Anh chị cưới nhau đến nay đã hơn 5 năm, có 1 bé gái 3 tuổi. Theo thời gian, chị thấy chồng ngày càng lười nhác. Đi làm về, anh chỉ xem ti vi, bấm điện thoại, giao hết việc nhà cửa, chăm sóc con cái cho chị. Nhiều lần, chị muốn từ bỏ cuộc hôn nhân này.
Tâm sự ấy chị không giấu giếm mà đã nhiều lần nói ra trong những bức thư dài gửi cho chồng. Viết tâm thư gửi chồng, đối với chị, như việc làm mang tính chu kỳ; cứ đôi, ba tháng lại thực hiện 1 lần. Không cần biết anh có đọc hết hay không, nhưng cách chị viết thì lần nào cũng như lần nấy.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Đầu tiên chị sẽ kể ra sự bận rộn, thiệt thòi, mệt mỏi của bản thân. Tiếp theo chị sẽ liệt kê một loạt tính xấu của anh. Chị chê anh ích kỷ, sống bừa bộn, chỉ biết tìm sướng cho bản thân chứ không thấu hiểu, chia sẻ việc nhà cùng chị. Cuối cùng, chị sẽ đưa ra những dự cảm bi quan về cuộc hôn nhân giữa 2 người nếu anh không chịu điều chỉnh.
“Chị than thở, trách móc bao nhiêu thì anh ấy cũng chẳng thay đổi gì. Có lẽ chồng chị bây giờ như người bệnh đã nhờn thuốc” - chị tâm sự với tôi trong lần gặp gần đây. “Sao chị không thử giao việc cho chồng?” - tôi khuyên.
Tôi kể chuyện mình cho chị nghe. Trước đây, tôi cũng như chị. Trong khi sống chung, có vô vàn tình huống chồng khiến tôi thất vọng, chán nản. Số lần cãi nhau, thậm chí chửi bới nhau diễn ra khá thường xuyên.
Trong cơn bức xúc, tôi quy kết sự vụng về, lười biếng của chồng là bản chất, do anh được nuông chiều từ bé. Tôi suy diễn, việc anh không xuất hiện kịp mỗi lần tôi cần là do anh không còn yêu tôi…
Những lần không cãi lộn, nạt nộ nhau, tôi lại chuyển sang chiến tranh lạnh hoặc trong lòng muốn một đằng nhưng ngoài miệng lại hờn trách anh một nẻo. Dần dà, chồng “bơ đẹp” luôn tính càm ràm, hay suy nghĩ phức tạp của tôi. Anh giữ khoảng cách với luồng năng lượng xấu phát ra từ vợ để giữ sự yên ổn cho mình.
Lựa chọn của chồng khiến tôi nhìn lại bản thân. Anh rõ ràng, bình tâm bao nhiêu thì tôi lại ấm ức, rối trí bấy nhiêu. Tôi cứ đào thêm những hố sâu ngăn cách rồi qua năm tháng tự mình vùng vẫy, chống chọi dưới đó. Tôi cũng không đủ can đảm để dứt khoát ly hôn với chồng. Tôi ngồi xuống, liệt kê ra những đầu việc mà chồng tôi có thể phụ giúp rồi bắt đầu giao việc cho anh.
Ngày đầu tiên, trong lúc tôi nấu bữa sáng cho cả nhà thì phần việc của anh sẽ là gấp mùng mền, sau đó xuống bếp rửa đống chén dĩa còn sót lại từ tối qua.
Ngày thứ hai, vì tan sở muộn, tôi nhờ anh đi làm về trước thì mở tủ lạnh lấy tôm thịt ra rã đông, cắm cơm. Nếu còn thời gian thì gom quần áo dơ cho hết vào máy giặt, giặt.
Ngày thứ ba, tôi gửi cho anh một bức hình chụp chiếc ban công thơ mộng, rực rỡ những bông hoa mùa hè rồi nhờ anh dọn dẹp, chỉnh trang lại ban công nhà mình. Tôi cũng bàn với anh về việc có nên đặt thêm vài chậu cây vào bệ cửa, hay đặt thêm chiếc ghế đọc sách vào khoảng trống giữa các lối đi…
Để chồng hợp tác, dễ dàng hoàn thành công việc, tôi chọn lối nói chuyện tôn trọng, từ tốn nhưng vẫn nghiêm túc, rõ ràng. Tôi tránh lối diễn đạt rườm rà khiến chồng xao nhãng, mất tập trung.
Khi giặt quần áo, nếu anh bối rối không biết pha xà bông thế nào, tôi sẽ ghi chú luôn cho anh bao nhiêu quần áo là mấy muỗng xà bông. Khi cắm cơm, tôi cũng hướng dẫn cho anh tỉ lệ giữa gạo và nước như thế nào là phù hợp.
“Em nói với chồng mà như nói với con vậy à?” - chị tôi cảm thán khi nghe tôi chia sẻ. Những người chồng không quen việc, đụng đâu hỏng đấy, lóng ngóng vụng về không khác gì những đứa trẻ. Muốn chồng tiến bộ, trưởng thành, chẳng có gì hay hơn cách giao việc.
Theo thời gian, khi làm nhiều, trải nghiệm nhiều, “tay nghề” của họ sẽ tự khắc cứng cáp hơn. Họ cũng sẽ thấu hiểu nỗi vất vả, bận rộn của bạn đời bấy lâu nay.
Tôi kể tiếp cho chị nghe những trường hợp suýt thất bại. Ví dụ, khi tôi nhờ chồng xếp mùng mền sau khi ngủ dậy, anh sẽ chần chừ, lý sự kiểu phòng ngủ không ai vào, tối còn ngủ lại nên cần gì phải xếp.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Nếu là trước đây, tôi sẽ bực tức, chê anh lười rồi hùng hổ tự tay đi làm cho xong chuyện. Nhưng bây giờ, tôi áp dụng nguyên tắc “nhờ 1 lần không được thì nhờ nhiều lần, miễn việc ấy chính đáng”. Tôi mỉm cười động viên chồng: “Anh cố gắng làm đi. Mình không gọn cho ai xem mà mình ngăn nắp để bản thân được sạch sẽ, ngoài ra còn để làm gương cho con nữa”.
Giao việc cho chồng không chỉ là lựa chọn mà còn là sự hiểu biết. Từ chỗ luôn căng thẳng, thất vọng, tự tạo áp lực không cần thiết cho mình và cho bạn đời, bây giờ cuộc sống hôn nhân của tôi đã hòa thuận, gắn kết hơn.
Tôi nhận ra, giao việc cho chồng đúng cách sẽ mang đến hiệu quả, chính mình sẽ được giảm tải, giải phóng cả về thân lẫn tâm. Và khi người vợ được nhẹ nhõm, thoải mái, không khí gia đình sẽ luôn tươi mới, ấm lành.
Diệu Thông