Sao không khai thác di sản để hái ra tiền?

20/06/2019 - 07:24

PNO - Với lợi thế của một đô thị có lịch sử hơn 300 năm, Sài Gòn - TP.HCM từ lâu được các nhà khoa học xác định là một thành phố di sản. Những di sản ấy hoàn toàn có thể làm ra tiền, nếu biết khai thác.

Di sản văn hóa không mang dáng vẻ của một bảo tàng bất di bất dịch, chỉ mang giá trị hoài cổ, tưởng nhớ đơn thuần. Di sản cũng không chỉ đơn giản chứa đựng trong đó giá trị văn hóa - giáo dục mà hoàn toàn có thể được khai thác để làm ra tiền. Nếu đã quyết định chi ngân sách cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thì nên xem đó là một cuộc đầu tư, mà đầu tư thì phải có lãi.

Di sản cũng làm ra tiền

Với lợi thế của một đô thị có lịch sử hơn 300 năm, Sài Gòn - TP.HCM từ lâu được các nhà khoa học xác định là một thành phố di sản. Di sản đô thị được coi là tài sản của đô thị, của cộng đồng, của chính quyền, chứ không phải là “gánh nặng viển vông” mà quá khứ để lại. Vì vậy, di sản đô thị phải được lưu ý trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, phải chú trọng đến tính hài hòa giữa toàn cục và cục bộ, cái trước mắt và cái lâu dài, giữa bảo tồn và cải tạo, phục hồi, tái thiết di sản.

Sao khong khai thac  di san de hai ra tien?
Phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa Ảnh: Hiếu Tiến

Hiện nay, cả thành phố có 172 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 114 di tích cấp thành phố; chưa kể 97 công trình trong danh mục kiểm kê di sản giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chúng ta vẫn chỉ mới nhìn di sản như một phạm trù mang tính giới hạn và riêng của ngành văn hóa. Thậm chí, ngành du lịch - đối tượng “thụ hưởng” trực tiếp tài nguyên di sản văn hóa - có vẻ như cũng chỉ chăm chăm khai thác, khai thác và khai thác, chứ chưa có những đóng góp tích cực nhằm phát huy giá trị di sản.

So với những tài sản có giá trị kinh tế khác, tính chất khác biệt, độc đáo của di sản văn hóa nằm ở chỗ không thể tái tạo hoặc thay thế. Bản thân giá trị của di sản càng để lâu càng gia tăng, nhiều nhất là giá trị về mặt lịch sử - văn hóa. Giá trị đó có thể được “quy đổi” thành giá trị kinh tế và được khai thác lâu dài. Tuy nhiên, giá trị kinh tế của di sản cần được nhìn nhận trong một phạm vi rộng, của cả cộng đồng, không bó hẹp trong phạm vi một vài gia đình hoặc một vài ngành nghề.

Tại cuộc hội thảo “Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM” do HĐND TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa phối hợp tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM - cho rằng: “Hiện nay, kinh tế di sản đang là con đường vững chắc để các đô thị phát triển và bảo tồn di sản”. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến - tác giả cuốn sách Sài Gòn không phải ngày hôm qua - dẫn ra trường hợp nước Anh hằng năm thu được khoảng 11,7 tỷ bảng Anh từ di sản, để nhấn mạnh “thực tế đã có kinh tế di sản” và rằng, kinh tế di sản không phải là khái niệm ảo.

“Xin hãy coi di sản như cái có thể làm ra tiền, chứ không chỉ có giá trị hoài cổ, không chỉ là văn hóa - giáo dục. Văn hóa cũng là tiền, lịch sử cũng là tiền, nếu biết cách làm. Đừng ngại ngần khi nói điều đó và hãy đối xử với nó như một ngành kinh tế, giống như chúng ta đối xử với bao ngành kinh tế khác” - ông Trần Hữu Phúc Tiến nói thêm.

