vì sức khỏe chị yếu nên anh nói chị ở nhà chăm sóc gia đình và nghỉ ngơi, chuyện kinh tế để anh lo. Lương anh không cao, gọi là đủ xoay xở những nhu cầu thiết yếu trong gia đình. Được cái bố mẹ chồng làm ăn phát đạt nên cũng phụ giúp con cái nhiều. Tính chị không muốn phụ thuộc nên dự định chờ cho sức khỏe ổn định, cơ thể thích nghi dần với thời tiết miền Bắc thì sẽ đi làm để chia sẻ cùng chồng gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng xin việc thời buổi này đâu dễ, chỗ nào cũng bảo phải đợi. Rồi chị mang bầu và sinh con, hàng ngày đầu tắt mặt tối, vừa chăm con vừa hầu hạ nhà chồng, vậy mà họ vẫn chẳng vừa lòng.
Sáng nào cũng vậy, chị phải dậy từ rất sớm nấu nước pha trà cho bố chồng, quét dọn nhà cửa rồi đi mua đồ ăn sáng cho cả gia đình. Chồng chị hay đi làm ca, những sáng chồng không ở nhà, chị phải đánh thức con dậy sớm vì không muốn con ở một mình trong phòng. Nhìn con dụi mắt mếu máo, ngủ gật trên lưng mẹ giữa chốn chợ búa bán mua, chị thương con vô cùng. Đồ ăn mua về đến nhà, mọi người xúm vào vừa ăn vừa chê ỏng chê eo. Nào là phở nhạt vậy mà cũng mua, bánh cuốn gì có tí tẹo nhân, hàng bánh mì này cho nhiều ngải quá nên đắng miệng. Mà sao mua nhiều thế này? Lỡ không ăn hết thì phí hoài à? Đã không làm ra tiền rồi còn hoang phí. Chị ngồi bón cho con ăn, lúc ngẩng lên đã thấy mọi người phủi mông đứng dậy, để mặc trên bàn nào là giấy ăn, túi ni lông, bát đũa bẩn, ngay cả mấy lá bánh ăn xong cũng không vứt gọn. Chị nghe họ cằn nhằn nên chẳng cần ăn gì cũng đủ no, cặm cụi dọn dẹp như người ở.
Lúc tủi thân chị nghĩ, người ta sinh đẻ xong được kiêng cữ nghỉ ngơi để lấy lại sức, đằng này mẹ chồng chặc lưỡi nói: “Ngày xưa vất vả chẳng kiêng cữ gì vẫn đẻ vẫn nuôi được mấy đứa con”. Bố chồng thì ra chỉ thị sẽ thắt chặt chi tiêu, thứ gì không cần thiết thì cắt giảm. Mà điều cắt giảm đầu tiên chính là thôi không thuê người giúp việc. Ông cười: “Thực ra nhà này cũng có mấy việc đâu, vừa làm vừa chơi vẫn thoải mái ấy mà”. Vậy mà chị làm từ sáng đến tối vẫn không hết việc. Để con khóc thì bị mắng vụng về, mà quay qua chăm bẵm cho con thì lại bị quy kết lười nhác, trốn tránh việc nhà. Ngay cả khi chị chu toàn mọi việc thì cũng vẫn cứ bị bới bèo ra bọ. Chán mắng chuyện nhỏ thì bố mẹ chồng lại nói những chuyện “vĩ mô”. Như bữa cơm chiều qua, lúc cả nhà ăn cơm canh nóng hổi thì chị ru con ngủ. Mọi người ăn xong chị mới được ngồi xuống mâm. Nhưng chưa kịp đưa miếng cơm lên miệng thì đã nghe bố chồng vừa xỉa răng, súc miệng vừa thong thả: “Sống trên đời phải chịu khó hoàn thành tốt công việc của mình. Các cụ bảo tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Nên sống trong gia đình phải có đóng góp để thể hiện giá trị của mình”. Chị thấy miếng cơm mắc nghẹn ở cổ. Anh ngồi uống nước trà còn mải nhìn theo những đường bóng trên bản tin thể thao, đâu biết chị chạy vội xuống bếp lau nước mắt.
Có những hôm chị mệt, sốt cao, nằm ôm con, không dậy sớm chợ búa được. Chị chờ tiếng xe chồng đi làm ca đêm về để nhờ đi mua cho vỉ thuốc. Nhưng chồng vừa bước vào nhà đã nghe tiếng bố chồng: “Không có đứa con dâu nào lười như con dâu nhà này, sáng bảnh mắt vẫn còn chui trong chăn ấm để bố chồng phải quét nhà”. Rồi tiếng bước chân anh gấp gáp, nặng trịch như đang tức giận. Anh mở mạnh cửa phòng, mắng sa sả. Không cần biết vợ đang sốt hầm hập. Những lúc như thế, chị tự hỏi sao người anh lắng nghe không bao giờ là chị?
Chị biết anh đi làm mệt, nên khi bị bố mẹ chồng mắng mỏ, chị đành nín nhịn. Chị hiểu cho anh, nhưng tại sao anh không một lần hiểu cho chị? Anh đưa chị về đây làm dâu rồi bỏ mặc chị đơn độc trong thế giới nhà chồng. Chị cũng là con người, sức chịu đựng có giới hạn. Đôi lúc cũng muốn gào lên những nỗi tức tưởi lòng mình chỉ để được chồng ôm thật chặt vỗ về, động viên vài câu cho đỡ tủi. Vậy mà anh luôn bảo anh mệt, phải lo toan tính toán điên đầu, mà về đến nhà lại phải chịu cảnh than vãn của vợ về bố mẹ mình. Nhưng người đàn bà đi làm dâu còn biết dựa vào ai ngoài chồng nữa? Còn ai là người chị cần chia sẻ những chuyện như vậy ngoài anh? Ngay cả khi chị bị hắt hủi, khinh thường, anh là chồng, tại sao không biết bảo vệ vợ con? Chị buồn lắm, nhiều lúc chẳng thiết tha gì. Cũng muốn làm ầm lên, lành làm gáo vỡ làm muôi. Nhưng sống với nhau đâu thể mặt nặng mày nhẹ, sống giữa gia đình chồng đâu thể muốn gào lên là gào được. Nhưng hóa ra, sự nín nhịn hết lần này đến lần khác chỉ càng làm cho chồng chị bình thản, hờ hững…
Lâu lắm rồi chị không có chuyến đi nào để hít thở, thay đổi không khí. Một ngày với từng ấy công việc, lúc đặt lưng xuống giường cơ thể đã mệt nhoài. Sáng ra chợ mua mớ rau, chị cũng cảm thấy cơ thể khỏe khoắn hơn nhiều. Đã nhiều lần chị nói anh chở đi đâu đó, chỉ một ngày thôi cũng được, nhưng xem ra khó quá. Lúc thì anh bảo bận, khi thì kêu mệt, cũng có lần anh nói thẳng: “em đi chơi thì ai lo việc nhà”.
Hôm qua, chị chồng kể chuyện vừa mới đặt giúp anh vé máy bay đi Sài Gòn chơi cùng mấy người ở công ty. Thế mà trước đó anh không hề nói chuyện hay bàn bạc với chị tiếng nào. Bao nhiêu uất ức trong lòng chị chỉ chờ có thế mà bùng nổ. Nó như giọt nước tràn ly, như cú đạp chân cuối cùng nhấn chìm chị xuống đầm lầy. Chị tự hỏi tại sao người mà anh muốn đi chơi lại không phải là vợ con? Tại sao anh không nghĩ đến chị khi mà mới đây thôi, chị đã bật khóc xin được đi đâu đó một ngày nhưng bị từ chối phũ phàng. Mà Sài Gòn là đâu chứ? Là gia đình chị, bố mẹ anh em ruột thịt của chị đang mỗi ngày mong ngóng đứa cháu nhỏ chưa một lần được ẵm bồng và cả đứa con gái lấy chồng xa dễ đến hai năm chưa về thăm nhà. Hóa ra anh chưa bao giờ nghĩ đến chị. Hóa ra chị chẳng có giá trị gì trong cuộc đời anh.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.