Các nhà nghiên cứu đều chỉ ra, TP.HCM có đầy đủ điều kiện để xác lập và tạo ra một nền kinh tế di sản. Hiện nay, chúng ta mới chỉ khai thác một phần nhỏ trong mỏ quặng di sản đó. Nếu quyết định chi tiền cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, HĐND TP.HCM nên xác định đây là một sự đầu tư. Mà đã là đầu tư thì phải có lãi. Các ban, ngành liên quan đến di sản phải có giải pháp cụ thể đối với khoản đầu tư này, chứ không phải là khoản đầu tư mang tính phúc lợi xã hội.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến đề xuất, HĐND TP.HCM nên tổ chức một phiên “điều trần” cho các giám đốc sở cũng như các ban, ngành liên quan đến hoạt động bảo tồn, khai thác, cũng như hiệu quả về giá trị di sản. Một phiên “điều trần” như thế cũng hết sức cần thiết để lắng nghe những chia sẻ, ý kiến của người dân, trước khi thành phố đưa ra những quyết định quan trọng.

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhiều giải pháp cho công tác bảo tồn di sản và cảnh quan đô thị trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, có ý kiến cho rằng, sở dĩ nhiều di sản văn hóa lịch sử và kiến trúc quý giá của TP.HCM bị hủy hoại, biến mất là do chính quyền TP.HCM chưa có quyết tâm cao trong vấn đề này. Bằng chứng là, từ năm 1996, TP.HCM đã xác định bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trong thể thống nhất với đô thị hiện đại. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vẫn chưa có một danh sách chính thức (có tính pháp lý cao) các công trình và khu vực cảnh quan được bảo tồn. Theo tiến sĩ - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, việc khoanh vùng khu trung tâm lịch sử là cần thiết và cấp bách. Khi ta khoanh vùng được khu trung tâm lịch sử, di sản sẽ tự động được bảo vệ mà không cần thuộc danh mục xếp hạng hay không.

Phát triển văn hóa trước rồi mới phát triển kinh tế 

Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Đức Hải chia sẻ kết quả điều tra xã hội học do Ban Tuyên giáo Thành ủy tiến hành, về sự quan tâm của người dân tới vấn đề văn hóa vào tháng Tư năm nay. Theo đó, trên tổng 1.100 phiếu được phát ra, có tới 74% người dân trả lời, phải phát triển kinh tế song song với phát triển văn hóa. Đáng chú ý, có 15,7% người dân cho rằng, phải phát triển văn hóa trước rồi mới phát triển kinh tế sau. Từ kết quả khảo sát có thể thấy, sự quan tâm của người dân về vấn đề văn hóa rất lớn.

Sao khong khai thac  di san de hai ra tien?
Bưu điện TP.HCM - một công trình lâu đời, đến nay vẫn chưa được xếp hạng - Ảnh: Hiếu Tiến

Ông Phạm Đức Hải cũng đặt câu hỏi về mức đầu tư cho công tác tôn tạo, bảo tồn di sản hiện nay. Trong nhiều năm qua, TP.HCM luôn giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, thu ngân sách chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách quốc gia, tỷ trọng kinh tế chiếm khoảng từ 20 - 25% GDP quốc gia. TP.HCM cũng liên tục dẫn đầu với số tiền thu ngân sách theo chiều hướng tăng dần. Cụ thể, năm 2015, thu 304.320 tỷ đồng; năm 2016 thu 308.101 tỷ đồng; năm 2017 thu 348.892 tỷ đồng; năm 2018 thu 378.543 tỷ đồng. Năm 2019 dự toán sẽ thu xấp xỉ 400.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số tiền được phân bổ lại để vận hành bộ máy hành chính, đầu tư công, phúc lợi và an sinh xã hội... chỉ chiếm 33% trong tổng thu ngân sách ở các thời kỳ ổn định ngân sách trước đó và nay đã giảm xuống chỉ còn 18%, tương ứng khoảng trên dưới 60.000 tỷ đồng/năm. 

Trong khi đó, bình quân những năm gần đây, tổng chi của thành phố rơi vào khoảng 70.000 - 80.000 tỷ đồng. Trong đó, 50.000 tỷ đồng chi cho hoạt động thường xuyên; chỉ có 20% đầu tư cho phát triển, đường sá, giao thông, văn hóa… Từ báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, trong 5 năm (2014 - 2019), thành phố chỉ chi 490 tỷ đồng cho công tác bảo tồn di sản, bình quân mỗi năm chỉ có 100 tỷ đồng cho hoạt động này. 100 tỷ đồng mà phân bổ cho 172 di tích (đã được xếp hạng) thì ra con số ít ỏi thế nào. 

Cũng theo kết quả khảo sát, với câu hỏi người dân nghĩ gì về việc đầu tư - phát triển thành phố, chỉ có 15% người dân đánh giá rằng, đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất tốt; 30% không hài lòng, cho là chưa tốt và có 11,8% người dân thậm chí không biết thành phố có đầu tư hay tôn tạo gì không. Ngoài ra, chỉ có 9,24% người dân thường xuyên tham quan bảo tàng, di tích; có 9,6% chưa bao giờ đến bảo tàng hay di tích. Hiệu quả từ việc xã hội hóa bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị chưa cao. Cả thành phố thu hút được 294 tỷ đồng từ xã hội hóa thì trong đó có tới 100 tỷ đồng của Q.5. Con số này là quá khiêm tốn.

Từ những chia sẻ, kiến nghị của chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học… để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị, đại diện HĐND TP.HCM, ông Phạm Đức Hải đưa ra những chữ “phải”. Trước hết, phải xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị. Hai là, TP.HCM đến nay vẫn chưa có quy hoạch ngành văn hóa, nên phải có chiến lược quy hoạch tổng thể thì mới có quy hoạch bảo tồn di tích được. Đồng thời, phải đầu tư nhiều hơn cho công tác tôn tạo, bảo tồn di tích; phải tăng cường quảng bá, đổi mới để thu hút ngày càng nhiều người dân đến bảo tàng, di tích; tăng cường hoạt động xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; phải đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ. Đặc biệt, nội dung bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM còn được đưa vào chương trình giám sát năm 2019 của HĐND TP.HCM. 

PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển:

“Xếp hạng di sản không đón đầu được đô thị hóa”

“Luật bảo vệ di sản, xếp hạng các di tích văn hóa đã phần nào làm chậm tốc độ xâm hại các di sản văn hóa. Chúng ta đặt niềm tin lớn vào công tác xếp hạng các di sản văn hóa, vì đó là một công cụ hiệu quả cho công cuộc bảo tồn di sản. Nhưng trên thực tế, nhiều di sản vẫn mất đi hoặc có nguy cơ sẽ mất đi nếu không kịp xếp hạng. Hiện nay, đang có một độ chênh lớn giữa tốc độ phát triển đô thị với công tác xếp hạng di sản văn hóa. Công tác xếp hạng không đón đầu được những tác động của đô thị hóa. TP.HCM có 172 công trình được xếp hạng di tích, nhưng các công trình đã đi vào lòng người dân như chợ Bến Thành, chợ Tân Định, nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND TP.HCM… thì vẫn chưa được xếp hạng”.

TS-KTS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM

“Bảo tồn di sản là ý nguyện của người dân, nhưng chỉ thực hiện được nhờ Nhà nước”

“Bảo tồn di sản là một nhu cầu của xã hội văn minh. Loài người càng phát triển, càng văn minh, càng cần tới quá khứ, tới nền văn hiến lâu đời. Bảo tồn di sản kiến trúc cảnh quan đô thị là ý nguyện của nhân dân, nhưng chỉ thực hiện được nhờ Nhà nước. Di sản, kiến trúc đô thị được bảo tồn có tính lâu dài, liên quan đến lợi ích lâu dài, trong khi quan điểm chính trị và quyết định hành chính mang tính nhất thời. Một công trình trăm năm có thể bị xóa sổ, không bao giờ có thể thấy lại được, chỉ do một quyết định nhất thời. Do đó, nếu chưa có cơ sở khoa học vững chắc cho việc đập bỏ thì tạm thời hãy để những công trình cổ đó tồn tại. Khoa học và kỹ thuật bảo tồn di sản cho phép tìm được giải pháp bảo tồn hiệu quả nhất và dung hòa được lợi ích giữa các bên”.

Du Nguyên (ghi)

Không cấp phép xây nhà cao tầng tại trung tâm các đô thị

Mới đây, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, để khắc phục các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị và xây dựng; tăng cường giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đối với công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, góp phần phát hiện, kiến nghị xử lý các tồn tại, hạn chế và vi phạm pháp luật.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tiến hành rà soát, đánh giá và đề ra các giải pháp khắc phục đối với các quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh không đúng quy định; lập kế hoạch đầu tư và đầu tư đồng bộ giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với phát triển nhà ở, công trình thương mại dịch vụ và công trình khác theo quy hoạch được duyệt. Đặc biệt, cần quán triệt quy định không cấp phép xây dựng công trình cao tầng tại trung tâm các đô thị.


Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI